Ảnh Internet.

Ảnh Internet.

Thị trường tài chính 24h: Chờ sóng cuối năm

(ĐTCK) VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 990 điểm; Siết tín dụng, vì sao ngân hàng đua tăng lãi suất huy động?; Cổ phiếu bất động sản chờ đón sóng cuối năm; Cơ hội mới với cổ phiếu ngành tôm; “Chợ” trái phiếu doanh nghiệp: Cung, cầu đều bất ổn; Apple trở lại, chứng khoán Mỹ tăng vọt; Tháng 9 ảm đạm với thị trường chứng khoán Mỹ...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

VN-Index lên trên 990 điểm

Trong phiên sáng, mặc dù thị trường không bật cao bởi thiếu lực đỡ từ dòng tiền nhưng điểm tựa từ các mã vốn hóa lớn cùng dòng bank đã tiếp sức giúp VN-Index vững trên mốc 990 điểm.

Đà tăng tiếp tục được nới rộng trong phiên chiều đã kéo VN-Index chạm mốc 995 điểm. Tuy nhiên, kịch bản chốt lời cuối phiên một lần nữa lại diễn ra khiến thị trường dần hạ độ cao, và VN-Index may mắn giữ được mốc 990 điểm.

Nhóm cổ phiếu dẫn dắt trong phiên sáng là ngân hàng cũng chịu tác động và diễn biến phân hóa, trong đó BID giảm 0,4% xuống 34.850 đồng, STB giảm 0,4% xuống 12.000 đồng, MBB giảm 0,9% xuống 22.600 đồng.

Trong khi đó, VCB và CTG tăng tương ứng 1,7% lên 64.000 đồng và 1,1% lên 26.950 đồng

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng hạ nhiệt khi GAS quay về mốc tham chiếu, còn PLX, PVD cũng đều thu hẹp biên độ tăng.

Một số mã bluechip khác nới rộng đà giảm như MSN giảm 0,87% xuống 91.600 đồng, HPG giảm 0,6% xuống 39.500 đồng, NVL giảm 0,1% xuống 67.800 đồng, BVH giảm 1,3% xuống 97.700 đồng…

Một số mã lớn như VNM hay họ Vingroup gồm VIC, VRE, VHM đều tăng nhẹ, là lực đỡ chính giúp VN-Index giữ vững 990 điểm.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, áp lực bán cũng khiến nhiều mã lùi về dưới mốc tham chiếu như FLC, DXG, ASM, QCG, GTN, HAI, HAR… hay về mốc tham chiếu như HQC, KBC, ITA, DIG, HNG…

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng hơn 2,8 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 132,27 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 1,28 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 26,39 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 166.179 đơn vị. Tổng giá trị mua ròng tương ứng 7,86 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 14/9: VN-Index tăng 3,39 điểm (+0,34%), lên 991,34 điểm; HNX-Index tăng 0,51 điểm (+0,45%) lên 113,17 điểm; UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,44%), lên 51,95 điểm.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục mới sau khi dữ liệu kinh tế tháng 8 và cổ phiếu Apple nâng đỡ.

Lạm phát giá tiêu dùng trong tháng Tám của Mỹ đã giảm xuống 2,7% so với mức 2,9% trong tháng Bảy, qua đó loại bỏ một áp lực mà có thể thúc đẩy Fed nâng lãi suất với tốc độ nhanh hơn thay vì nâng từ từ như lộ trình đặt ra trước đó.

Chỉ số công nghệ thuộc S&P 500 tăng trở lại 1,2%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 2/8/2018, chủ yếu nhờ vào đà tăng 2,4% của cổ phiếu Apple.

Thời điểm diễn ra vòng đàm phán thương mại mới vẫn chưa rõ ràng và Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ không chịu áp lực gì để thực hiện thỏa thuận với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết giá tiêu dùng tại nước này tăng thấp hơn dự báo trong tháng 8 và áp lực lạm phát cũng dường như chậm lại.

Burns McKinney, nhà quản lý danh mục tại Allianz Global Investors, nhận định: “Con số lạm phát thấp hơn dự báo. Đó là một tích cực bởi vì có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất với tốc độ chậm hơn, vốn là động thái tốt đối với chứng khoán”.

Chỉ số công nghiệp, vốn nhạy cảm với thương mại tăng 0,5%. Trong đó, cổ phiếu Caterpillar tăng 0,9% và cổ phiếu Boeing tăng 0,6%.

Trong khi đó, chỉ số hàng tiêu dùng thiết yếu thuộc S&P 500 giảm 0,4% khi đà sụt giảm 9,9% của cổ phiếu Kroger gây sức ép.

Cổ phiếu các nhà sản xuất chip đã đảo chiều phục hồi với chỉ số bán dẫn Philadelphia tăng 1,2%.

Kết thúc phiên 13/9, chỉ số Dow Jones tăng 147,07 điểm (+0,57%), lên 26.145,99 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,26 điểm (+0,53%), lên 2.904,18 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 59,48 điểm (+0,75%), lên  8.013,71 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản có thêm một phiên tăng khá tốt, leo lên mức cao nhất trong 7 tháng qua nhờ tâm lý giới đầu tư được cải thiện bởi các dấu hiệu cho Trung Quốc và Mỹ đang tìm cách để giải quyết các tranh chấp thương mại.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 tăng 1,2% lên 23.094,67 điểm, mức cao nhất kể từ đầu tháng Hai. Trong tuần, chỉ số này tăng 3,5%. Topix tăng 1,1% đến 1.728,61 điểm.

“Thị trường Nhật Bản đã chịu bị áp lực giảm trong vài tuần qua vì lo ngại về xung đột thương mại toàn cầu, nhưng việc Trung Quốc và Mỹ có dấu hiệu quay trở lại đàm phán về thuế quan đã mang lại  hi vọng cho thị trường” Chisato Haganuma, chiến lược gia tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities cho biết.

