Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư đang trong trạng thái chờ đợi

Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư đang trong trạng thái chờ đợi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng không đáng kể; Lãi suất sẽ tiếp tục giảm nhẹ; Tin xấu không làm thị trường giảm; Cổ phiếu đi ngược xu hướng nhờ “câu chuyện riêng”; Dòng tiền đang “bật chế độ chờ”; Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục bay cao;  Kinh tế Eurozone sẽ “chìm sâu” vào suy thoái cho đến khi “bật dậy” vào năm 2021...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô 

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 8/7 tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết ở mức 49,95 – 50,37 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 9,8 USD lên 1.794,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và leo lên gần 1.805 USD/ounce vào cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex New York tăng 4,1 USD lên 1.814 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,13% lên 97,01 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.218 đồng, giảm 4 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.110 - 23.290 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,11 USD (-0,27%), xuống 40,51 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,04 USD (-0,09%), xuống 43,03 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index nhích nhẹ

Nhà đầu tư trở lại trạng thái thăm dò, chờ đợi, ngay khi bước vào phiên sáng, bên cạnh đó, áp lực bán gia tăng khiến VN-Index giằng co trong biên độ hẹp quanh tham chiếu.

Bước vào phiên chiều, thị trường không có thêm tín hiệu xác định xu hướng nào, VN-Index vẫn chỉ rung lắc nhẹ với sự phân hóa cao trên bảng điện tử và may mắn có được sắc xanh nhạt khi đóng cửa.

Nhóm bluechip có điểm sáng hiếm hoi tại SAB +4,27% lên mức 193.000 đồng. Tính trong 6 phiên đầu tháng 7, SAB đã tăng 22,93%.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, GTN, DHC, SJF, MHC, QCG… bảo toàn sắc tím với giao dịch khá tích cực. Trái lại, DAH xác lập phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 9,92 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 317,41 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 8/7: VN-Index tăng 1,08 điểm (+0,13%), lên 864,5 điểm; HNX-Index tăng 0,64,15 điểm (+0,56%), lên 113,71 điểm; UPCoM-Index tăng 0,42 điểm (+0,75%), lên 56,78 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Phố Wall quay đầu giảm vào phiên ngày thứ Ba (7/7) khi nhóm cổ phiếu công nghệ bị hụt hơi và những lo ngại về sự bùng phát dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.

Cổ phiếu Amazon giảm 1,9% và dẫn đầu đà sụt giảm của lĩnh vực công nghệ. Cổ phiếu Netflix hạ 0,1% sau khi chạm mức cao kỷ lục vào đầu phiên. Cổ phiếu Microsoft, Apple và Facebook đều rút lui vào cuối phiên.

Các cổ phiếu gắn với việc tái mở cửa nền kinh tế đồng loạt nhuốm sắc đỏ với Norwegian Cruise Line và Carnival Corp đều mất hơn 5%. Cổ phiếu American Airlines và United Airlines lần lượt giảm 6,95% và 7,6%.

Kết thúc phiên 7/7, chỉ số Dow Jones giảm 396,85 điểm (-1,51%), xuống 25.890,18 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 34,40 điểm (-1,08%), xuống 3.145,32 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 89,76 điểm (-0,86%), xuống 10.343,89 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đi xuống do ảnh hưởng của phiên giảm của Phố Wall đêm qua.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,78% xuống 22.438,65 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,92% xuống 1.557,23 điểm, với tất cả 33 chỉ số phụ đóng cửa dưới tham chiếu.

Các trường hợp nhiễm mới Covid-19 tiếp tục leo thang trên toàn cầu, với Mỹ đã vượt hơn 3 triệu ca, còn thành phố lớn thứ hai của Úc là Melbourne với hơn 5 triệu người đã áp dụng các biện pháp phong tỏa để ngăn dịch lây lan.

