Ảnh Internet.

Ảnh Internet.

Thị trường tài chính 24h: Giới đầu tư châu Á lại phải lo lắng

(ĐTCK) VN-Index xanh ngắt phiên đầu tuần; Mối lo tỷ giá đã dịu bớt; Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đắt hay rẻ?; Những cổ phiếu có EPS cao nhất nửa đầu năm 2018; Tự doanh chứng khoán thờ ơ với cổ phiếu UPCoM; Khủng hoảng đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ khiến chứng khoán châu Á bị bán tháo mạnh; Giới chức Mỹ làm nản lòng nhà đầu tư Bitcoin...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

VN-Index lên gần 980 điểm

Tâm lý thận trọng trong suốt tuần trước đã lan sang cả phiên sáng nay. Cùng với giao dịch khá dè dặt, chỉ số chung cũng diễn biến giằng co và liên tục đổi màu.

Tuy nhiên, đột biến về cuối phiên sáng khi một số mã lớn cùng nhóm dầu khí lội ngược dòng cùng điểm tựa khá tốt đến từ nhóm cổ phiếu vua, đã giúp VN-Index bật tăng.

Bước sang phiên chiều, giao dịch khá cầm chừng khiến thị trường chủ yếu đi ngang.  Sau khoảng 1 giờ thận trọng, dòng tiền đã nhập cuộc khá sôi động, giúp sắc xanh phủ trên diện rộng, VN-Index qua đó, đóng cửa tiến lên gần ngưỡng 980 điểm.

Như đã đề cập ở trên, nhóm ngân hàng là nhóm có sức hấp dẫn nhất với các mã đều có thanh khoản tốt và cùng tăng.

VCB +0,5% lên 63.800 đồng, BID tăng 2% lên 30.500 đồng, CTG tăng 6,2% lên 25.750 đồng, MBB tăng 4,7% lên 24.350 đồng, STB tăng 4,9% lên 11.800 đồng, VPB tăng 1,3% lên 27.150 đồng, HDB tăng 0,8% lên 37.400 đồng.

Ở nhóm chứng khoán, các mã SSI, HCM, VND cũng đua nhau khởi sắc.

Cặp đôi lớn dầu khí là GAS và PLX cũng tìm đến mức giá cao nhất ngày như GAS tăng 4,4% lên 103.000 đồng, PLX tăng 4,1% lên 66.500 đồng.

Cặp đôi ngành thép nới rộng đà tăng với HSG duy trì sắc tím với +6,8% lên 11.050 đồng và HPG tăng 3,5% lên 38.300 đồng.

Trái lại, bộ đôi lớn VNM và VIC vẫn giao dịch dưới tham chiếu, với VNM giảm 0,7% xuống 156.100 đồng còn VIC giảm 1,3% xuống 102.800 đồng.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, nhiều mã quen thuộc cũng đã tìm tới sắc xanh, đáng kể có TTF và AMD đã tăng kịch trần.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng 2,44 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 33,56 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 1,47 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 34,45 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 423.900 đơn vị, giá trị mua ròng 10,05 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 13/8: VN-Index tăng 9,57 điểm (+0,99%), lên 978,04 điểm; HNX-Index tăng 2,05 điểm (+1,89%), lên 110,46 điểm; UPCoM-Index tăng 0,26 điểm (+0,51%), lên 51,62 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 6.687 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cả trên mặt chính trị và kinh tế đã ảnh hưởng tiêu cực tới phố Wall.

Quan hệ giữa hai đồng minh NATO đang ở tình trạng tồi tệ nhất trong một thập niên qua do mâu thuẫn liên quan đến vụ Ankara bắt giữ mục sư Mỹ Andrew Brunson năm 2016 với cáo buộc khủng bố.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 5 kết án tù chung thân 104 người với cáo buộc tham gia đảo chính bất thành năm 2016, khiến 240 người thiệt mạng.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc mạng lưới của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang sống tại Mỹ, là chủ mưu vụ đảo chính.

Để trả đũa, Tổng thống Mỹ hôm qua cho biết sẽ đánh thuế gấp đôi lên các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tranh cãi giữa hai bên khiến đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ mất 16% giá trị, giảm xuống mức kỷ lục.

