Thị trường tài chính 24h: Đồng USD suy yếu là cơ hội

Thị trường tài chính 24h: Đồng USD suy yếu là cơ hội

(ĐTCK) VN-Index nhích nhẹ trong ngày đáo hạn phái sinh; Đo đếm khoản hụt thu của ngân hàng mùa dịch; Mỗi đại hội, một câu chuyện; Sàn niêm yết sắp thiết lập trật tự mới; Xếp hạng Top 10 nhà thầu xây dựng chưa thuyết phục nhà đầu tư; Chứng khoán châu Á chưa thoát được nỗi lo âu dịch bệch; Đồng USD suy yếu là cơ hội với thị trường chứng khoán châu Á...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô 

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 18/6 tăng 10.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 90.000 đồng/lượng, hiện niêm yết ở mức 48,37 – 48,72 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 0,5 USD lên 1.726,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nới đà đi lên và vọt nhanh lên trên 1.735 USD/ounce nhưng sau đó hạ nhiệt dần và về dưới 1.725 USD/ounce vào cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex New York giảm 1,5 USD xuống 1.734,1 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,03% xuống 97,13 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 18/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.239 đồng, giảm 1 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.110 - 23.290 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,17 USD (+0,45%), lên 38,13 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,32 USD (+0,79%), lên 41,03 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tăng nhẹ

Giao dịch cả phiên hôm nay chủ yếu vẫn là cầm chừng và thận trọng do là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai phái sinh tháng 6. VN-Index nhích nhẹ lên trên 857 điểm trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC và điều chỉnh nhẹ về 855 điểm khi đóng cửa.

Nhóm bluechip phân hóa mạnh, trong đó, HPG +2,1%; PLX +2,1%; NVL +2,1%... Ở chiều ngược lại thì STB -1,7%; POW -1,4%; HVN -1,4%.

CTD được kéo mạnh khi có thời điểm gần chạm mức giá sàn, nhưng đóng cửa chỉ còn -0,2% xuống 62.600 đồng.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC vươn lên dẫn đầu thanh khoản HOSE với hơn 14,78 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng giảm 0,8% xuống 3.500 đồng.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 5,22 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 298,54 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 18/6: VN-Index tăng 0,83 điểm (+0,10%), lên 855,27 điểm; HNX-Index giảm 0,53 điểm (-0,47%), xuống 112,74 điểm; UpCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,20%), xuống 55,77 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Việc Bắc Kinh ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh, cùng với nhiều tiểu bang của Mỹ cũng ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao trở lại làm lo ngại về làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2, qua đó xóa tan đi kỳ vọng hồi phục kinh tế vừa được nhen nhóm trước đó.

Ngoài ra, căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên cũng khiến giới đầu tư thận trọng hơn. Trong khi đó, thông tin mà Chủ tịch Fed đưa ra tại Hạ viện không có gì mới so với những gì ông đã báo cáo trước đó một ngày tại Thượng viện.

Kết thúc phiên 17/6, chỉ số Dow Jones giảm 170,37 điểm (-0,65%), xuống 26.119,61 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,25 điểm (-0,36%), xuống 3.113,49 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 14,66 điểm (+0,15%), lên 9.910,53 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản có thêm một phiên giảm, khi có sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19 mới trên khắp Hoa Kỳ và Trung Quốc làm dấy lên mối lo ngại về sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,45% xuống 22.355,46 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,25% xuống 1.583,09 điểm.

Giá trị giao dịch trên bảng điện tử chỉ đạt 2.009 nghìn tỷ yên (18,79 tỷ USD), thấp nhất trong gần một tháng và thấp hơn 10% so với mức trung bình từ đầu năm.

Các hãng hàng không, một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, đã giảm 1,7%, trong khi các sản phẩm dầu và than giảm 1,22%.

Chứng khoán Trung Quốc nhích nhẹ, khi các nhà hoạch định chính sách đảm bảo với các nhà đầu tư rằng nền kinh tế đang dần hồi phục, đồng thời cam kết cải cách nhiều hơn và cấp thanh khoản cho thị trường vốn.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,12%lên 2.939,32 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,67% lên 4.044,38 điểm.

Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) tuyên bố, sẽ duy trì thanh khoản dồi dào cho hệ thống tài chính trong nửa cuối năm nay để nền kinh tế hồi phục, nhưng cũng bỏ ngỏ sẽ xem xét rút lại hỗ trợ vào thời điểm thích hợp.

Dữ liệu cho thấy các khoản vay mới tại Trung Quốc có khả năng đạt gần 20 nghìn tỷ nhân dân tệ (2,83 nghìn tỷ USD) trong năm nay, tăng từ mức kỷ lục 16,81 nghìn tỷ nhân dân tệ năm 2019.

Mối lo ngại về sự gia tăng đột ngột trong các trường hợp nhiễm Covid-19 ở Bắc Kinh đã giảm bớt phần nào, vì các nhà đầu tư tin tưởng vào các biện pháp ngăn chặn sẽ sớm kiểm soát được khu vực có dịch.

Chứng khoán Hồng Kông thu hẹp đà giảm đáng kể về cuối phiên, được hỗ trợ bởi cam kết cải cách nhiều hơn và đảm bảo thanh khoản thị trường từ Bắc Kinh.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,07% xuống 24.464,94 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,07% lên 9.916,45 điểm.

Có thời điểm, HSI và HSCE giảm 1,5% và 1,3% ngay khi mở cửa do những lo lắng kéo dài về các trường hợp nhiễm mới Covid-19 tại thủ đô Bắc Kinh.

Chứng khoán Hàn Quốc đi xuống, lo ngại về sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ và Trung Quốc,căng thẳng với Triều Tiên chưa được tháo gỡ.

Kết thúc phiên 18/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 100,30 điểm (-0,45%), xuống 22.355,46 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,44 điểm (+0,12%), lên 2.939,32 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 16,47 điểm (-0,07%), xuống 24.464,94 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 7,57 điểm (-0,35%), xuống 2.133,48 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Đo đếm khoản hụt thu của ngân hàng mùa dịch

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến tín dụng khó tăng trưởng do doanh nghiệp chưa trở lại nhịp sản xuất, kinh doanh như trước dịch. Ðồng thời, các nhà băng phải cơ cấu, giãn nợ và thoái lãi dự thu khiến lợi nhuận giảm..>> Chi tiết

Mỗi đại hội, một câu chuyện

Hai tuần cuối tháng 6 là thời gian cao điểm tổ chức ÐHCÐ của các doanh nghiệp trước thời hạn chót phải thực hiện là 30/6 theo quy định của Luật Doanh nghiệp..>> Chi tiết

Sàn niêm yết sắp thiết lập trật tự mới

Có nhiều lý do khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp muốn đưa cổ phiếu lên giao dịch tại HOSE, nhất là các doanh nghiệp lớn..>> Chi tiết

Xếp hạng Top 10 nhà thầu xây dựng chưa thuyết phục nhà đầu tư

CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố Bảng xếp hạng 10 nhà thầu xây dựng uy tín năm 2020..>> Chi tiết

Đồng USD suy yếu là cơ hội với thị trường chứng khoán châu Á

Có rất nhiều yếu tố rủi ro mà nhà đầu tư có thể chỉ ra là lý do để cảnh giác với thị trường chứng khoán châu Á, từ mâu thuẫn giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đến căng thẳng Mỹ - Trung và mối lo ngại về đợt nhiễm Covid-19 thứ hai trên khắp lục địa..>> Chi tiết

Tin bài liên quan