Haganuma nói thêm rằng, sự phục hồi của các đồng nội tệ tại các thị trường mới nổi cũng đang trợ giúp giúp tâm lý thị trường, sau khi ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tăng lãi suất repo một tuần từ 17,75% lên 24%, cao hơn mức dự kiến 21% mà Bloomberg đưa ra trước đó.

Các nhà xuất khẩu tăng khi đồng USD chững lại với nhóm liên quan đến chip tăng điểm, với Advantest Corp tăng 5%, Tokyo Electron tăng 1,6%, Yaskawa Electric tăng 7,6% và TDK Corp tăng 5,6%.

Nhà sản xuất robot công nghiệp như Fanuc Corp tăng 2,8% và Keyence Corp tăng 5,4%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ, trong bối kỳ vọng về thương mại với Mỹ sẽ được giải quyết phần nào đó trong vòng đám phán tới, nhưng các dữ liệu kinh tế yếu kém đã níu chân thị trường.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,2% xuống 2.681,64 điểm. Chỉ số này giảm 0,8% trong tuần, và là tuần giảm thứ ba liên tiếp.

Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,2% lên 3.242,09 điểm, nhưng giảm 1,1% trong tuần.

Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới, với một loạt dữ liệu kinh tế tháng 8 không có tác dụng xua tan quan điểm rằng tiêu dùng trong nước đang yếu đi và các biện pháp hỗ trợ của chính phủ sẽ mất thời gian để bắt đầu có hiệu lực.

Chỉ số phụ theo dõi ngành tài chính tăng 0,19%, ngành tiêu dùng tăng 1,69%, bất động sản tăng 0,66% và y tế  giảm 0,66%.

Nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất phiên hôm nay có Veken Technology Co Ltd,tăng 10,07%; Tonghua Grape Wine Co Ltd, tăng 10,05%, và Changchun Gas Co Ltd tăng 9,98%.

Nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất là YanTai Yuancheng Gold Co Ltd giảm 10,01%; Chiết Giang Hisun Pharmaceutical Co Ltd giảm 10%, và Aisino Corp giảm 9,99%.

Chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh, khi triển vọng của một vòng đàm phán thương mại mới giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến giới đầu tư mua mạnh cổ phiếu trở lại, nhưng tương tự như trên thị trường đại lục, đà tăng bị hãm lại đáng kể do kinh tế Trung Quốc chậm lại.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng hơn 1% lên 27.286,41 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises  tăng 0,7% lên 10.575,17 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng giảm 0,5%, ngành CNTT tăng 1,9%, tài chính tăng 0,76% và bất động sản tăng 1,59%.

Cổ phiếu tăng điểm cao nhất phiên hôm nay là AAC Technologies Holdings Inc tăng 5,51%, trong khi thua lỗ lớn nhất là China Petroleum & Chemical Corp giảm 1,82%.

Kết thúc phiên 14/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 273,35 điểm (+1,20%), lên 23.094,67 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 271,92 điểm (+1,01%), lên 27.286,41 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,97 điểm (-0,18%), xuống 2.681,64 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC tăng nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.290 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 10.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,55 - 36,73 triệu đồng/lượng, tăng 10.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.690 đồng/USD, giảm 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.210 - 23.290 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Siết tín dụng, vì sao ngân hàng đua tăng lãi suất huy động?

Việc nâng lãi suất VND trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng với USD tăng theo xu hướng thế giới, được cho là giải pháp ổn định tỷ giá trước sức ép của cuộc chiến thương mại..>> Chi tiết

Cổ phiếu bất động sản chờ đón sóng cuối năm

Nhờ yếu tố thời điểm, cũng như việc hạch toán giúp doanh thu, lợi nhuận thường tăng mạnh vào quý cuối năm, nhóm cổ phiếu bất động sản được dự báo sẽ có "sóng" trong những tháng tới..>> Chi tiết

Cơ hội mới với cổ phiếu ngành tôm

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa quyết định áp dụng mức thuế chống bán phá giá đợt xem xét hành chính thứ 12 đối với sản phẩm tôm Việt Nam thấp hơn mức thuế đợt trước đó. Giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm lập tức có diễn biến tăng..>> Chi tiết

 “Chợ” trái phiếu doanh nghiệp: Cung, cầu đều bất ổn

Để khắc phục tình trạng phát triển kém minh bạch, èo uột của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, qua đó sớm hình thành “chợ” trái phiếu sôi động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tìm kiếm vốn, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã trình Chính phủ hệ thống giải pháp mới..>> Chi tiết

Giao lưu trực tuyến với lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên: Cơ hội đầu tư vào Phú Yên

Chiều ngày 14/9, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên, cùng các sở, ngành và địa phương tỉnh Phú Yên đã có buổi đối thoại trực tuyến cùng nhà đầu tư, độc giả trên hệ thống báo điện tử của Cơ quan Báo Đầu tư (www.tinnhanhchungkhoan.vn, www.baodautu.vn, www.vir.com.vn)..>> Chi tiết

Tháng 9 ảm đạm với thị trường chứng khoán Mỹ

Tháng 9 “nổi tiếng” không phải quãng thời gian tươi sáng đối với thị trường chứng khoán Mỹ và năm nay không phải ngoại lệ. Sau chuỗi giảm kể từ đầu tháng 9 tới nay, không ít nhà đầu tư đang lo ngại, thị trường chứng khoán Mỹ, vốn đang ở tình trạng đắt đỏ, sẽ chuẩn bị lao dốc..>> Chi tiết

Tin bài liên quan