Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền đứng ngoài chờ nhập cuộc còn rất lớn

Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền đứng ngoài chờ nhập cuộc còn rất lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index hụt hơi; Tín dụng tăng nhưng lãi suất sẽ giảm tiếp trong quý II; Vàng và chứng khoán cùng tăng giá, vì sao?; “Dòng tiền nóng” nguội dần!; Chờ đợi rổ VN30 nâng cấp; Chứng khoán châu Á phân hóa; Vẫn còn khối tiền mặt khổng lồ đợi rót vào thị trường...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 15/7 tăng 80.000 đồng/lượng chiều mua vào và 90.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết ở mức 50,30 – 50,69 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 7,8 USD lên 1.809,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng vọt lên 1.815 USD/ounce nhưng đã hạ nhiệt và về gần 1.806 USD/ounce vào cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex New York giảm 2,7 USD xuống 1.810,7 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,33% xuống 95,53 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.226 đồng, tăng 10 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.090 - 23.270 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,48 USD (+1,19%), lên 40,77 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,42 USD (+0,98%), lên 43,32 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index thu hẹp đà tăng

Trong phiên sáng, VN-Index mở cửa tăng mạnh, vượt qua 875 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn tỏ ra dè dặt sau đó, khiến VN-Index quay đầu và chỉ còn giữ mức tăng khiêm tốn.

Bước vào phiên chiều, bên nắm giữ cổ phiếu đã hạ thấp giá bán để thoát hàng, khiến đà tăng của VN-Index càng bị thu hẹp và đóng cửa đánh mất mốc 870 điểm.

Nhóm cổ phiếu lớn, VIC, GAS, SAB, MSN, POW quay đầu giảm, trong đó SAB -1,79%. Trong khi đó, chỉ còn TCB, MWG tăng hơn 2%, VRE, VPB, PNJ, EIB tăng hơn 1%.

Trong các mã thị trường, sắc tím được duy trì tại TSC, FIT, ACL, kèm với đó là thanh khoản thấp.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 4,81 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 114,18 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 15/7: VN-Index tăng 1,8 điểm (+0,21%), lên 869,91 điểm; HNX-Index giảm 0,23 điểm (-0,2%), xuống 115,91 điểm; UPCoM-Index tăng 0,04 điểm (+0,08%), lên 56,98 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington liên tục gia tăng trong thời gian gần đây liên quan khi 2 bên trừng phạt qua lại nhau và mới nhất là Mỹ bác bỏ phần lớn yêu sách trên biển Đông của Trung Quốc.

Bất chấp căng thẳng trên, cùng với áp lực chốt lời mạnh nhóm cổ phiếu công nghệ vốn tăng mạnh trong thời gian trước, nhất là cổ phiếu Amazon, phố Wall vẫn duy trì đà tăng, trong đó Dow Jones tăng mạnh khi giới đầu tư đặt cược vào sự hồi phục kinh tế.

Theo dữ liệu vừa công bố, giá tiêu dùng của Mỹ giảm và lạm phát vẫn nằm trong mục tiêu 2% của Bộ Tài chính.

Kết thúc phiên 14/7, chỉ số Dow Jones tăng 556,79 điểm (+2,13%), lên 26.642,59 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 42,30 điểm (+1,34%), lên 3.197,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 79,73 điểm (+0,94%), lên 10.488,58 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong 5 tuần, nhờ kết quả đáng khích lệ từ một nghiên cứu vắc-xin ngừa Covid-19 và sự lạc quan về kết quả kinh doanh của công ty sẽ tăng trong nửa cuối năm.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,59% lên 22.945,50 điểm, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 10/6, với cổ phiếu công nghiệp và tiêu dùng dẫn đầu tăng.

Chỉ số Topix tăng 1,56% lên 1.589,51 điểm với khối lượng giao dịch hơn 1,08 tỷ cổ phiếu.

Tâm lý thị trường được cải thiện sau khi Công ty Công nghệ sinh học Moderna Inc của Mỹ cho biết, thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 của họ cho thấy an toàn và tạo phản ứng miễn dịch ở giai đoạn đầu.

