Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường tài chính 24h: Lòng tham bắt đầu trỗi dậy

(ĐTCK) Thị trường tiếp tục chứng khiến phiên bán tháo mạnh khiến VN-Index có phiên giảm kỷ lục trong phiên sáng với nỗ sợ lan rộng. Tuy nhiên, sang phiên chiều, lòng tham đã trỗi dậy với lực cầu bắt đáy chảy mạnh giúp chỉ số này lấy lại được phân nửa số điêm bị mất trong phiên sáng.

VN-Index chưa tìm ra lối thoát sau phiên thứ 2 liên tiếp hoảng loạn

Sau phiên sáng với hầu hết mã lớn "nằm sàn" thì lực cầu bắt đáy xuất hiện ở một số nhóm cổ phiếu đang nhận được sự quan tâm của dòng tiền như STB, HPG...

Bên cạnh đó là các cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn đã được hãm bớt đà giảm, tỷ lệ % giảm đã giảm xuống còn một nửa.

Việc chỉ số giảm rất sâu đã khiến dòng tiền tham lam không ít đổ vào thị trường, bất chấp khả năng tiếp tục điều chỉnh đang được dự báo còn khá lớn.

Tuy nhiên, đà tăng này không giữ được lâu, lực bán một lần nữa lấn át, chỉ số nhanh chóng đi xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC.

Phiên ATC hôm nay tuy không thể kéo thị trường giành lại màu xanh, nhưng cũng đã giúp VN-Index lấy lại mốc tâm lý trên 1.000 điểm.

Nhóm 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường đã có một số cổ phiếu cố gắng bứt phá như VIC, HPG, NVL, MSN khi không còn sắc đỏ khi chốt phiên.

Một số cổ phiếu khác đáng chú ý cũng không còn xanh mắt mèo hoặc giảm mạnh như VNM (-2,56%), VCB (-1,12%), ACB (-2,8%), MWG (-3,6%).

Tuy nhiên, nhiều mã vẫn nằm sàn hoặc sát mức giá sàn như VRE, GAS, PLX, BVH, BID, CTG.

Đáng chú ý còn có STB khi cũng hồi mạnh trở lại, chốt phiên tăng 1,7% lên 15.400 đồng/cổ phiếu, khớp 32,94 triệu đơn vị.

Cổ phiếu vừa bị loại ra khỏi VN30 là KBC cũng có thanh khoản rất sôi động với hơn 6,8 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên tăng 2,4% lên 12.900 đồng/cổ phiếu.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường thì tình hình vẫn khá xấu, khi hầu như không mã nào tăng điểm khi kết phiên, mặc dù có một số ít mã đã thoát mức giá sàn như HQC, SCR, ITA, DIG, DXG, OGC, FIT…

Còn lại thẳng tiến mức giá sàn như HAG, FLC (2 mã này khớp từ 13 đến hơn 15 triệu đơn vị), cùng HNG, DLG, ASM, HAI, IDI, AMD…khớp lệnh từ hơn 2 triệu đến 3,5 triệu đơn vị.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng 92,27 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 4.109,64 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 6,76 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 96,05 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 289.115 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 23,25 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 6/2: VN-Index giảm 37,11 điểm (-3,54%), xuống 1.011,6 điểm; HNX-Index giảm 3,21 điểm (-2,78%), xuống 115,64 điểm; UPCoM-Index giảm 1,98 điểm (-3,48%), xuống 54,95 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 17.478 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Sau phiên lao dốc mạnh cuối tuần trước, phố Wall tiếp tục chứng kiến cảnh bán tháo mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Các lệnh bán tháo và bán khống ồ ạt tung vào thị trường, khiến Dow Jones và S&P 500 có phiên sụt giảm mạnh nhất về mức tương đối kể từ tháng 8/2011, thời điểm Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm và cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro.

Còn xét về mức tuyệt đối, Dow Jones có phiên giảm mạnh nhất lịch sử.

Đà lao dốc của phố Wall được giới phân tích đánh giá là do giới đầu tư lo sợ Fed sẽ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến trong năm nay sau dữ liệu việc làm khả quan được công bố cuối tuần trước, gây áp lực lên lạm phát.

