Thị trường phức tạp

Thị trường phức tạp

(ĐTCK-online) Tin tức về kinh tế vĩ mô và chính trị trên thế giới ngày càng phức tạp sẽ tác động không tốt đến thị trường chứng khoán trong tuần này. Tâm lý của nhà đầu tư vừa bình ổn lại sau vài phiên tăng điểm của thị trường, có thể lại chịu nhiều sức ép nữa.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã mất điểm, xuống dưới 11.000 điểm vào ngày thứ Sáu tuần qua, căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, vấn đề nợ công tại châu Âu lại nổi lên… Tin tích cực duy nhất là giá vàng thế giới đã giảm trở lại sau khi đã "phản ứng nhanh" với cuộc xung đột giữa hai miền Triều Tiên, qua đó, giữ giá vàng trong nước ổn định. Điều này được cho là sẽ góp phần làm giảm áp lực lên tỷ giá VND và USD ở thị trường trong nước.

Tuy nhiên, trong những ngày cuối tuần qua, giá USD trên thị trường tự do vẫn "lì lợm" tăng từng ngày, vượt mức 21.300 đồng/USD. Đây là phản ứng tất yếu trước những diễn biến phức tạp khác, được cho là vấn đề lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế nói chung và TTCK nói riêng - vấn đề lãi suất - lạm phát.

Các doanh nghiệp trong nước hiện nay đang phải đối mặt với mặt bằng lãi suất ngân hàng tăng cao xấp xỉ với với thời kỳ "khủng hoảng" hai năm trước và khả năng lãi suất khó có thể hạ nhiệt trong thời gian ngắn. Việc phải duy trì tình trạng lãi suất cao trong bao lâu để giữ giá VND, ổn định kinh tế vĩ mô trong nước vẫn còn là câu hỏi ngỏ mà chưa nhiều người dự đoán được để xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình. Giải pháp duy nhất lúc này là phòng thủ cho đến khi môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế có tín hiệu tích cực rõ ràng hơn.

Rõ ràng là, khủng hoảng tài chính thế giới đã để lại dư chấn lớn hơn mức tưởng tượng của nhiều người. Vấn đề khủng hoảng nợ công ở một số nước không qua đi dễ dàng.

Sau khi các vấn đề kinh tế vĩ mô được giải quyết thì ở tầm vi mô, hoạt động của doanh nghiệp như thế nào cũng là vấn đề cần có thời gian để giải đáp. Sau một thời gian cầm cự, doanh nghiệp nào bị suy yếu các nguồn lực, doanh nghiệp nào sử dụng tốt các nguồn lực để tận dụng được cơ hội khi mà đối thủ đang gặp khó khăn, những điều này chỉ có thể được giải đáp ở mùa đại hội cổ đông đầu năm tới.

Từ giờ đến đó, phòng thủ có thể là phương án tốt nhất với nhà đầu tư. Mạo hiểm có thể đem đến lợi nhuận lớn nhưng trong bối cảnh thị trường tài chính trong nước và quốc tế ngày càng phức tạp, mức độ liên thông ngày càng sâu rộng như hiện nay thì có lẽ, việc thành - bại trong đầu tư là do may - rủi nhiều hơn.