Thị trường tài chính 24h: Giá vàng trong nước "biến ảo" trong ngày

Thị trường tài chính 24h: Giá vàng trong nước "biến ảo" trong ngày

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích nhẹ lên trên 845 điểm; Giá có thể hạ nhiệt, nhưng vàng chưa hết “hot”; Thị trường chứng khoán: Tiền chờ cơ hội chín; Không lo cắt margin; Tundra Vietnam bị xóa sổ; Chứng khoán châu Á phân hóa; Thanh khoản từ thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ dịch chuyển sang chứng khoán...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô 

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 12/8 giảm 6,16 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 4,11 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã tăng mạnh trở lại 5,14 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 5,01 triệu đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại mức 52,56 – 56,40 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 117,9 USD xuống 1.910 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm tiếp xuống gần 1.889 USD/ounce, nhưng sau đó đã hồi phục dần và leo lên gần 1.950 USD/ounce, trước khi thêm một lần đảo chiều về gần 1.930 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Giá vàng tương lai giao tháng 9 trên sàn Comex New York giảm 8,1 USD xuống 1.927,6 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,10% xuống 93,54 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 12/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.217 đồng, không đổi so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.090 - 23.270 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,66 USD (+1,59%), lên 42,27 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,65 USD (+1,46%), lên 45,15 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index hồi nhẹ

Trong phiên sáng, tâm lý thận trọng khiến giao dịch khá ảm đạm, VN-Index ít thay đổi với thanh khoản duy trì ở mức trung bình.

Bước vào phiên chiều, sau chút áp lực đầu phiên khiến VN-Index có lúc bị đẩy xuốn dưới tham chiếu. Tuy nhiên, dòng tiền bắt đầu tìm kiếm cơ hội sau đó kéo giúp chỉ số tăng trở lại, vượt qua mốc 845 điểm khi đóng cửa.

Khác với phiên sáng, phiên chiều đã có mã tăng trên 2% là MBB và HVN. Các mã BID +1,82%, GAS +1,71%, PLX +1,75%...

Trong các mã vừa và nhỏ,, EVG có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp khớp 2,58 triệu đơn vị. Ở chiều ngược lại, DAH giảm sàn, khớp 3,2 triệu đơn vị và còn dư bán sàn.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 10,08 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 99,26 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 12/8: VN-Index tăng 3,84 điểm (+0,46%), lên 846,92 điểm; HNX-Index giảm 0,19 điểm (-0,17%), xuống 116,1 điểm; UPCoM-Index tăng 0,26 điểm (+0,47%), lên 56,78 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Phố Wall giảm trong phiên thứ Ba (11/8), sau khi đầu phiên tăng tốt nhờ tin Nga tuyên bố nước này đã phê duyệt pháp lý đối với vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới.

Nhưng đà sụt giảm của một số cổ phiếu công nghệ lớn bị nới rộng vào cuối phiên đã kéo lùi toàn bộ thị trường.

Cổ phiếu Facebook và Amazon đều giảm hơn 2%, còn Microsoft mất 2,34%, trongg khi cổ phiếu Apple và Netflix lần lượt sụt 3,4% và 3% và cổ phiếu Alphabet mất 1,1%.

Đà sụt giảm này đã lấn át đà tăng từ những cổ phiếu được hưởng lợi từ việc tái mở cửa nền kinh tế như cổ phiếu Gap tăng hơn 2% và Norwegian Cruise Line vọt 3,4%.

Kết thúc phiên 11/8, chỉ số Dow Jones giảm 104,53 điểm (-0,38%), xuống 27.686,91 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 26,78 điểm (-0,80%), xuống 3.333,69 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 185,53 điểm (-1,69%), xuống 10.782,82 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, khi nhóm cổ phiếu xuất khẩu tăng giá nhờ đồng yên giảm so với đồng USD.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,41% lên 22.843,96 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,23% lên 1.605,53 điểm.