Không chỉ Fed, nhiều ngân hàng Trung ương khác cũng phát đi tín hiệu sẽ chấm dứt giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ, khiến tỷ suất trái phiếu tăng vọt, gây lo ngại cho giới đầu tư chứng khoán toàn cầu.

Khi thị trường chứng khoán sụt giảm vào thứ Hai, Nhà Trắng cho biết, các nền tảng cơ bản của nền kinh tế Mỹ rất mạnh. Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV/2017 đạt 2,6% và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 17 năm, xuống 4,1%.

Với sự sụt giảm hôm thứ Hai, S&P 500 đã trả lại hết những gì đã có từ đầu năm, thậm chí chỉ số này tính đến nay còn giảm 0,9% (trong năm 2018), còn Dow Jones cũng quay đầu giảm 1,5% trong năm.

Trong khi đó, chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall đã tăng 20 điểm lên 30,71 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 8/2015.

Kết thúc phiên 5/2, chỉ số Dow Jones giảm 1.175,21 điểm (-4,60%), xuống 24.345,75 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 113,19 điểm (-4,10%), xuống 2.648,94 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 273,42 điểm (-3,78%), xuống 6.967,53 điểm.

Trên thị trường châu Á cũng bị phố Wall nhấn chìm

Chứng khoán Nhật Bản lao dốc, có phiên giảm điểm lớn nhất kể từ tháng 6/2016, sau khi Phố Wall "tháo chạy" vào ngày hôm trước với nỗi lo sợ về việc lãi suất trái phiếu Mỹ tăng và khả năng tăng lạm phát đi lên nhanh.

Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa giảm 4,73% xuống 21.610,24 điểm, đánh dấu mức giảm lớn nhất trong 15 tháng qua. Về điểm số tuyệt đối, đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6/2016.

"Khi tâm lý thị trường biến động tiêu cực, giá trị đồng yên sẽ tăng lên, điều đó không tốt đối với các nhà xuất khẩu, Nikkei sẽ đi xuống từ đây”, ông Shane Oliver, người đứng đầu chiến lược đầu tư của AMP Capital cho biết.

Đồng USD giảm 0,3% so với đồng yên xuống còn 108,73 yên đổi 1 USD.

Cổ phiếu lớn như SoftBank Corp sụt 4,9%, chỉ số theo dõi ngành tiêu dùng bán lẻ giảm 5,5%.

Các nhà xuất khẩu mất điểm lớn với Yaskawa Electric sụt giảm 7,7% và Nintendo Co tụt 5,2%.

Chứng khoán Trung Quốc cũng bị vòng xoáy bán tháo cuốn lấy, khi có mức sụt giảm lớn nhất trong gần 2 năm.

Chỉ số Shanghai Composite giảm 3,4% xuống 3.370,65 điểm, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2016. Chỉ số CSI300 blue-chip giảm 2,9% xuống còn 4.148,89 điểm.

Yan Kaiwen, một nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Fortune China cho biết: "Chúng tôi thấy sự sụt giảm trên phố Wall ít ảnh hưởng đối với nhóm cổ phiếu A, vốn có tính bền vững cao, trừ khi có sự sụp đổ của thị trường chứng khoán ở Mỹ", Yan nói thêm.

Nhưng các công ty Chứng khoán Trung Quốc cũng đang bị đẩy vào thế khó, khi một làn sóng call Margin được đẩy mạnh do lo ngại thanh khoản sẽ sụt giảm bởi việc tăng cường kiểm soát rủi ro nợ từ hệ thống tài chính.

Theo ước tính của Sinolink Securities, tính đến ngày 31/1, đã có 1.066 trường hợp call margin được kích hoạt liên quan đến 608 mã cổ phiếu niêm yết, và danh sách này sẽ tăng nếu chỉ số tiếp tục suy giảm.

