Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư thủ thế

Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư thủ thế

(ĐTCK) VN-Index đảo chiều giảm điểm với thanh khoản thấp; khối ngoại bán mạnh sau 8 phiên liên tiếp mua ròng; giá vàng phục hồi nhẹ; xăng tăng 350 đồng/lít; Vietjet Air đặt kế hoạch lợi nhuận 3.395 tỷ đồng... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Thị trường chứng khoán 

VN-Index giảm

Thị trường tăng trong ngờ vực ở phiên chiều hôm qua tiếp tục lấy đi lòng tin của nhà đầu tư khiến giao dịch phiên sáng nay trở nên trầm lắng hơn. Dòng tiền tiếp tục hạn chế giao dịch và thận trọng quan sát trong khi lực cung có phần chiếm ưu thế trước lo ngại áp lực điều chỉnh.

Đà bán càng gia tăng mạnh hơn về cuối phiên khiến sắc đỏ ngập tràn, trong đó, gánh nặng chính đến từ nhóm cổ phiếu lớn, đã kéo chỉ số của 2 sàn chính đều lùi sâu dưới mốc tham chiếu.

Bước sang phiên chiều, lực cầu hấp thụ gia tăng giúp đà giảm có phần thu hẹp dần.

Tuy nhiên trước áp lực bán khá lớn, một lần nữa đẩy cả 2 chỉ số này về xuất phát điểm của phiên chiều.

Trong khi VNM giảm 0,34% thì các trụ cột khác đều rơi xuống mức giá thấp nhất khi kết phiên như VCB giảm 1,39%, MSN giảm 1,97, GAS giảm 1,82%, VIC giảm 2,17%, BVH giảm 1,88%.

Không chỉ GAS, hầu hết các mã lớn nhóm dầu khí như PVD, PVC, PVS, PVB, PGS cũng đều kết phiên dưới mốc tham chiếu.

Trái lại, một số mã lớn khác như CII, CTD, ROS, NVL, đóng vai trò là các má phanh của thị trường.

Đặc biệt, trong phiên chiều phải kể tới sự hồi phục của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Ngoại trừ VCB và SHB còn giảm điểm, còn lại MBB, STB, ACB lấy lại mốc tham chiếu, BID và CTG đảo chiều với mức tăng tương ứng 1,84% và 0,58%.

Trong đó, SHB giữ vững vị trí vua thanh khoản với 16,27 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Trong khi sức nóng của nhóm cổ phiếu phân bón nhanh chóng bị dập tắt thì thị trường lại đón nhận đợt sóng mới đến từ nhóm khoáng sản. Bên cạnh các mã như BMC, KHB, MMC tăng trần, các mã khác như ALV, BKC, FCM, KCB, MIC, KSH đều khởi sắc.

Kết thúc phiên giao dịch 20/4, VN-Index giảm 4,11 điểm (-0,57%), xuống 712,66 điểm; HNX-Index giảm 0,65 điểm (-0,73%), xuống 88,47 điểm; UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,21%),  lên 57,41 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 3.854  tỷ đồng.

Trong phiên này, trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 5,39 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 30,4 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 761.980 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 0,87 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 124.010 đơn vị, tổng giá trị tương ứng 5,09 đồng.

Bản tin tài chính kinh doanh trưa 20/4/2017:

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Sau phiên giảm trước đó, chứng khoán Mỹ đã hồi phục trở lại khi các doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh quý I khả quan. Tính tới thời điểm hiện tại, lợi nhuận của các công ty đã công bố cao hơn dự kiến.

Tuy nhiên, đà tăng của phố Wall bị hãm lại, thậm chí Dow Jones vẫn chìm trong sắc đỏ do nhóm cổ phiếu năng lượng lao dốc khi giá dầu thô giảm tới gần 4%.

Kết thúc phiên 19/4, chỉ số Dow Jones giảm 92,88 điểm (-0,45%), xuống 20.430,40 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,55 điểm (+0,28%), lên 2.348,74 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 20,36 điểm (+0,35%), lên 5.869,83 điểm.

Trên thị trường châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ khi các nhà đầu tư trở nên thận trọng trước các sự kiện rủi ro toàn cầu như cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào cuối tuần và căng thẳng hơn Bắc Triều Tiên.

Cổ phiếu của các công ty khai thách dầu mỏ như Inpex Corp và Japan Petroleum Exploration Co giảm lần lượt1,3% và 1,7% sau khi giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần vào ngày hôm qua, trước khi hồi phục trong phiên giao dịc sáng nay tại Châu Á.

Giá dầu bị ảnh hưởng trữ lượng dồi dào của các kho dự trữ xăng của Hoa Kỳ và sự gia tăng khai thác sản lượng dầu thô của nướ này.

Chứng khoán Hồng Kông hồi phục nhẹ, mặc dù thị trường bị hạn chế khá nhiều do sự không chắc chắn về cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào cuối tuần và căng thẳng với Bắc Triều Tiên.

Các cổ phiếu ngành năng lượng duy trì được sự ổn định sau khi giá dầu sụt giảm trong một đêm.

Các nhà sản xuất phần mềm đã tăng mạnh hơn 3%, dẫn đầu bởi Công ty công nghệ Tencent 

Chứng khoán Trung Quốc tăng, với việc các nhà đầu tư tìm kiếm những cổ phiếu ít rủi ro, hứa hẹn lợi nhuận ổn định và cổ tức cao, như ngành tiêu dùng và chăm sóc sức khoẻ. Qua đó, đẩy chỉ số tiêu dùng và chăm sóc sức khoẻ tăng hơn 2%, trong khi chỉ số các nhà sản xuất rượu tăng 3,3%.

