Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán châu Á bị bán tháo

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán châu Á bị bán tháo

(ĐTCK) VN-Index có phiên giảm sâu; Thận trọng khoản vay ưu đãi lãi suất qua ngân hàng; Thế bí của dòng tiền; Thị trường chứng khoán sát hơn nền kinh tế thực; Chưa có lý do hợp lý để thị trường quay trở lại xu hướng giảm; Chứng khoán châu Á đồng loạt lao dốc; Cố vấn của ông Trump tuyên bố, nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu phục hồi...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô 

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 15/6 tăng 10.000 đồng/lượng chiều mua vào nhưng giữ nguyên chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết ở mức 48,38 – 48,74 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 3,4 USD lên 1.730,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng lao dốc và giảm về 1.706 USD/ounce vào cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex New York giảm 25,7 USD xuống 1.711,6 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,18% xuống 97,14 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.222 đồng, tăng 17 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.130 - 23.310 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,58 USD (-1,60%), xuống 35,68 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,28 USD (-0,72%), xuống 38,45 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index lao dốc, mất hơn 31 điểm

Lình xình trong phiên sáng và đóng cửa giảm nhẹ, các chỉ số chính trên 2 sàn đã lao dốc khi bước vào phiên chiều và VN-Index đóng cửa mất hơn 31 điểm, còn HNX-Index mất gần 3,1 điểm, trước áp lực bán bất ngờ gia tăng mạnh với thanh khoản đột biến.

Toàn bộ top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE đều giảm giá với mức giảm mạnh, chủ yếu trên 4%. Còn tính rộng ra trong top 30, sắc đỏ cũng chiếm thế áp đảo.

Thanh khoản đột biến đến từ giao dịch thỏa thuận VHM với 201 triệu cổ phiếu VHM, giá trị 15.099,5 tỷ đồng.

Trong các mã thị trường, một số giữ được sắc tím là TSC, HQC, FIT, DAH….

Trái lại, TNI, SCR, LDG, TTF, LMH, TVB, TDH…giảm sàn.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 191,62 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng hơn 14.873 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 15/6: VN-Index giảm 31,05 điểm (-3,60%), xuống 832,47 điểm; HNX-Index giảm 3,09 điểm (-2,64%), xuống 113,82 điểm; UPCoM-Index giảm 0,42điểm (-0,74%), xuống 55,54 điểm

Chứng khoán Mỹ

Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tăng lên vào đầu tháng 6 khi các hộ gia đình hứng khởi với việc nền kinh tế mở cửa trở lại và sự phục hồi bất ngời trong việc tuyển dụng lao động.

Cùng với đó, kêt quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố bất ngờ tích cực hơn dự đoán giúp phố Wall hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần trước.

Trong tuần, Dow Jones giảm 5,55%, S&P giảm 4,78% và Nasdaq giảm 2,30%.

Kết thúc phiên 12/6, chỉ số Dow Jones tăng 477,37 điểm (+1,90%), lên 25.605,54 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 39,21 điểm (+1,31%), lên 3.041,31 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 96,08 điểm (+1,01%), lên 9.588,81 điểm.

Chứng khoán châu Á đồng loạt bị bán tháo

Chứng khoán Nhật Bản lao dốc, với sự lo ngại gia tăng về một đợt lây nhiễm Covid-19 mới tại nhiều quốc gia.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 3,47% xuống 21.530,95 điểm. Chỉ số này đã chính thức trượt xuống dưới mức hỗ trợ chính của đường MA 200. Chỉ số Topix mất 2,54% xuống 1537,89 điểm.

"Cổ phiếu đã trở nên rất đắt đỏ, nếu còn tăng hơn nữa không thể lý giải. Và kể cả nếu phố Wall trở lại đà tăng thì thị trường Nhật Bản sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đứng lại", ông Hiroki Takashi, chiến lược gia trưởng tại Monex Securities cho biết.

Các hãng hàng không, một trong những nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch đã mất 4,96%, nhóm cổ phiếu vận tải biển cũng giảm 3,71%, và bất động sản mất 5,06%.