Tuy nhiên, tổn thất ở Trung Quốc không nghiêm trọng như một số thị trường Châu Á khác, một phần do sự kiểm soát về mặt điều tiết của bàn tay hữu hình chặt chẽ của Bắc Kinh, giúp bảo vệ thị trường khỏi biến động bất ngờ trên thế giới.

Chứng khoán Hồng Kông cũng không ngoại lệ, khi nằm trong số những thị trường Châu Á mất điểm nhiều nhất.

Hang Seng-Index giảm 5,1%, mức giảm lớn nhất hàng ngày kể từ tháng 8/2015.

Hồng Kông đặc biệt nhạy cảm với những diễn biến trê phố Wall, bởi HK$ có mối liên kết rất chặt chẽ với USD.

Chỉ số Hang Seng China Enterprises (HSCE), theo dõi các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông, đã giảm 5,9% xuống 12.686,60 điểm, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 7/2015.

Albert Xu, nhà chiến lược tại Zhongtai International Securities Ltd, cho biết các nhà đầu tư đã quá tự mãn về sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán thế giới, họ cho rằng một sự điều chỉnh sâu như vậy là điều bình thường", Xu nói.

Trong phiên, các công ty cho vay và hãng bảo hiểm lớn nhất của Trung Quốc như ICBC, Bank of China, China Life và Ping An sụt giảm khoảng 6%.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư tin rằng sự điều chỉnh tạo ra cơ hội mua vào lớn hơn.

Ông Yang Delong, Giám đốc điều hành Quỹ First Seafront Thâm Quyến cho biết, "Việc định giá chung trên thị trường chứng khoán Hồng Kông vẫn tương đối thấp, vì vậy nó sẽ thu hút dòng vốn chảy vào hy vọng mua bắt đáy sau khi điều chỉnh ngắn hạn”.

Kết thúc phiên 6/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1.071,84 điểm (-4,73%), xuống 21.610,24  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1.649,80 điểm (-5,12%), xuống 30.595,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 116,84 điểm (-3,35%), xuống 3.370,65 điểm.

- Vàng SJC tăng nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.745 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng 100.000 đồng/lượngso với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,75 - 36,94 triệu đồng/lượng, tăng 10.000 đồng/lượng chiều bán ra so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.450 đồng/USD, tăng 6 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.675 - 22.745 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Tín dụng tiêu dùng trả góp hút khách

Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng gia tăng khi Tết Nguyên đán đến gần, nhiều người tìm đến tổ chức tín dụng để được hỗ trợ tín dụng tiêu dùng trả góp..>> Chi tiết

- Thị trường chứng khoán, điều bình thường đang… diễn ra

Thị trường sập, đó là hình ảnh bảng điện tử chiều hôm qua (5/12) và “bán bên trăng” là hình ảnh của phiên sáng nay (6/12), la liệt cổ phiếu nằm sàn và VN-Index bốc hơi hơn 60 điểm..>> Chi tiết

Bất cập thuế chứng khoán, sao mãi không gỡ?

Trước thực trạng thuế đánh vào hoạt động đầu tư chứng khoán đang bộc lộ không ít bất cập, vướng mắc, các thành viên thị trường kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sớm tháo gỡ tình trạng này, góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển...>> Chi tiết

Hiệp định CPTPP tiếp lửa cổ phiếu dệt may

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2017 đạt 31 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2016. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam với tỷ trọng trên 48% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 12,58 tỷ USD, theo sau là các thị trường lớn khác như EU, Nhật Bản và Hàn Quốc..>> Chi tiết

Thị trường chứng khoán toàn cầu có thể giảm 10%

Vừa mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba (6/2), các thị trường chứng khoán châu Á đã tiếp tục đà lao dốc. Theo chiến lược gia đã từng lên tiếng cảnh báo về đợt bán tháo này, thị trường chứng khoán có thể giảm tới 10% trong đợt điều chỉnh đang xảy ra..>> Chi tiết

Tỷ phú Warren Buffett mất 5,1 tỷ USD trong 1 ngày

Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần đã khiến khối tài sản của 500 người giàu nhất thế giới bốc hơi 114 tỷ USD..>> Chi tiết

Tin bài liên quan