Cùng lúc, nhà đầu tư cũng đã bắt đầu chạy trốn khỏi các cổ phiếu nhỏ và cổ phiếu liên quan đến khu kinh tế Hùng An mới.

Ngoài ra, Chứng khoán Trung Quốc cũng bị áp lực bởi lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế sẽ sớm giảm sau khi bắt đầu mạnh mẽ trong năm.

Các cổ phiếu dự kiến sẽ được hưởng lợi từ khu vực mới Hùng An tiếp tục sụt giảm, như Công ty sản xuất vật liệu xây dựng BBMG và Baoding Tianwei Baobian Electric sụt giảm tới 10% mỗi ngày.

Kết thúc phiên 20/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1,71 điểm (-0,01%), xuống 18.430,49 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 231,10 điểm, (+0,97%), lên 24.056,98 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,41 điểm (+0,04%) lên 3.172,10 điểm.

Thị trường vàng, ngoại tệ

- Giá vàng SJC phục hồi nhẹ. Tỷ giá USD giảm mạnh

Tại thị trường trong nước, sau khi giảm 40.000 -  50.000 đồng/lượng vào sáng nay, đến cuối giờ chiều, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,54 - 36,78 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 10.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.330 đồng/USD, tăng 8 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giảm 15 - 20 đồng so với đầu giờ sáng, hiện giao dịch phổ biến ở 22.685 - 22.775 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Giá xăng dầu đồng loạt tăng 350 đồng/lít

Theo tin từ Liên bộ Công Thương - Tài Chính, sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn, kể từ 15h, giá xăng RON 92 được phép tăng 350 đồng/lít lên mức tối đa 17.583 đồng/lít và xăng sinh học E5 tăng 350 đồng/lít lên 17.382 đồng/lít.

Các mặt hàng dầu diesel tăng 350 đồng/lít lên mức tối đa 13.819 đồng/lít và dầu hỏa tăng 350 đồng/lít lên 2.338 đồng/lít. Dầu mazut tăng 350 đồng/kg xuống 10.966 đồng/kg.

Mức chi sử dụng quỹ bình ổn với các mặt hàng xăng dầu được tăng lên 414 đồng/lít với xăng khoáng; 364 đồng/lít với xăng E5; 300 đồng với dầu diezel; 297 đồng/lít với dầu hoả và 304 đồng/lít với dầu mazut. Trước đó, mức chi sử dụng quỹ với mặt hàng xăng dầu được giữ nguyên 0 đồng/lít trong nhiều kỳ điều hành liên tiếp.

Vietjet Air: Lợi nhuận quý I/2017 tăng hơn 40% so với cùng kỳ

Vietjet (VJC) đặt kế hoạch doanh thu 42.018 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.395 tỷ đồng.

Đại hội thông qua kế hoạch cổ tức đợt 2 năm 2016 với tổng tỷ lệ 50%, trong đó cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10%. Ngày chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức tiền mặt dự kiến 10/5. Theo đó, Đại hội ủy quyền cho HĐQT VJC quyết định thời gian thực hiện.

Đồng thời, VJC dự kiến phát hành 128 triệu cổ phiếu chi trả cổ tức cho cổ đồng với tỷ lê 100:40. Vốn điều lệ mới sau phát hành dự kiến 4,513 tỷ đồng. Thời gian thực hiện ủy quyền cho HĐQT VJC quyết định, dự kiến trong năm 2017.. >> Chi tiết

Mỗi tháng Ấn Độ có thêm 1 tỷ phú

Dựa trên số liệu của Forbes, Ấn Độ đã có 36 tỷ phú vào năm 2005. Năm 2010, tổng số là 55 tỷ phú và dự kiến trong 6 năm tới, Ấn Độ sẽ bổ sung 46 tỷ phú mới vào danh sách tỷ phú của họ.

Số lượng người giàu Ấn Độ trong danh sách tỷ phú của Forbes đã tăng lên 101 người so với 84 người của năm trước, và trong khi tài sản của một số gia đình giàu có đang vơi bớt vì thế hệ kế cận không tiếp quản được việc kinh doanh của gia đình thì một số tỷ phú mới lên đang gia nhập danh sách một cách nhanh chóng.. >> Chi tiết

Saudi Arabia và Iraq đề xuất gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu

Theo tin từ Thông Tấn xã, phát biểu tại một diễn đàn năng lượng ở Abu Dhabi, Bộ trưởng al-Falih nhận định các nước sản xuất dầu mỏ sẽ phải tiếp tục đánh giá diễn biến thị trường cho đến tháng Năm tới, khi các bộ trưởng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) để quyết định có gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ hay không. 

Ông cho biết thêm, tại các cuộc đàm phán ở Kuwait hồi tháng trước, các nước đã đạt được "thỏa thuận sơ bộ" về việc cần kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu.

Cùng ngày, Iraq, nước sản xuất dầu lớn thứ hai OPEC sau Saudi Arabia, và là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 4 trên thế giới, cũng bày tỏ ủng hộ đề xuất kéo dài thỏa thuận nói trên.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ được các quốc gia thành viên thuộc OPEC đạt được hồi cuối tháng 11/2016, theo đó nhất trí cắt giảm 1,2 triệu thùng mỗi ngày.

Tháng 12/2016, 11 nước sản xuất chủ chốt khác ngoài OPEC cũng cam kết giảm sản lượng 558.000 thùng mỗi ngày, đưa tổng mức cắt giảm trên toàn cầu lên gần 1,8 triệu thùng mỗi ngày.

Tin bài liên quan