Nhóm cổ phiếu liên quan đến chất bán dẫn cũng bị bán tháo với Awesomeest giảm 6,96%, Tokyo Electron mất 5,55% và Screen Holdings giảm 7%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm sau khi thông báo sẽ phong tỏa thêm 10 khu vực ở thủ đô Bắc Kinh để chủ động ngăn chặn ổ dịch Covid-19 mới, làm dấy lên những lo ngại về một đợt bùng phát dịch tiếp theo.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,02% xuống 2.890,03 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 1,2% xuống 3.954,99 điểm.

Sau nhiều tuần gần như không có ca nhiễm Covid-19, Bắc Kinh đã ghi nhận hàng chục trường hợp mới trong những ngày gần đây, tất cả đều liên quan đến một chợ đầu mối thực phẩm.

Sự bùng phát mới có thể làm giảm tâm lý ưa thích rủi ro trong thời gian ngắn, với các ngành công nghiệp có chu kỳ, chủ yếu dựa vào việc khởi động lại nền kinh tế và sản xuất, mặc dù tác động đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị hạn chế do các biện pháp hiệu quả của việc cách ly, Li Lifeng, nhà phân tích của Zheshang Securities nhận định.

Chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh do ảnh hưởng tại nhiều thị trường khu vực châu Á khác, khi mối lo ngại ngày càng tăng về một làn sóng nhiễm Covid-19 mới đã kích thích lệnh bán tháo.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,16% xuống 23.776,95 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,8% xuống 9.655,83 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng giảm 2,1%, ngành CNTT giảm 2,19%, tài chính giảm 1,97% và bất động sản mất 2,3%.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng bị bán không tiếc tay, sau khi dữ liệu nhà máy yếu kém tại Trung Quốc cho thấy sự phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh, trong bối cảnh một đợt lây nhiễm Covid-19 mới đang hiển hiện.

Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 5 nhưng mức tăng thấp hơn dự kiến cho thấy, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn đang vật lộn để trở lại đúng hướng.

Kết thúc phiên 15/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 774,53 điểm (-3,47%), xuống 21.530,95 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 29,71 điểm (-1,02%), xuống 2.890,03 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 524,43 điểm (-2,61%), xuống 23.776,95 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 101,48 điểm (-4,76%), xuống 2.030,82 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Thận trọng khoản vay ưu đãi lãi suất qua ngân hàng

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kiến nghị Chính phủ cần cân nhắc đề xuất cung cấp các khoản vay ưu đãi lãi suất thông qua ngân hàng thương mại (NHTM) khi thực tế triển khai chính sách hỗ trợ từ năm 2009 đã bộc lộ nhiều hạn chế…>> Chi tiết

Thế bí của dòng tiền

Phiên giao dịch cuối tuần trước được nhiều nhà đầu tư mô tả bằng những từ ngữ như “kinh hồn bạt vía” để nói về sự nhào lộn ngoạn mục ở nhiều mã chứng khoán, giảm sàn tăng trần, đỏ quạch rồi kết thúc phiên lại tăng trần..>> Chi tiết

Thị trường chứng khoán sát hơn nền kinh tế thực

Sau giai đoạn phớt lờ những thông tin tiêu cực kéo dài mà chỉ quan tâm tới các thông tin tích cực, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như toàn cầu có phiên giao dịch ngày 11/6 giảm mạnh, thanh khoản tăng vọt. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường sẽ biến động sát hơn với nền kinh tế thực..>> Chi tiết

Chưa có lý do hợp lý để thị trường quay trở lại xu hướng giảm

Khả năng cao các chỉ số sẽ tìm được vùng cân bằng mới với vùng giá hỗ trợ mạnh 760 - 770 điểm, bởi dòng tiền tham gia thị trường vẫn dồi dào và không có hiện tượng rời bỏ khi triển vọng của thị trường chứng khoán quốc tế chưa quá u ám..>> Chi tiết

Cố vấn của ông Trump tuyên bố, nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu phục hồi

Nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu phục hồi sau những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra và quá trình này có thể sẽ tăng tốc trong những tháng tới..>> Chi tiết

Tin bài liên quan