Căng thẳng giữa Ankara và Washington khiến giới đầu tư tìm đến những kênh trú ẩn rủi ro như USD, khiến đồng bạc xanh tăng mạnh.

Trong khi đó, không chỉ căng thẳng chính trị, việc cổ phiếu công nghệ giảm sau khi Goldman Sachs hạ mức cổ phiếu Intel xuống mức “bán” khiến phố Wall giảm sâu trong phiên thứ Sáu.

Phiên giảm mạnh cuối tuần đã khiến S&P 500 chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp và còn cách mức đỉnh lịch sử được thiết lập hôm 26/1 là 1,4%.

Dow Jones cũng đảo chiều giảm trở lại trong tuần qua, trong khi Nasdaq nhờ đà tăng trong tuần của nhóm cổ phiếu công nghệ nên vẫn duy trì đà tăng trong tuần qua.

Cụ thể, trong tuần, Dow Jones giảm 0,59%, S&P 500 giảm 0,25%, trong khi Nasdaq tăng 0,35%.

Kết thúc phiên 10/8, chỉ số Dow Jones giảm 196,09 điểm (-0,77%), xuống 25.313,14 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 20,30 điểm (-0,71%), xuống 2.833,28 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 52,67 điểm (-0,67%), xuống 7.839,11 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản lao dốc mạnh, giảm xuống mức thấp nhất 5 tuần khi giới đầu tư bán tháo trên thị trường tiền tệ đã khiến các nhà đầu tư chứng khoán hoảng sợ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 giảm gần 2% xuống 21.857,43 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 6/7. Topix giảm 2,13% xuống 1.683,50 điểm.

Nhóm cổ phiếu hàng hóa bị bán mạnh do lo ngại về các nền kinh tế mới nổi sẽ giảm tốc sau khi đồng Rand của Nam Phi giảm hơn 10% so với đồng USD, trong khi mức giảm lớn đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã kích hoạt tâm lý bán tháo ở các đồng tiền khác.

Vào đầu phiên giao dịch sáng tại thị trường châu Á, tỷ giá đồng Lira có lúc rơi xuống mức đáy mới là 7,24 Lira đổi 1 USD.

Từ đầu năm đến nay, đồng Lira đã mất giá hơn 45%, chủ yếu do lo ngại về ảnh hưởng của Tổng thống Erdogan đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, do ông Erdogan liên tục kêu gọi giữ lãi suất thấp dù lạm phát tăng cao, và mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Ankara với Mỹ.

Tại thị trường chứng khoán Tokyo, trừ ngành dịch vụ, tất cả các nhóm cổ phiếu như vận tải biển, kim loại, sắp thép, máy móc xây dựng và tài chính đều đi xuống.

Chihiro Ohta, Tổng giám đốc của SMBC Nikko Securities cho biết: “Khi mà cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Thổ Nhĩ Kỳ còn tiếp tục diễn ra, thì vẫn sẽ tồn tại tâm lý bán tháo các tài sản rủi ro khác, trong đó có chứng khoán Nhật Bản”.

Ngay cả cổ phiếu phòng thủ cũng đã bị bán vì có quá nhiều sự không chắc chắn trên thị trường toàn cầu hiện nay.

Đồng euro chạm mức thấp nhất trong vòng 13 tháng so với đồng USD bật tăng, khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự trú ẩn an toàn vào đồng bạc xanh và đồng yên do ngại về việc các nhiều ngân hàng Châu Âu đang nắm giữ lượng lớn những khoản nợ của Thổ Nhĩ Kỳ bằng đồng Lira.

Chứng khoán Trung Quốc được cứu vớt trong phiên chiều nhờ nhóm cổ phiếu CNTT, sau khi phiên sáng giảm mạnh cùng với các thị trường khác trên toàn cầu bởi khủng khoảng tiền tệ tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cuối cùng vẫn đóng cửa trong sắc đỏ.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,3% xuống 2.785,87 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 0,4% xuống 3.390,34 điểm.

Hầu hết các ngành đều mất điểm, mặc dù các công ty công nghệ đã đi ngược thị trường, và góp phần hãm đà giảm của chỉ số chung, khi chỉ số theo dõi ngành tăng 2%, với hơn 10 công ty CNTT đóng cửa tăng tối đa 10%.