Bên cạnh đó, hỗ trợ còn đến từ dữ liệu gần đây từ nhiều nền kinh tế lớn đã cho thấy các dấu hiệu cho thấy hoạt động của công ty và chi tiêu của người tiêu dùng đang phục hồi. Trong khi đó, Ngân hàng Nhật Bản mới quyết định giữ chính sách tiền tệ ổn định và duy trì quan điểm rằng nền kinh tế sẽ dần dần phục hồi.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, sau khi tổng thống Mỹ ký sắc lệnh tước những ưu đãi thương mại cho Hồng Kông.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,56% xuống 3.361,30 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 1,29% xuống 4.744,47 điểm.

Từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán Thượng Hải tăng 10,2% và CSI300 đã tăng 15,8%, trong khi chỉ số H-share Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông giảm 7,1%. Chứng khoán Thượng Hải đã tăng 12,62% trong tháng này với khối lượng giao dịch khổng lồ nhờ các nhà đầu tư cá nhân tham gia mạnh mẽ.

Tại thời điểm này, nhà đầu tư vẫn tiếp tục tăng đòn bẩy. Vay nợ margin tăng phiên thứ 11 liên tiếp vào ngày 13/07, chạm mức 1,33 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Khối ngoại bán ròng 17,4 tỷ nhân dân tệ cổ phiếu Trung Quốc trong ngày 14/07, mức cao kỷ lục mới. Kỷ lục trước đó là 14,7 tỷ USD được thiết lập vào ngày 13/03.

Chứng khoán Hồng Kông chỉ còn tăng nhẹ, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, quyết định chấm dứt ưu đãi cho Hồng Kông và ký vào dự luật trừng phạt nhằm vào các quan chức liên quan đến luật an ninh mới.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,01% lên 25.481,58 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,14% xuống 10.390,54 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng, do kết quả đáng khích lệ từ một nghiên cứu ở giai đoạn đầu vắc-xin ngừa Covid-19.

Ngoài thông tin từ nghiêm cứu vắc-xin tại Mỹ, thì hỗ trợ thị trường còn bởi dữ liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc giảm nhẹ trong tháng 6, nhưng vẫn ở mức cao trong lịch sử.

Hôm nay, cổ phiếu của Hyundai Motor đã tăng 7,4%, một ngày sau khi Hàn Quốc công bố một dự án thỏa thuận mới để thúc đẩy sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường.

Kết thúc phiên 15/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 358,49 điểm (+1,59%), lên 22.945,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 53,31 điểm (-1,56%), xuống 3.361,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 3,69 điểm (+0,01%), lên 25.481,58 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 18,27 điểm (+0,84%), lên 2.201,88 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Tín dụng tăng nhưng lãi suất sẽ giảm tiếp trong quý II

Nhu cầu vốn đang có dấu hiệu tăng trở lại nhưng với thanh khoản dồi dào, lãi suất huy động và cho vay dự kiến sẽ vẫn tiếp tục xu hướng giảm..>> Chi tiết

Vàng và chứng khoán cùng tăng giá, vì sao?

Thông thường, giá vàng và cổ phiếu có diễn biến trái chiều, nhưng gần đây, hai loại tài sản này hầu như cùng tăng giá mạnh trên toàn cầu..>> Chi tiết

“Dòng tiền nóng” nguội dần!

Dòng tiền nóng chảy “rần rật” và trạng thái đầu cơ quá mức khiến điểm số thị trường chứng khoán chạy nhanh hơn các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Nhưng câu chuyện đã bắt đầu diễn biến khác…>> Chi tiết

Chờ đợi rổ VN30 nâng cấp

Kỳ xem xét lại danh mục cổ phiếu trong VN30 lần này diễn ra đúng ngày 20/7/2020, ngày TTCK Việt Nam tròn 20 năm khai trương hoạt động..>> Chi tiết

Vẫn còn khối tiền mặt khổng lồ đợi rót vào thị trường

Giới đầu tư vẫn đang găm giữ tiền mặt, chưa triển khai hoạt động đầu tư. Một khi núi tiền này được khơi thông, còn nhiều dư địa để các loại tài sản rủi ro có thể leo dốc..>> Chi tiết

Tin bài liên quan