Về phía Nhật Bản, thủ đô Tokyo cũng đã chứng kiến sự gia tăng trong các trường hợp nhiễm mới gần đây, nhưng Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura cho biết, không cần ban bố tình trạng khẩn cấp mới.

Điểm sáng leo lói tại Nhà sản xuất OLED Hodogaya Chemical Co Ltd, tăng 15,56%, sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin rằng Apple sẽ chuyển sang màn hình OLED cho iPhone thế hệ tiếp theo.

Trái lại, Aeon Mall Co Ltd, giảm 6,26% sau thời gian tạm đóng của nhiều trung tâm, và báo lỗ ròng 13,48 tỷ Yên (125,35 triệu USD) trong quý vừa qua và dự kiến khoản lỗ 4 tỷ Yên cho năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 2/2021.

Chứng khoán Trung Quốc tăng phiên thứ 7 liên tiếp và leo lên mức cao nhất trong 1 năm rưỡi qua, khi sự kỳ vọng ngày một lớn về về sự phục hồi nền kinh tế.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,74% lên 3.403,44 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 2/2018. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 1,62% lên 4.774,00 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 6/2015.

Chỉ số Shanghai Composite đã tăng 11,6% và CSI300 tăng 16,5% từ đầu năm đến nay. Trong đó, chỉ số  số Shanghai Composite đã tăng 14% từ đầu tháng đến nay.

Chứng khoán Hồng Kông tăng lên mức gần cao nhất trong 4 tháng qua, do tâm lý thị trường tiếp tục được thúc đẩy bởi kỳ vọng phục hồi nền kinh tế Trung Quốc sau phiên tăng thứ 7 liên tiếp trên Đại lục.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,59% lên 26.129,18 điểm, không xa mức cao nhất trong 4 tháng qua. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,39% lên 10.748,11 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng tăng 0,2%, ngành CNTT tăng 5,4 tài chính gần như không đổi và bất động sản giảm nhẹ 0,2%.

Chứng khoán Hàn Quốc đã giảm do giới đầu tư dừng lại quan sát khi các ca nhiễm mới Covid-19 vẫn đang gia tăn mạnh ở Mỹ và trên thế giới.

Kết thúc phiên 8/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 176,05 điểm (-0,78%), xuống 22.438,65 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 58,10 điểm (+1,74%), lên 3.403,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 153,52 điểm (+0,59%), lên 26.129,18 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 5,29 điểm (-0,24%), xuống 2.158,88 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Lãi suất sẽ tiếp tục giảm nhẹ

Với các giải pháp hỗ trợ sản xuất - kinh doanh cùng quyết tâm cải thiện thể chế, môi trường kinh doanh của Chính phủ, hệ thống ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay với kỳ vọng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cải thiện…>> Chi tiết

Tin xấu không làm thị trường giảm

Trong những phiên gần đây, sắc xanh chiếm ưu thế tại các cổ phiếu trong lĩnh vực điện, nước, dược phẩm, cảng biển, phân bón, dệt may, hóa chất…>> Chi tiết

Cổ phiếu đi ngược xu hướng nhờ “câu chuyện riêng”

Sau giai đoạn tăng điểm mạnh, giá nhiều cổ phiếu đồng loạt điều chỉnh theo thị trường, nhưng vẫn có các mã duy trì được xu hướng tăng như GTN, PET, VGC...>> Chi tiết

Dòng tiền đang “bật chế độ chờ”

Sau chu kỳ hồi phục mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản, thị trường bắt đầu có dấu hiệu chùng lại. Dòng tiền đang rình rập, chờ đợi giải ngân ở vùng giá thấp hơn..>> Chi tiết

Kinh tế Eurozone sẽ “chìm sâu” vào suy thoái cho đến khi “bật dậy” vào năm 2021

Kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ chìm sâu vào suy thoái trong năm nay và đến năm 2021 sẽ phục hồi ở mức độ ít hơn so với dự báo trước đó..>> Chi tiết

Tin bài liên quan