Ngành thép chịu tác động khá tiêu cực từ quyết định điều chỉnh tỷ giá - Ảnh: Hoài Nam

Ngành thép chịu tác động khá tiêu cực từ quyết định điều chỉnh tỷ giá - Ảnh: Hoài Nam

Thị trường dưới tác động của tỷ giá

(ĐTCK-online) Các doanh nghiệp niêm yết với đặc điểm và ngành nghề sản xuất - kinh doanh khác nhau đang chịu tác động trái chiều từ quyết định tăng tỷ giá mới đây của Ngân hàng Nhà nước.

Thép là một trong những ngành ảnh hưởng nhiều nhất từ việc tăng tỷ giá theo hướng tiêu cực, nhưng cũng có những doanh nghiệp được hưởng lợi.

Công ty Thép Pomina (POM) đã quyết định tăng giá bán từ 300.000 - 400.000 đồng/tấn thép vào ngày 18/2. Nhưng mức tăng giá này theo ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT POM là vẫn chưa tăng tương ứng với mức tăng giá nguyên liệu đầu vào và tăng tỷ giá trong hơn một tháng qua.

Cụ thể, giá phôi thép từ 600 USD/tấn tăng lên 670 USD trước Tết Dương lịch và hiện đã tăng đến 700 USD/tấn. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã phải mua USD giá 21.000 đồng và hiện là 21.500 đồng/USD. Như vậy, chỉ tính riêng mức tăng giá phôi và tăng tỷ giá thì giá thép phải tăng thêm 1 triệu đồng/tấn mới tương ứng với việc tăng giá đầu vào, chưa kể công cán, chi phí điện sẽ tiếp tục tăng.

Thời điểm này, theo ông Thái, mặc dù sức tiêu thụ của thị trường không mạnh nhưng các nhà máy bắt buộc phải tăng giá bán. Các đại lý, công ty xây lắp có tiền vẫn muốn ôm hàng vì họ biết rằng giá thép còn lên nữa.

Với tình hình lãi suất tỷ giá và thị trường như hiện nay, năm 2011, ông Thái cho biết, Công ty chỉ phấn đấu giữ được lợi nhuận như năm ngoái chứ không dám đặt mức lợi nhuận tăng trưởng như mọi năm.

POM là công ty chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép để bán trong nước. Trong khi đó, Đại Thiên Lộc là công ty có quy mô nhỏ hơn với mặt hàng tôn thép lại đang dựa vào thị trường ngách để gia tăng lợi nhuận.

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (DTL) cho biết, Công ty hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá do giá thép cuộn cán nóng đã tăng thêm 200 USD/tấn so với giá Công ty nhập khẩu cuối năm ngoái. DTL được lợi nhờ việc xuất khẩu sản phẩm thay vì bán trong nước, bởi giá trong nước phải tăng thêm 50 USD/tấn so với hiện nay thì mới bằng với mức tăng của giá nguyên liệu. Có nguồn thu ngoại tệ, DTL lại được vay USD với lãi suất 6%/năm nên chi phí vốn thấp hơn vay VND. Được biết, trong quý I này, DTL ước đạt lợi nhuận 100 tỷ đồng trên kế hoạch lợi nhuận cả năm là 250 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, Công ty cổ phần sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC) lại được hưởng lợi đáng kể từ động thái tăng tỷ giá. Kế hoạch doanh thu của GMC năm nay là 34 triệu USD, tương đương 650 tỷ đồng sẽ tăng lên khoảng 700 tỷ đồng nhờ động thái tăng tỷ giá vừa qua. Tuy nhiên, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT GMC cho biết, lợi nhuận sẽ không  tăng mạnh tương ứng do Công ty vẫn phải nhập khẩu một nửa nguyên liệu sản xuất.

Như vậy, trong nhóm công ty xuất khẩu, mức độ hưởng lợi từ tỷ giá còn phụ thuộc vào cơ cấu nguyên liệu đầu vào nhập khẩu hay mua trong nước.

Tuy nhiên, khảo sát ở một số doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ cho thấy, các doanh nghiệp này tiết kiệm được chi phí vốn vay nhờ khả năng vay ngoại tệ với lãi suất thấp. Trong khi doanh nghiệp sản xuất bán hàng trong nước phải nhập nguyên liệu bằng USD và vay vốn VND với lãi suất tối thiểu là 16 - 17%/năm, doanh nghiệp xuất khẩu có thể vay USD lãi suất khoảng 5 - 6%.

