Thị trường tài chính 24h: Dịch viêm phổi vẫn ám ảnh nhiều thị trường tài chính

Thị trường tài chính 24h: Dịch viêm phổi vẫn ám ảnh nhiều thị trường tài chính

(ĐTCK) VN-Index thêm một phiên giảm sâu; Bộ Công Thương: Ngăn chặn dịch cúm corona, sớm có giải pháp hỗ trợ giao thương, xuất khẩu; CPI Hà Nội tăng 1,07% trong tháng Tết; Chứng khoán châu Á nhìn chung vẫn mờ mịt do chịu ảnh hưởng nặng từ dịch viêm phổi virus corona;  Tỷ phú Warren Buffett rời bỏ thị trường kinh doanh báo chí...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Thị trường vàng, ngoại tệ và dầu thô

Thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay sau phiên đêm qua tại Mỹ giảm 2,6 USD xuống 1.573,8 USD/ounce, sang phiên châu Á sáng nay đã hồi phục và tăng lên gần 1.581 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 31/1 giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 44,25 – 44,67 triệu đồng/lượng, tăng trở lại 100.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,04% lên 97,91 điểm vào cuối phiên châu Á.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.196 đồng, tăng 11 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.165 - 23.305 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,25 USD (+0,38%), lên 52,34 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,02 USD (+0,03%), lên 57,33 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index thêm một phiên bị bán tháo

Nhà đầu tư đã bình tâm trở lại khi mở cửa phiên sáng, tuy nhiên, sắc xanh chỉ le lói trong thời gian ngắn và nhanh chóng bị dập tắt.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực bán gia tăng khiến thị trường lao dốc mạnh. VN-Index để mất hơn 10 điểm chỉ sau hơn 30 phút và cuối cùng để mất gần 23 điểm khi đóng cửa. Như vậy, chỉ trong 2 phiên đầu tiên của năm Canh Tý, thị trường đã để mất gần 55 điểm, tương ứng giảm 5,61%.

Nhóm ngân hàng duy nhất CTG xanh nhạt, còn lại đều giảm khá mạnh như BID -2,3%, HDB -5,7%, TCB -6,7%, , MBB -2,1%.

Nhóm VN30 nhiều mã bị đẩy xuống mức giá sàn như DPM, GMD, VJC, VNM cùng giảm sâu như GAS -6%, , VRE -4,7%, BVH -6,8%, PLX -4,3%..

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, DLG, ITA, HAI, ASM, DXG, AMD, LDG, DRH, TSC, HAR… cũng lần lượt giảm sàn. Trong khi đó, DIC, JVC, SJF vẫn giữ sắc tím.

Tính chung trên toàn thị trườngnhà đầu tư nước ngoài bán ròng 620.150 đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng 16,72 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 31/1: VN-Index giảm 22,96 điểm (-2,39%), xuống 936,62 điểm; HNX-Index giảm 1,75 điểm (-1,68%), xuống 102,36 điểm; UPCoM-Index giảm 0,6 điểm (-1,07%), xuống 55,13 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Trong phiên thứ Năm, phố Wall cũng chìm trong sắc đỏ khi mở cửa do nỗi lo bùng phát của virus corona khi Mỹ ghi nhận trường hợp lây từ người sang người đầu tiên và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu khiến nhà đầu tư lo sợ.

Về dữ liệu kinh tế, theo báo cáo mới công bố, GDP của Mỹ trong năm 2019 tăng trưởng 2,9%, không đạt mục tiêu 3% mà Tổng thống Trump đặt ra.

Kết thúc phiên 30/1, chỉ số Dow Jones tăng 124,99 điểm (+0,43%), lên 28.859,44 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,26 điểm (+0,31%), lên 3.283,66 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 23,77 điểm (+0,26%), lên 9.298,94 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản hồi phục khá tốt, khi một số kết quả và dự báo kết quả kinh doanh của công ty niêm yết lạc quan.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng xấp xỉ 1% lên 23.205,18 điểm, nhưng mất 2,6% trong tuần. Topix tăng 0,58% lên 1.684,44 điểm.

Một số cổ phiếu đáng chú ý như Fujitsu Ltd tăng 12% lên mức cao nhất trong 18 năm sau khi tăng dự báo lợi nhuận và cổ tức, và tuyên bố mua cổ phiếu quỹ.

Anritsu Corp vọt 7,8%, cũng nhờ lợi nhuận tăng do nhu cầu mạnh mẽ liên quan đến công nghệ 5G. Thu nhập tốt cũng thúc đẩy Chugai Pharmaceutical Co Ltd, nhà sản xuất thuốc lớn thứ hai của Nhật Bản tăng 7,6%.

Chứng khoán Trung Quốc chưa giao dịch trở lại.

Chứng khoán Hồng Kông đảo chiều giảm từ giữa phiên, với nhóm cổ phiếu tiêu dùng tiếp tục bị bán tháo trong bối cảnh lo ngại về sự bùng phát của virus corona tại Trung Quốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,5% xuống 26.312,63 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,82% xuống 10.240,51 điểm.

Những lo ngại về virus corona lan rộng đã đánh gục thị trường trong tuần qua với nhóm cổ phiếu vận tải, du lịch, bán lẻ bị bán tháo mạnh. 

Cơ quan tiền tệ Hồng Kông cho biết, có khoảng 20-30% chi nhánh ngân hàng dự kiến sẽ đóng cửa tạm thời và một số sẽ chỉ mở cửa trong một số giờ hạn chế, như là một phần của các biện pháp chống lại sự lây lan của virus corona.

Chứng khoán Hàn Quốc thêm một phiên giảm sâu và ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong 15 tháng qua, do những lo ngại về dịch viêm phổi virus corona.

Chỉ số điểm chuẩn KOSPI đã mất 5,7% trong tuần này, mức giảm trong một tuần lớn nhất kể từ tháng 10/2018.

Kết thúc phiên 31/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 227,43 điểm (+0,99%), lên 23.205,18 điểm. . Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 136,50 điểm (-0,52%), xuống 26.312,63 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 28,99 điểm (-1,35%), xuống 2.119,01 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Bộ Công Thương: Ngăn chặn dịch cúm corona, sớm có giải pháp hỗ trợ giao thương, xuất khẩu

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc ngăn chặn dịch cúm nhưng cũng cần có giải pháp để đảm bảo không gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động xuất khẩu, trong đó có mặt hàng nông sản của các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long..>> Chi tiết

CPI Hà Nội tăng 1,07% trong tháng Tết

Cục Thống kê Hà Nội vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2020 tăng 1,07% so với tháng trước và tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2019..>> Chi tiết

 - Tỷ phú Warren Buffett rời bỏ thị trường kinh doanh báo chí

Tập đoàn Berkshire Hathaway của Warren Buffett cho biết sẽ bán hết 31 tờ báo để từ bỏ hoạt động kinh doanh báo chí đang gặp rất nhiều khó khăn của mình..>> Chi tiết

Tin bài liên quan