Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán Hồng Kông sụp đổ

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán Hồng Kông sụp đổ

(ĐTCK) VN-Index mất gần 10 điểm phiên cuối tuần; Mù mờ như số liệu bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy; Cổ phiếu giá thấp vẫn hấp dẫn đầu tư; Dòng tiền của nhà đầu tư mới: Mạnh và thông minh; Tiền chảy mạnh vào chứng quyền; Chứng khoán Hồng Kông chứng kiến phiên bán tháo mạnh nhất kể từ nắm 2015; Chứng khoán Mỹ lì lợm leo dốc...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô 

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 22/5 giảm 50.000 so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã tăng trở lại đúng 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 48,50 – 48,97 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại giảm 20,9 USD xuống 1.727,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng dần hồi phục và lên gần 1.735 USD/ounce vào đến cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 6 trên sàn Comex New York tăng 6,1 USD lên 1.726,6 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,42% lên 99,78 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 22/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức là 23.242 đồng, giảm 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.190 - 23.370 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,09 USD (-6,16%), xuống 31,83 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,72 USD (-4,77%), xuống 34,34 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index mất gần 10 điểm

Áp lực bán gia tăng ngay từ khi mở cửa đã khiến VN-Index gặp khó và chủ yếu giao dịch dưới tham chiếu.

Bước sang phiên chiều, lực bán tiếp tục dâng cao ở nhóm bluechip và đã lan rộng ra thị trường khiến VN-Index tiếp tục nới rộng biên độ và mất gần 10 điểm khi đóng cửa tại mức 852 điểm.

HPG +2,83% cùng nhóm thép là điểm sáng hiếm hoi, với HSG +4,6%, NKG +4,2%, DNY +5,3%/

Còn lại 29 mã trong nhóm VN30 đều để mất điểm với VHM -1,9%, VIC -1,6%, GAS -1,5%, BVH -1,9%, MSN -2,8%...

Cổ phiếu bùng nổ giao dịch hôm qua là ROS đã hạ nhiệt -3,6%, khớp hơn 4 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 9,78 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 14,75 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 22/5: VN-Index giảm 9,99 điểm (-1,16%) xuống 852,74 điểm; HNX-Index tăng 1,3 điểm (+1,23%), lên 107,04 điểm; UpCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,13%) xuống 54,24 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Phố Wall mất điểm trong phiên thứ Năm (21/5), khi dữ liệu việc làm tiếp tục ảm đạm và căng thẳng với Trung Quốc gia tăng.

Theo đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết, có thêm 2,4 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước, nâng tổng số người nộp đơn xin trợ cấp trong suốt đại dịch Covid-19 lên hơn 38 triệu người. Số lượng tiếp tục xin trợ cấp ở mức 25,07 triệu người, mức cao kỷ lục.

Căng thẳng leo thang với Trung Quốc cũng đã gây sức ép lên tâm lý thị trường, sau khi Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật có thể cấm các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ.

Kết thúc phiên 21/5, chỉ số Dow Jones giảm 101,78 điểm (-0,41%), xuống 24.474,12 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 23,10 điểm (-0,78%), xuống 2.948,51 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 90,90 điểm (-0,97%), xuống 9.284,88 điểm.

Chứng khoán châu Á 

Chứng khoán Nhật Bản giảm, do tâm lý thị trường đã bị ảnh hưởng sau khi Trung Quốc có kế hoạch đưa ra một luật an ninh mới đối với Hồng Kông, làm tăng thêm lo lắng về căng thẳng Trung-Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,8% xuống 20.388,16 điểm. Nhưng trong tuần, chỉ số này đã tăng 1,8%.

Chỉ số Topix giảm 0,9% xuống 1.477,80 điểm, với 30 trên 33 chỉ số phụ đóng cửa dưới tham chiếu.

Chứng khoán toàn cầu bị kéo lùi sau khi Bắc Kinh có kế hoạch áp dụng luật pháp an ninh mới đối với Hồng Kông. Động thái này đã nhận được cảnh báo từ Tổng thống Mỹ Donald Trumg rằng Mỹ sẽ phản ứng lại rất mạnh mẽ đối với điều đó.

