Thị trường tài chính 24h: Fed khiến chứng khoán châu Á giật mình

Thị trường tài chính 24h: Fed khiến chứng khoán châu Á giật mình

(ĐTCK) VN-Index xuống dưới 915 điểm; Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, thanh khoản có quá căng?; Tháng 11, chứng khoán Việt có phục hồi?; Triển vọng “ông lớn” lên sàn 2019;  Doanh nghiệp tôn thép: Muôn trùng khó khăn; Chứng khoán châu Á điều chỉnh khá mạnh; Fed trở thành “ông kẹ” của giới đầu tư..là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

VN-Index giảm gần 12 điểm

Sau 2 phiên khởi sắc liên tiếp, thị trường đã gặp lực cản và quay đầu giảm ngay khi mở cửa phiên sáng nay và sau đó mạnh lên khiến VN-Index bị đẩy xuống dưới 920 điểm, mặc dù sau đó chỉ số có hồi lại nhưng lực cầu quá yếu trong khi lực bán thường trực khiến VN-Index bị nhấn chìm sâu hơn.

Sang phiên chiều, thị trường vẫn giao dịch ảm đạm và buồn tẻ. Sau khoảng 1 giờ đi ngang, áp lực bán dâng cao khiến sắc đỏ lan rộng, và chỉ số tiếp tục chọc thủng mốc kháng cực 915 điểm.

Nhóm VN30 chỉ có 3 mã tăng nhẹ là CII, SBT và NVL; 2 mã đứng giá tham chiếu là SAB và KDC, còn lại giao dịch trong sắc đỏ.

Cặp đôi lớn tác động mạnh tới chỉ số chung là VNM và GAS giảm sâu, trong đó VNM giảm 2,5% xuống 117.000 đồng; GAS cũng giảm 5,1% xuống nhất ngày 95.000 đồng.

Dòng bank cũng hầu hết đều nới rộng biên độ giảm như VCB giảm 2,5% xuống 54.300 đồng, CTG giảm 2,6% xuống 22.600 đồng, BID giảm 2,3% xuống 31.700 đồng, MBB giảm 2,3% xuống 20.900 đồng, TCB giảm 2,4% xuống 26.350 đồng, STB giảm 2% xuống 12.350 đồng, VPB giảm 1,7% xuống 20.350 đồng.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, chỉ có VHM và BVH bảo toàn được sắc xanh nhưng đà tăng khá hạn chế, không đủ sức để giúp thị trường vượt khó

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC đã hạ độ cao, chỉ còn +1,9%, nhưng vẫn là mã giao dịch mạnh nhất thị trường với 16,36 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 3,78 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 152,62 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 899.990 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 15,9 tỷ đồng.

Trên UPCoM, khối ngoại mua ròng 182.040 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 4,81 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 9/11: VN-Index giảm 11,99 điểm (-1,29%), xuống 914,29 điểm; HNX-Index giảm 1,53 điểm (-1,46%), xuống 103,01 điểm; UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,79%), xuống 51,59 điểm.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Sau 3 phiên tăng điểm mạnh liên tiếp, phố Wall giao dịch giằng co trong phiên thứ Năm để chờ đợi thông tin chính thức từ cuộc họp của Fed.

Đúng như dự đoán, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất. Fed cho rằng, việc làm Mỹ tăng trưởng mạnh và chi tiêu của hộ gia đình giữ cho nền kinh tế đi đúng hướng, nhưng đầu tư kinh doanh có dấu hiệu giảm nhiệt tăng trưởng so với hồi đầu năm, tạo ra lực kéo ảnh hưởng tới đà tăng trưởng của nền kinh tế trong tương lai.

Tuy nhiên, cơ quan này vẫn giữ quan điểm sẽ tăng dần lãi suất, mà theo dự đoán của giới phân tích, lần tăng tiếp theo sẽ trong tháng 12 này.

Sau thông tin này, các chỉ số chính của phố Wall đã điều chỉnh, nhưng trong ít phút cuối phiên, Dow Jones đã kịp trở lại để có sắc xanh nhạt và cũng là phiên tăng thứ 4 liên tiếp.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu năng lượng giảm theo giá dầu thô, cùng sự đảo chiều của nhóm công nghệ sau khi Qualcomm báo cáo kết quả kinh doanh thất vọng và Apple cắt giảm triển vọng quý IV khiến S&P 500 và Nasdaq không thể trở lại, chấm dứt chuỗi 3 phiên và 2 phiên tăng liên tiếp.

Kết thúc phiên 8/11, chỉ số Dow Jones tăng 10,92 điểm (+0,04%), lên 26.191,22 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,06 điểm (-0,25%), xuống 2.806,83 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 39,87 điểm (-0,53%), xuống 7.530,88 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản yếu đi cùng với đa số các thị trường lớn trên toàn cầu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 giảm 1,05% xuống 22.250,25 điểm, qua đó xóa đi gần như toàn bộ nỗ lực tăng 6,1% trong những tuần gần đây.

Topix mất 0,49% xuống 1.672,98 điểm, với 19 trong số 33 phân ngành giảm điểm.

"Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ đã kết thúc, hiện giờ lo lắng lại chuyển sang cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ tiếp tục kéo dài", Norihiro Fujito, nhà đầu tư chiến lược tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities cho biết.

Các nhà phân tích cho biết, một số cổ phiếu có liên quan nhiều đến thị trường Trung Quốc đã dẫn đầu đà giảm trong phiên hôm nay. Theo đó, cổ phiếu của nhà sản xuất thiết bị tự động hóa Fanuc Corp mất 4,8%, Nabtesco Corp giảm 3,2%.

