Ảnh Internet.

Ảnh Internet.

Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư hứng khởi

(ĐTCK) VN-Index lên sát 980 điểm; Cần kiên định không trả lãi tiền gửi bằng USD; Kiểm toán “lắc đầu” với nhiều doanh nghiệp yếu kém; Ồ ạt tăng vốn: Công ty chứng khoán ngoại chuẩn bị “lấn sàn”; Khai mạc diễn đàn chuyên đề thị trường vốn - tài chính; Chứng khoán châu Á tiếp tục phục hồi; Thủ tướng Malaysia hủy các dự án hơn 20 tỷ đô với Trung Quốc...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

VN-Index tăng gần 10 điểm

Trong phiên sáng, việc thiếu thông tin hỗ trợ khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng, giao dịch diễn ra không mấy sôi động. Thị trường chủ yếu lình xình, giằng co quanh tham chiếu.

Tuy vậy, VN-Index vẫn tăng điểm khi một số nhóm cổ phiếu trụ như bất động sản, chứng khoán... tăng giá.

Bước vào phiên chiều, VN-Index sớm bật lên khi nhóm ngân hàng đồng loạt tăng điểm, trong khi các trụ đỡ khác duy trì sự ổn định đã giúp VN-Index kết phiên với mức tăng gần 10 điểm.

Theo đó, nhiều mã ngân hàng bật tăng mạnh như BID +5,1% lên 33.000 đồng; CTG +3,1% lên 26.500; VCB +2,1% lên 62.700 đồng; VPB +2,4% lên 25.500 đồng...

Các nhóm cổ phiếu trụ khác như bất động sản, vật liệu xây dựng, chứng khoán, tiêu dùng... cũng đều thể hiện sự tích cực. Trong đó, đa phần các mã đầu ngành như VIC, VHM, VNM, MSN, HPG, SSI, MWG, SBT, PNJ, VJC... đều tăng.

SSI tăng 5% lên 30.600 đồng, khớp lệnh hơn 4 triệu đơn vị. VHM tăng 1% lên 109.900 đồng. VNM tăng 1,8% lên 163.000 đồng...

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc xanh cũng lan tỏa, trong đó có các mã nóng như FLC, SCR, HNG, HAG...

Một số mã như DRC, TGG, PLP, CRC... tăng trần, trong đó DRC khớp 1,07 triệu đơn vị.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng 698.370 đơn vị, nhưng giá trị là mua ròng 148,7 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 399.899 đơn vị, giá trị bán ròng 5,26 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng 695.241 đơn vị, nhưng giá trị là mua ròng 0,85 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 21/8: VN-Index tăng 9,59 điểm (+0,99%), lên 979,21 điểm;  HNX-Index tăng 1,96 điểm (+1,81%), lên 110,02 điểm; UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,02%), lên 51,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 5.320 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Kỳ vọng về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung tiếp tục giúp phố Wall tăng điểm trong phiên đầu tuần mới, nhưng các chỉ số đã hạ nhiệt trong ít phút cuối phiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và cáo buộc Trung Quốc, cùng châu Âu thao túng tiền tệ.

Vào thứ Tư tới đây, biên bản cuộc họp tháng 8 của Ủy ban thị trường mở thuộc Fed (FOMC) sẽ được công bố với kỳ vọng cho thấy niềm tin của Fed vào tăng trưởng kinh tế của Mỹ và sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Cuối tuần, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các thống đốc ngân hàng trung ương khác sẽ có cuộc họp thường niên tại Jackson Hole, Wyoming. Chương trình nghị sự tại cuộc họp này là về nguyên nhân của việc lạm phát thấp, tăng trưởng tiền lương chậm và năng suất yếu trong nền kinh tế Mỹ.

Kết thúc phiên 20/8, chỉ số Dow Jones tăng 89,37 điểm (+0,35%), lên 25.758,69 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,92 điểm (+0,24%), lên 2.857,05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 4,68 điểm (+0,06%), lên 7.821,01 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh trong phiên sáng, nhưng đã kịp phục hồi trong phiên chiều sau khi đồng yên suy yếu.

Đóng chửa, chỉ số Nikkei 255 tăng 0,1% lên 22.219,73 điểm. Tuy nhiên, Topix giảm 0,4% xuống 1.685,42 điểm.

Đồng USD giảm xuống dưới mức 110 yên/USD lần đầu tiên kể từ ngày 28/6 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Fed về kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất.

Các nhà phân tích cho biết, sự mạo hiểm của giới đầu tư đang ở mức thấp trong bối cảnh chưa có gì là chắc chắn về các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến bắt đầu vào giữa tuần.

Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu của các nhà mạng đã vấp ngã, sau khi Tổng thư ký Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu tại Sapporo, Hokkaido rằng ngành điện thoại di động của đất nước cần cải cách. Ông cũng nói rằng phí di động nên được cắt giảm khoảng 40%.

Theo đó, KDDI Corp giảm 5,2%, NTT Docomo giảm 4%, SoftBank Group Corp giảm 1,6% và Rakuten, công ty dự định ra mắt một doanh nghiệp điện thoại di động, giảm 3,6%.

Cổ phiếu ngành điện tử cũng bị bán với với Panasonic giảm 2,1% và Alps Electric giảm 1,4%

Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục tăng, dẫn đầu bởi các cổ phiếu công nghệ, tiêu dùng và tài chính.

