Phiên giao dịch đầu tuần này (29/7), chỉ số VN-Index lấy lại được đà hồi phục ngay trong phiên, với mức tăng hơn 4 điểm trong phiên này, kéo chỉ số đi lên gần mốc 1.000 điểm.
Dù có thời điểm VN-Index “rơi thẳng đứng”, nhưng thanh khoản trong phiên rất thấp. Cụ thể, thanh khoản trên sàn HOSE giảm 14,5% về ngưỡng 3.500 tỷ đồng, cho thấy nhà đầu tư đã không còn áp lực lo ngại, bi quan để bán ra với giá thấp. Bước sang phiên 30/7, thị trường tiếp tục rung lắc quanh mức tâm lý 1.000 điểm này.
Nguyên nhân chính của việc chỉ số chứng khoán trong nước bị rung lắc trong đầu tuần này, dưới góc nhìn của Công ty Chứng khoán SSI là ảnh hưởng từ bên ngoài. Những tín hiệu chưa rõ ràng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về việc có cắt giảm lãi suất hay không và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể sang năm mới có những diễn tiến mới đã khiến thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm và thị trường chứng khoán Việt Nam không là ngoại lệ.
Xét về bối cảnh vĩ mô trong nước, số liệu thống kê và dự báo của các tổ chức vẫn cho thấy triển vọng tăng trưởng ổn định và tích cực. GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,76%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (7,05%) nhưng vẫn là mức cao so với cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2017. Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2019 ở mức 6,96%, trong đó, quý III và IV đều tăng trưởng trên 7%.
Theo Công ty Chứng khoán FPT, xét về định giá, P/E của các cổ phiếu trên sàn HOSE hiện vào khoảng 17,09 lần. Ðây là mức rẻ hơn so với thị trường Thái Lan (18,56 lần) và Philippines (19,82 lần) và cao hơn so với Trung Quốc (14,39 lần) và Singapore (13,78 lần). Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang được hưởng lợi bởi thị trường nội địa tăng trưởng sức mua khá tốt, còn thị trường xuất khẩu đang và sẽ hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam mới ký kết cũng như từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dự kiến còn kéo dài.
Nhìn vào báo cáo tài chính quý II các doanh nghiệp niêm yết công bố, có thể thấy, yếu tố cơ bản là sức khỏe của các doanh nghiệp lớn vẫn rất tốt.
Tăng trưởng lợi nhuận trong quý II của một số doanh nghiệp có thể chậm lại chủ yếu do tác động của tính chu kỳ ngành như bất động sản kéo theo xây lắp, vật liệu xây dựng… Yếu tố nền tảng cơ bản của doanh nghiệp giúp giá cổ phiếu vững vàng ở mặt bằng giá hiện nay.
Vấn đề làm thị trường không thể bứt phá là thiếu nguồn cung dù nhà đầu tư ngoại vẫn đang mua ròng. Thị trường đang tiệm cận ngưỡng 1.000 điểm, và khi các cổ phiếu lớn thay nhau làm trụ cột đẩy thị trường đi lên thì nhiều khả năng VN-Index sẽ vượt qua ngưỡng này một cách vững chắc.
Vẫn theo SSI, thị trường đang cố gắng hấp thu hết nguồn cung giá rẻ. Nếu thanh khoản tăng khi thị trường tiến sát khoảng tích lũy 993 - 1.000 điểm thì thị trường có thể xác lập tiếp xu hướng tăng.