Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền “mất hút“

Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền “mất hút“

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích nhẹ; Xem xét tái cấp vốn cho những dự án, công trình có tính lan toả; Thời của cổ phiếu phòng thủ; Qua rồi, những ngày mua là thắng; PYN Elite ngược dòng khối ngoại; Chứng khoán châu Á tiếp tục khởi sắc; Giới đầu tư “mất phương hướng” với thị trường quý III...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô 

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 3/7 tăng 90.000 đồng/lượng chiều mua vào và 80.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 130.000 đồng/lượng, hiện niêm yết ở mức 49,48 – 49,87 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 4,2 USD lên 1.774,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và đi ngang quanh mức giá trên cho đến cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex New York giảm 4,5 USD xuống 1.785,5 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,02% lên 97,33 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 3/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 3.230 đồng, tăng 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.110 - 23.290 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,75 USD (-1,85%), xuống 39,90 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,80 USD (-1,85%), xuống 42,34 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index nhích lên gần 850 điểm, nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp

Thị trường đã khởi sắc trong phiên sáng nhờ sự dẫn dắt của nhóm bluechip. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư tham gia khá dè dặt do thanh khoản sụt giảm và lực mua không cao.

Bước sang phiên chiều, giao dịch diễn ra khá chậm trong bối cảnh phân hóa và tâm lý thăm dò. Tuy nhiên, một vài điểm sáng thị trường đã giúp VN-Index nhích lên trên 845 điểm khi đóng cửa.

Một số bluechip tăng tốt hỗ trợ như HDB +5,3%; SAB +4,9%. Ngoài ra, VNM, VHM, VRE, REE, NVL cũng có mức tăng xấp xỉ và trên 1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều mã như HQC, ITA, SJF, HBC, HAG, KBC, SCR… kết phiên đều mất giá.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 0,71 triệu đơn vị. Tuy nhiên, tổng giá trị là mua ròng 154,45 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 3/7: VN-Index tăng 5,23 điểm (+0,62%), lên 847,61 điểm; HNX-Index giảm 0,06 điểm (-0,05%), xuống 111,55 điểm; UpCoM-Index tăng 0,37 điểm (+0,66%), lên 56,26 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Bước vào phiên thứ Năm, phố Wall bất ngờ nhận thông tin tích cực từ báo cáo việc làm và tỷ lệ thất nghiệp.

Cụ thể, báo cáo tình hình việc làm của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, số lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng thêm 4,8 triệu và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 11,1% trong tháng 6.

Ngoài ra, biên bản cuộc họp mới nhất của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) nhắc lại rằng, Fed có thể sẽ tiếp tục kích thích nền kinh tế Mỹ thông qua các chính sách tiền tệ.

Những yếu tố này đã kéo nhà đầu tư trở lại với thị trường, giúp cả 3 chỉ số chính của phố Wall hồi phục trở lại.

Kết thúc phiên 2/7, Dow Jones tăng 92,39 điểm (+0,36%) lên 25.827,36 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14,15 điểm (+0,45%) lên 3.130,01 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 53 điểm (+0,52%), lên 10.207,63 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng, khi dữ liệu việc làm tích cực của Mỹ đảm bảo rằng sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới, mặc dù giới đầu tư vẫn thận trọng trước việc Tokyo bùng phát Covid-19.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,72% lên 22.306,48 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,62% lên 1.552,33 điểm.

Thị trường bị kìm hãm bởi thông tin thủ đô Tokyo đã xác nhận hơn 100 trường hợp nhiễm mới Covid-19 vào hôm nay, ngày thứ 2 liên tiếp có số ca mắc mới ở mức cao nhất trong 2 tháng.

Mặc dù chính phủ Nhật các cho biết, không cần phải thiết lập lại tình trạng khẩn cấp, nhưng nhiều quỹ đầu tư vẫn đang điều chỉnh danh mục để có thể đảm bảo sự an toàn và linh hoạt hơn.