Dòng tiền tham lam nhập cuộc mạnh mẽ sau khi có các dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ và tài chính để chống lại tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Trung Quốc có khả năng cắt giảm dự trữ bắt buộc của ngân hàng đối với trái phiếu chính phủ địa phương từ 20% xuống 0% trong ngắn hạn để thu hút nguồn vốn, nguồn tin của Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc. Động thái này, nếu được xác nhận, sẽ giúp các chính quyền địa phương dễ dàng huy động vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Các nhà đầu tư cũng hứng khởi sau khi các phương tiện truyền thông cho biết rằng các công ty bảo hiểm lớn của Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ nhân dân tệ vào các thị trường chứng khoán trong ba ngày giao dịch vừa qua.

Đóng cửa, Shanghai Composite  tăng 1,3% lên 2,733,83 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 1,8% lên 3.326,65 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành tài chính tăng 1,2%, ngành tiêu dùng tăng 3,98%, bất động sản tăng 1,39% và y tế tăng 4,36%.

Nhóm cổ phiếu tăng giá lớn nhất là BEH-Property Co Ltd tăng 10,13%; Shanghai Aerospace Automobile Electromechanical Co Ltd tăng 10,05% và Anhui Great Wall Military Industry Co Ltd tăng 10,04%.

Nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất gồm MeiDu Energy Corp giảm 10,09%; Gansu Gangtai Holding Group Co Ltd giảm 10,02% và Shangying Global Co Ltd giảm 10,01%.

Chứng khoán Hồng Kông tăng do đồng nhân dân tệ ổn định và các nhà đầu tư kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tiếp tục nới lỏng các chính sách tiền tệ để chống lại tác động của việc gia tăng tranh chấp thương mại với Mỹ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,6%, lên 27.752,79 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1%, lên 10.737,63 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng tăng 1,2%, ngành CNTT tăng 1,18%, tài chính tăng 0,44% và bất động sản tăng 0,89%.

Cổ phiếu tăng giá cao nhất thuộc về CSPC Pharmaceutical Group Ltd, tăng 9,99%, trong khi thua lỗ lớn nhất là CLP Holdings Ltd giảm 3,19%.

Nhóm cổ phiếu H tăng tốt nhất gồm  CSPC Pharmaceutical Group Ltd tăng 9,99%; ZhongAn Online P&C Insurance Co Ltd tăng 9,37% và Great Wall Motor Co Ltd tăng 6,65%.

Nhóm cổ phiếu H giảm sâu nhất có China Mobile Ltd giảm 1,34%, Hengan International Group Company Ltd giảm 1,1% và Postal Savings Bank of China Co Ltd  giảm 0,8%.

Kết thúc phiên 21/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 20,73 điểm (+0,09%), lên 22.219,73 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 154,77 điểm (+0,56%), lên 27.752,79 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 35,36 điểm (+1,31%), lên 2.733,83 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC giảm 50.000 đồng/lượng. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.300 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng 20.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,56 - 36,76 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.679 đồng/USD, giảm 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.220 - 23.300 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Cần kiên định không trả lãi tiền gửi bằng USD

Trước xu hướng tăng của USD, có ý kiến cho rằng, nên nâng trần lãi suất tiền gửi so với mức 0% hiện nay để "giữ chân" dòng vốn ngoại tệ. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, để ổn định tỷ giá, chống tình trạng đô-la hóa..., Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần kiên định với chính sách không trả lãi suất đối với tiền gửi bằng USD..>>Chi tiết

Kiểm toán “lắc đầu” với nhiều doanh nghiệp yếu kém

Mùa công bố báo cáo soát xét bán niên năm nay, phía kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ, nhấn mạnh và thậm chí là từ chối đưa ra ý kiến với báo cáo tài chính của không ít doanh nghiệp..>> Chi tiết

Ồ ạt tăng vốn: Công ty chứng khoán ngoại chuẩn bị “lấn sàn”

Chỉ trong một thời gian ngắn, các nhà đầu tư ngoại ồ ạt “đổ bộ” vào nhóm các công ty chứng khoán. Có vốn lớn, kinh nghiệm lâu năm ở thị trường quốc tế, nhóm các nhà đầu tư này liệu có khiến các công ty chứng khoán nội phải chùn bước?..>> Chi tiết

Khai mạc diễn đàn chuyên đề thị trường vốn - tài chính

Diễn đàn chuyên đề thị trường vốn - tài chính trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) với chủ đề “Mở rộng thị trường vốn, tài chính Việt Nam - Giải pháp và thách thức” do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phối hợp với Báo VnExpress tổ chức sẽ diễn ra vào sáng nay 21/8/2018 tại Hà Nội..>> Chi tiết

Chính phủ đo gánh nặng chi phí của doanh nghiệp

Lần đầu tiên, Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (Chỉ số APCI 2018) được Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ công bố, để đo lường thời gian và chi phí thực tế của doanh nghiệp khi đáp ứng các quy định hiện hành..>> Chi tiết

Thủ tướng Malaysia hủy các dự án hơn 20 tỷ đô với Trung Quốc

Việc tái đàm phán các dự án trị giá 22 tỷ USD không mang lại kết quả trong chuyến thăm Bắc Kinh 5 ngày của lãnh đạo Malaysia..>> Chi tiết

Tin bài liên quan