Một doanh nghiệp cho biết, các ngân hàng nước ngoài đã vào cuộc cạnh tranh mạnh với ngân hàng trong nước trong cấp vốn lưu động bằng USD. Lãi suất ngân hàng như HSBC đưa ra vào thời điểm cuối năm ngoái là 4,5%, trong khi các ngân hàng trong nước cho vay lãi suất trên 5%. Lợi thế của ngân hàng nước ngoài là có nguồn vốn giá rẻ khi huy động vốn ở nước ngoài.

Theo đánh giá của ông Trần Đắc Trí Tuệ, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sen Vàng, từ trước đến nay, doanh nghiệp giao dịch mua - bán ngoại tệ ở mức tỷ giá thực tế khá cao so với tỷ giá niêm yết tại ngân hàng, việc tăng tỷ giá lần này chỉ là hình thức "cởi trói" và "hợp thức hóa" cho các hoạt động giao dịch trên thị trường ngoại hối. Sau quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá, trên thực tế nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vẫn rất khó mua USD. Như vậy, nếu mức tỷ giá trần hiện nay vẫn còn thấp hơn mức giao dịch ngoại tệ thực tế của các doanh nghiệp thì chi phí của sản phẩm sẽ không thay đổi nhiều, vì chi phí của doanh nghiệp có nhu cầu USD không có thay đổi lớn sau quyết định tăng tỷ giá.

Sau quyết định tăng tỷ giá, nhiều DN phải tăng mạnh chi phí trích lập dự phòng vay nợ ngoại tệ

 

Sau cú tăng đột ngột của tỷ giá USD/VND, nhiều DN niêm yết đã phải đối mặt với thách thức tăng mạnh chi phí trích lập chênh lệch dự phòng giảm giá tài chính do có vay nợ ngoại tệ. Trong số này, đơn vị được nhiều NĐT nhớ đến đầu tiên có lẽ là CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC).

 

Với giá trị khoản vay này tính đến hết ngày 31/12/2010 là 32,492 tỷ JPY, tính theo tỷ giá niêm yết chéo JPY/VND do NHNN công bố thời điểm này là 225,57, năm 2010, chênh lệch tỷ giá hối đoái khoản vay JPY chưa thực hiện của PPC là hơn 808 tỷ đồng. Với mức tỷ giá NHNN công bố ngày 15/2 là 249,1; chi phí tài chính năm 2011 của PPC có nguy cơ tăng thêm 764,54 tỷ đồng.

 

Với trường hợp CTCP Vận tải Xăng dầu Petrolimex (VIP), việc tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng từ mức 18.932 ngày 31/12/2010 lên 20.703 ngày 15/2/2011, VIP sẽ phải tốn thêm chi phí năm 2011 khoảng 106 tỷ đồng cho khoản vay 60 triệu USD. Tương tự, một DN ngành vận tải đang niêm yết khác là CTCP Vận tải biển Việt Nam (VNA) cũng có thể phải tốn thêm hơn 46 tỷ đồng cho năm tài chính 2011, do có khoản vay 26 triệu USD.

 

Ngành xi măng cũng có khá nhiều DN vay nợ bằng EUR, dao động khoảng 100 triệu EUR/DN. Dù đã xin cơ chế đặc biệt cho việc không tính chênh lệch vào chi phí mà hạch toán vào quỹ chênh lệch tỷ giá hối đoái trong bảng cân đối kế toán, nhưng việc thay đổi tỷ giá vẫn sẽ làm "giảm mỹ quan" cơ cấu nguồn vốn - tài sản của DN.

 

Dù vậy, có một điều đáng nói là, việc tăng tỷ giá trên thực tế chủ yếu ảnh hưởng đến các chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh (do trích lập dự phòng) từ đó tác động đến kế hoạch phân bổ lợi nhuận của DN, mà không tác động nhiều đến dòng tiền thực tế. Lý do là, khoản trích lập dự phòng trên thực tế là chi phí "không chi tiền", còn các khoản phải trả trong kỳ - chênh lệch tỷ giá đã thực hiện - thì từ trước khi NHNN thay đổi tỷ giá, DN đã phải chịu "phí" tương ứng với giá USD trên thị trường tự do.