Đồng yên yếu đi xuống 106,74 yên/USD sau khi lợi tức kho bạc Mỹ tăng đã thúc đẩy nhóm cổ phiếu xuất khẩu Nhật Bản tăng, nhưng giao dịch không đáng kể, bởi tâm lý e ngại về cuộc đàm phán kích thích kinh tế ở Mỹ vẫn đang bế tắc.

Phiên hôm nay, ông lớn SoftBank Group Corp giảm 2,66% khi các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo thu nhập của Tập đoàn này.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi tâm lý thị trường bị ảnh hưởng chung từ toàn cầu do các nghị sỹ hàng đầu Mỹ vẫn chưa nối lại thảo luận về gói cứu trợ mới.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,63% xuống 3.319,27 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 0,73% xuống 4.647,64 điểm.

Thị trường Trung Quốc đã theo chân các thị trường chứng khoán châu Á khác suy yếu, do những bất ổn xung quanh gói kích thích kinh tế của Mỹ.

Dữ liệu mới cho thấy, các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay 992,7 tỷ nhân dân tệ (142,82 tỷ USD) trong tháng 7, giảm mạnh so với mức 1.810 tỷ nhân dân tệ trong tháng 6 và không đạt được kỳ vọng của các nhà phân tích.

Điều này có nghĩa là sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến của hoạt động nền kinh tế trong quý II đã làm giảm sự cấp bách đối với Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) để nới lỏng chính sách hơn nữa, và cho thấy, định hướng chính sách gần đây vẫn ổn định, các nhà phân tích của Dongguan Securities cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông tăng khá tốt nhờ sự phục hồi của các cổ phiếu tài chính lớn.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,42% lên 25.244,02 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,62% lên 10.215,91 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng đang tăng trên toàn cầu, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ phục hồi.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng phiên thứ 8 liên tiếp, khi hy vọng về vắc-xin của Nga mới công bố và tâm lý giới đầu tư kỳ vọng về việc các Các nghị sỹ hàng đầu Mỹ sẽ sớm nối lại thảo luận về gói cứu trợ kinh tế Mỹ.

Kết thúc phiên 12/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 93,72 điểm (+0,41%), lên 22.843,96 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 21,02 điểm (-0,63%), xuống 3.319,27 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 353,34 điểm (+1,42%), lên 25.244,02 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 13,68 điểm (+0,57%), lên 2.432,35 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Giá có thể hạ nhiệt, nhưng vàng chưa hết “hot”

Đà tăng của vàng được cho là sẽ hạ nhiệt trong quý III/2020, nhưng vẫn giữ giá trị và thanh khoản cao..>> Chi tiết

Thị trường chứng khoán: Tiền chờ cơ hội chín

Thị trường chứng khoán Việt Nam vững đà tăng điểm với thanh khoản ổn định cho thấy, nhà đầu tư chứng khoán vẫn đang giữ được bình tĩnh trước diễn biến của đại dịch Covid-19..>> Chi tiết

Không lo cắt margin

Báo cáo tài chính quý II đã lộ diện với bức tranh xám màu của nhiều doanh nghiệp, tạo nên sự e ngại của nhà đầu tư về việc các công ty chứng khoán (CTCK) cắt giảm hàng loạt danh sách cổ phiếu được cho vay margin..>> Chi tiết

Tundra Vietnam bị xóa sổ

Sau quyết định đóng quỹ của PXP Vietnam, Tundra Vietnam Fund là cái tên tiếp theo sẽ không còn xuất hiện trên thị trường khi được sáp nhập vào Tundra Sustainable Frontier..>> Chi tiết

Thanh khoản từ thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ dịch chuyển sang thị trường chứng khoán

Một nhà kinh tế cho biết, những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong thời gian gần đây nhằm giảm thiểu tính đầu cơ trên thị trường bất động sản sẽ có thể dẫn đến dòng tiền chảy vào cổ phiếu..>> Chi tiết

Tin bài liên quan