Phiên hôm nay, cổ phiếu lớn SoftBank Group đã tăng 2,8% khi cho biết, có kế hoạch bán 5% cổ phần sở hữu tại công ty viễn thông SoftBank Corp, một phần của chương trình tái cơ cấu, tìm kiếm 41 tỷ USD thông qua bán tài sản.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, kết thúc tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 3, do lo ngại về tăng trưởng kinh tế và căng thẳng mới với Mỹ.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,42% xuống 2.82,30 điểm. Trong tuần, chỉ số này mất 1,9%. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 1,79% xuống 3.843,66 điểm và giảm 2,3% trong tuần.

Cả hai điểm chuẩn đánh dấu tuần tồi tệ nhất kể từ tháng Ba.

Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên xấu đi khi Hai thượng nghị sĩ Mỹ ngày 21/5 tuyên bố, họ sẽ đề xuất một dự luật trừng phạt các quan chức và thực thể Trung Quốc thực thi luật an ninh ở Hồng Kông và xử phạt cả những ngân hàng làm ăn với họ.

Chứng khoán Hồng Kông lao dốc, giảm hơn 5% khi Trung Quốc dự định ban bố một luật an ninh riêng cho Thành phố, làm dấy lên sự leo thang tình trạng bất ổn dân sự đã gây chấn động trung tâm tài chính trong suốt năm ngoái.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 5,56% xuống 22.930,14 điểm. Đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2015. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 4,3% xuống 9.426,78 điểm.

Đáng kể, chỉ số phụ theo dõi ngành bất động sản giảm 7,7%, ngày tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

Áp lực bán tháo được kích hoạt bởi đề xuất của Trung Quốc, trong đó trao quyền cho quốc hội thành lập các cơ chế thực thi và pháp lý để đảm bảo an ninh quốc gia tại Hồng Kông và Ma Cao.

Thêm vào điểm tiêu cực là lần đầu tiên Trung Quốc đã không đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay và mối quan hệ với Mỹ ngày càng xấu đi, từ vấn đề Covid-19, thương mại và giờ là luật an ninh mới cho Hồng Kông.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm do căng thẳng Trung-Mỹ gia tăng, sau khi Bắc Kinh đề xuất một dự luật an ninh riêng đối với Hồng Kông.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 1,41% xuống 1.970,13 điểm. Trong tuần, chỉ số này tăng 2,22%.

Kết thúc phiên 22/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 164,15 điểm (-0,80%), xuống 20.388,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 40,62 điểm (-1,42%), xuống 2.827,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1.349,89 điểm (-5,56%), xuống 22.930,14 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 28,18 điểm (-1,41%), xuống 1.970,13 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Mù mờ như số liệu bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy

Chưa có số liệu công bố cập nhật chính thức nào về số trường hợp được chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy cũng như số tiền chi trả..>> Chi tiết

Cổ phiếu giá thấp vẫn hấp dẫn đầu tư

Không ít cổ phiếu thị giá thấp trên sàn niêm yết vẫn đang là những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, được đánh giá cao về chất lượng tài sản, nguồn vốn và có triển vọng trở thành nơi an toàn gửi gắm kỳ vọng của nhà đầu tư..>> Chi tiết

Dòng tiền của nhà đầu tư mới: Mạnh và thông minh

Thị trường chứng khoán lao dốc vì đại dịch Covid-19 sau đó hồi phục đã tạo ra cơ hội lớn cho những người có tiền mặt, nên một phần dòng tiền từ các kênh đầu tư khác chảy mạnh vào thị trường..>> Chi tiết

Tiền chảy mạnh vào chứng quyền

Nhiều mã chứng quyền có bảo đảm (CW) đang giao dịch sôi động trở lại và có mức sinh lời khá..>> Chi tiết

Chứng khoán Mỹ lì lợm leo dốc

Bất chấp những tín hiệu xấu giăng mắc khắp nơi, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn giữ vững đà tăng..>> Chi tiết

Tin bài liên quan