Các cổ phiếu lớn như Fast Retailing và Nintendo lần lượt giảm 1,3% và 2,6%, trong khi SoftBank Corp giảm 0,2%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm phiên thứ năm liên tiếp, khi thị trường bị đè nặng bởi các dữ liệu kinh tế yếu.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,4% xuống 2.598,87 điểm. Chỉ số CSI 300  bluechip cũng giảm 1,4% xuống 3.167,44 điểm.

Trong tuần này, chỉ số Shanghai Composite và CSI300 đều mất 1,4%.

Chỉ số phụ theo dõi ngành tiêu dùng giảm 0,8%, bất động sản giảm 1,2% và y tế giảm 0,8%.

Chỉ số phụ ngành tài chính giảm 2,2% sau khi ủy ban giám sát ngân hàng và bảo hiểm của Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng phân bổ ít nhất 1/3 khoản vay mới cho các công ty tư nhân,

"Các ngân hàng đã trải qua quá trình giảm giá trong một thời gian khá lâu. Thị trường lo lắng rằng tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng lên nếu họ phải cho vay nhiều hơn cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn", Cao Xuefeng, người đứng đầu nghiên cứu tại Huaxi Securities tại Thành Đô cho biết.

Hai dữ liệu kinh tế trong tháng 10 vừa được công bố cũng khiến thị trường giảm điểm trong phiên chiều là chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,5% và sản xuất tăng 3,3%, đúng như dự báo. Như vậy cả 2 đều có tháng thứ tư liên tiếp giảm.

Trong khi doanh số bán ô tô tại Trung Quốc giảm hơn 11%, và cũng là tháng thứ tư liên tiếp đi xuống.

"Hướng của thị trường giờ sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt là tại cuộc họp G20", Zhang nói thêm.

Chứng khoán Hồng Kông giảm và xóa đi mức tăng trong ba phiên trước đó, trong bối cảnh nhiều thị trường châu Á khác với cùng lo ngại Fed Mỹ dự kiến sẽ tăng lãi suất trong tháng 12.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,4% xuống 25.601,92 điểm và tính chung cả tuần mất 3,3%. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,5% xuống 10.431,46 điểm.

Lĩnh vực CNTT giảm sâu nhất với chỉ số phụ theo dõi mất hơn 4%. Nguyên nhân do Tencent Holdings (giảm 4,9%) và Semiconductor Manufacturing International Corp (giảm 3,2%) khi các công ty môi giới cắt giảm giá mục tiêu của 2 cổ phiếu này.  

Chỉ số phụ ngành tài chính giảm 2%, bất động sản giảm 2,3%, và năng lượng giảm 2,6%.

Một số nhà đầu tư nhận định rằng, tuy Fed giữ lãi suất ổn định sau khi kết thúc cuộc họp vào ngày Thứ năm, nhưng vẫn tiếp tục theo đuổi tiến trình tăng lãi suất, và gần nhất sẽ là vào tháng 12 tới đã khiến lo ngại về chi phí đi vay gia tăng, qua đó ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư tại châu Á.

Kết thúc phiên 9/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 236,67 điểm (-1,05%), xuống 22.250,25 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 36,76 điểm (-1,39%), xuống 2.598,87 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 625,80 điểm (-2,39%), xuống 25.601,92 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC đứng giá. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.335 đồng/USD

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 20.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,35 - 36,53 triệu đồng/lượng, không đổi so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.723 đồng/USD, giảm 2 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.245 - 23.335 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, thanh khoản có quá căng?

Lần đầu tiên kể từ tháng 2/2018, khối lượng tiền trên thị trường mở (OMO) đã vượt khối lượng tín phiếu, đánh dấu sự trở lại của thời kỳ bơm tiền sau một thời gian dài Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút tiền thông qua phát hành tín phiếu khối lượng lớn..>> Chi tiết

Tháng 11, chứng khoán Việt có phục hồi?

Sau những phiên “co giật” mạnh trong tháng 10, thị trường đang diễn biến đi ngang với biên độ hẹp. Theo các công ty chứng khoán, đây là thời điểm phù hợp để tái cơ cấu danh mục đầu tư. Tuy nhiên, chọn nhóm cổ phiếu nào là điều không dễ dàng..>> Chi tiết

Triển vọng “ông lớn” lên sàn 2019

 Năm 2019, dự báo có thêm nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn chứng khoán, nhất là các doanh nghiệp cổ phần hóa. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp “tỷ đô” chuyển từ đăng ký giao dịch trên UPCoM sang sàn niêm yết..>> Chi tiết

Doanh nghiệp tôn thép: Muôn trùng khó khăn

Với hoạt động kinh doanh ảm đạm, không có gì ngạc nhiên khi kết quả kinh doanh quý III/2018 của các doanh nghiệp ngành tôn thép không như kỳ vọng. Đáng chú ý, diễn biến này nhiều khả năng sẽ kéo dài khi tình hình không lấy làm khả quan..>> Chi tiết

Làm gì để đạt 1 triệu doanh nghiệp hiệu quả vào năm 2020?

Mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 đang đặt ra nhiều thách thức khi dư địa và áp lực cải cách ngày càng tăng trong bối cảnh các quốc gia đang dốc sức chạy đua cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tăng năng lực cạnh tranh quốc gia..>> Chi tiết

Fed trở thành “ông kẹ” của giới đầu tư

Nếu lãi suất tăng thêm 100 điểm cơ bản, điều nhiều khả năng sẽ xảy ra trong năm tiếp theo, thì chi phí đi vay của doanh nghiệp sẽ cao gấp 3 lần so với năm 2017. Diễn biến này sẽ ăn mòn lợi nhuận, hoặc buộc giá cả sản phẩm đi lên, tác động tới lạm phát..>> Chi tiết

Tin bài liên quan