Phiên hôm nay, cổ phiếu của các công ty điện lực chịu áp lực cao sau khi truyền thông đưa tin, Nhật Bản đang tìm cách tạm dừng hoặc đóng cửa tới 100 nhà máy nhiệt điện than cũ không hiệu quả vào khoảng năm 2030.

Chứng khoán Trung Quốc tăng khá mạnh, với chỉ số bluechip leo lên mức cao nhất trong 5 năm qua, nhờ kỳ vọng vào phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 2,01% lên 3.152,81 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 1,93% lên 4.419,60 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 1/7/2015.

Trong tuần, SSEC tăng 5,8%, mức tốt nhất kể từ tháng 3/2019, còn CSI300 tăng 5,8%, mức tốt nhất kể từ tháng 11/2015.

Chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc đã tăng lên 58,4 điểm so với mức 55 điểm trong tháng 5, đây là con số cao nhất kể từ tháng 4/2010.

Điều này cho thấy sự phục hồi tổng thể của Trung Quốc đang trở nên cân bằng hơn, khi cuộc sống dần trở lại bình thường, mặc dù các nhà phân tích tin rằng sẽ mất nhiều tháng nữa để các hoạt động kinh tế trở lại mức trước khủng hoảng.

Những người tham gia thị trường cũng dự báo Bắc Kinh sẽ tung ra nhiều kích thích hơn trong nửa sau của năm nay, sau đợt cắt giảm lãi suất mới nhất.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, khi giới nhà đầu tư cho rằng luật an ninh mới của Bắc Kinh sẽ có lợi cho thị trường Thành phố, qua đó, kích thích một làn sóng các công ty Trung Quốc niêm yết mới nhiều hơn.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,99% lên 25.373,12 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,85% lên 10.243,29 điểm.

Trong tuần, HSI tăng 3,4%, còn HSCE tăng 4%. 

Chứng khoán Hàn Quốc có thêm một phiên tăng, và ghi nhận tuần tích cực nhất trong 4 tuần gần đây, khi dữ liệu việc làm ở Mỹ cổ vũ giới đầu tư.

Đóng cửa, chỉ số tăng 0,80% lên 2.152,41 điểm. Trong tuần, chỉ số này tăng 0,832%.

Kết thúc phiên 3/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 160,52 điểm (+0,72%), lên 22.306,48 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 62,24 điểm (+2,01%), lên 3.152,81 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 248,93 điểm (+0,99%), lên 25.373,12 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 17,04 điểm (+0,80%), lên 2.152,41 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Xem xét tái cấp vốn cho những dự án, công trình có tính lan toả

Thống đốc NHNN khẳng định cơ quan này đã tung ra hàng loạt giải pháp rất mạnh để đảm bảo mục tiêu vừa kiểm soát, đảm bảo ổn định vĩ mô, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế..>> Chi tiết

Thời của cổ phiếu phòng thủ

Sau giai đoạn hồi phục theo hình chữ V, VN-Index giảm 8,4% từ ngày 11 - 30/6, nhưng nhóm cổ phiếu phòng thủ không giảm giá, mà có diễn biến đi ngang..>> Chi tiết

Qua rồi, những ngày mua là thắng

Câu chuyện đầu tư tới đây sẽ không còn dễ thắng, như cách mà thị trường vận động gần 2 tháng qua..>> Chi tiết

PYN Elite ngược dòng khối ngoại

Trong giai đoạn khối ngoại bán ròng vì đại dịch Covid-19, cái tên PYN Elite được nhắc tới với lực bán mạnh. Tuy nhiên, theo công bố hoạt động nửa đầu năm 2020, hóa ra PYN Elite đã đi ngược chiều..>> Chi tiết

Giới đầu tư “mất phương hướng” với thị trường quý III

Chỉ trong nửa đầu năm 2020, thị trường chứng khoán chứng kiến quý lao dốc tệ hại nhất, tiếp theo đó là 3 tháng phục hồi mạnh mẽ nhất trong thập kỷ..>> Chi tiết

Tin bài liên quan