Các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc đã hưởng lợi với hy vọng từ chính sách của Bắc Kinh với tuyên bố rằng sẽ tăng cường đầu tư để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, trong bối cảnh thương mại với Mỹ leo thang.

Nhóm cổ phiếu tăng giá lớn nhất là Shenma Industry Co Ltd tăng 10,03%; Dynagreen Environmental Protection Group Co Ltd tăng 10,02% và Qibu Corp Ltd tăng 10,02%.

Nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất có HNA Infrastructure Investment Group Co Ltd giảm 10,04%, Ningbo Lehui International Engineering Equipment Co Ltd giảm 9,02% và Zhejiang Three Stars New Materials Co Ltd giảm 7,25%.

Không may mắn như thị trường Đại lục, Chứng khoán Hồng Kông đã đóng cửa giảm mạnh, cũng bởi do cuộc khủng hoảng giảm giá đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ gây ảnh hưởng tiêu cực.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,5% xuống 27.936,57 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,6% xuống 10.766,51 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng giảm 2%, ngành CNTT giảm 2,47%, tài chính giảm 1,18% và bất động sản giảm 1,46%.

Cổ phiếu tăng điểm cao nhất phiên hôm nay là Tập đoàn Dược phẩm CSPC, nhưng mức tăng chỉ là 0,6%. Trong khi bên thua lỗ lớn nhất là Bank of East Asia Ltd giảm 5,95%.

Nhóm cổ phiếu H tăng cao nhất có Shenzhou International Group Holdings Ltd tăng 1,69%; Guangzhou Automobile Group Co Ltd tăng 1,37% và CSPC Pharmaceutical Group Ltd tăng 0,6%.

Nhóm cổ phiếu H giảm sâu nhất là China Huarong Asset Management Co Ltd giảm 4,62%, ZhongAn Online P&C Insurance Co Ltd giảm 4,4% và Air China Ltd giảm 4,3%.

Kết thúc phiên 13/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 440,65 điểm (-1,98%), xuống 21.857,43 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 430,05 điểm (-1,52%), xuống 27.936,57 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 9,44 điểm (-0,34%), xuống 2.785,87 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC giảm nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.350 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 20.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,59 - 36,79 triệu đồng/lượng, giảm 30.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.676 đồng/USD, tăng 10 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.270 - 23.350 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Mối lo tỷ giá đã dịu bớt

Tỷ giá trung tâm VND/USD ngày 9/8 ở mức 22.666 đồng/USD, giảm tiếp 5 đồng so với ngày trước đó. Thực tế này cho thấy, tỷ giá đang dần ổn định trở lại sau "cú sốc" tháng 7 và dự báo thị trường ngoại hối sẽ giảm áp lực trong tháng 8..>> Chi tiết

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đắt hay rẻ?

P/E bình quân của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang là 17,4 lần, ở mức trung bình so với mặt bằng chung các nước trong khu vực Đông Nam Á. Phân tích của nhiều chuyên gia cho thấy, chứng khoán Việt đang hấp dẫn..>> Chi tiết

Những cổ phiếu có EPS cao nhất nửa đầu năm 2018

Nửa đầu năm 2018, bảng xếp hạng các doanh nghiệp dẫn đầu về giá trị thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) lại ghi nhận những tên tuổi quen thuộc trên thị trường..>> Chi tiết

Tự doanh chứng khoán thờ ơ với cổ phiếu UPCoM

Ở các công ty chứng khoán lớn, đất dành để đầu tư các cổ phiếu đang đăng ký giao dịch trên UPCoM vẫn có, tuy nhiên chỉ là những điểm nhỏ..>> Chi tiết

“Bố già” Trung Nguyên trở lại đầy ma mị, mơ doanh số 20 tỷ USD

Với phát ngôn gây sốc khi thách thức các ông lớn cà phê thế giới và sự trở lại đầy ma mị sau 5 năm ở ẩn, “bố già” của cà phê Trung Nguyên đang hoan hỉ với giấc mơ doanh số 20 tỷ USD và... cứu rỗi nhân loại..>> Chi tiết

Giới chức Mỹ làm nản lòng nhà đầu tư Bitcoin

Chỉ cần 1,5 trang giấy từ Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC), giá trị thị trường Bitcoin đã bốc hơi ngay 10 tỷ USD...>> Chi tiết

Tin bài liên quan