Thị trường chứng khoán tháng 5, kỳ vọng song hành cùng nỗi lo suy thoái

Thị trường chứng khoán tháng 5, kỳ vọng song hành cùng nỗi lo suy thoái

(ĐTCK) Tháng 5, điểm lạc quan là nhà đầu tư có thể đón nhận những thông tin tích cực từ chuyển động đẩy mạnh đầu tư công từ Chính phủ và mùa đại hội đồng cổ đông của các doanh nghiệp tái khởi động trở lại. Tuy nhiên, tháng 5 thị trường cũng có thể phải chịu áp lực suy giảm sau tháng 4 tăng mạnh khi nhà đầu tư nhận ra rằng, các doanh nghiệp cần rất nhiều thời gian để khôi phục sản xuất - kinh doanh.

Kỳ vọng đẩy mạnh đầu tư công thúc đẩy doanh nghiệp cùng chuyển động

TTCK bước sang tháng 5 với hoạt động sản xuất - kinh doanh dần được khôi phục và nối liền trở lại. Số ca nhiễm bệnh Covid-19 mới ở châu Âu và Mỹ suy giảm cũng là lúc giới đầu tư nghĩ tới câu chuyện sự hồi phục kinh tế hậu dịch sẽ như thế nào.

Tại Việt Nam, sau khi Chính phủ thực hiện đồng bộ các chính sách tiền tệ mở rộng từ hạ lãi suất trung tâm, tới yêu cầu hệ thống ngân hàng hạ lãi suất, giãn nợ vay nhằm kích thích nền kinh tế, báo cáo của Tổng cục Thống kê mới đây cho biết, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 0,68% trong quý I/2020 - thấp hơn rất nhiều so với mức 1,9% của cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Theo khảo sát gần đây tại các ngân hàng, hoạt động vay mới tăng trưởng rất chậm, trong khi khách hàng chủ yếu là đảo nợ, giãn nợ vay.

Trước độ trễ của chính sách tiền tệ, trong khi với giới đầu tư tư nhân, các chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh chỉ mở rộng sản xuất khi nhìn thấy cơ hội, hay nói đúng hơn là có thị trường tiêu thụ chắc chắn, Chính phủ đã tuyên bố một giải pháp mạnh, đó là thúc đẩy đầu tư công.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu giải ngân hết 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công ngay trong năm 2020 để thúc đẩy sự chuyển động của cả nền kinh tế.

Hàng loạt dự án đầu tư công được kỳ vọng nhanh chóng tái khởi động và đẩy nhanh tiến độ, trong đó có các dự án cao tốc Bắc - Nam, Sân bay Long Thành…

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội thông qua kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt số 3 với tổng vốn đầu tư dự kiến 40.577 tỷ đồng, tuyến đường sắt số 5 với tổng vốn đầu tư 65.404 tỷ đồng.

Nhiều nhà đầu tư trên thị trường kỳ vọng, khi các dự án lớn này chuyển động sẽ kéo theo nhu cầu công việc và sự chuyển động của khối kinh tế tư nhân, từ đó tạo động lực cho không chỉ doanh nghiệp, mà cả nền kinh tế dịch chuyển theo chiều hướng tích cực.

Tháng 5, đón thông tin về đại hội đồng cổ đông

Việc giãn cách xã hội đã buộc nhiều doanh nghiệp phải hoãn thời gian tổ chức đại hội đồng cổ đông, cũng như trì hoãn việc công bố tài liệu đại hội đến cổ đông và thị trường.

Ðiều này đã làm giới đầu tư chưa nắm được tình hình của doanh nghiệp, cũng như tác động của dịch Covid-19 tới doanh nghiệp để có các quyết định sắc bén.

TTCK đã trải qua giai đoạn bán tháo trong tháng 3 và hồi phục lại trong tháng 4 với ít thông tin trực diện từ doanh nghiệp. Hoạt động giao dịch chủ yếu dựa trên các yếu tố khác, chứ không phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Nếu như mọi năm, tháng 5 là giai đoạn trũng thông tin, thì năm nay, tháng 5 sẽ là tháng cao điểm thông tin. Ðầu tháng sẽ là giai đoạn doanh nghiệp công bố tài liệu đại hội và sau đó là các doanh nghiệp sẽ thực hiện chốt quyền cổ tức cho cổ đông.

Ðây chính là động lực hỗ trợ giá cổ phiếu và thu hút sự quan tâm của dòng tiền đầu tư đến các doanh nghiệp có nội lực tốt. Theo thống kê, TTCK Việt Nam hiện có trên 600 doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) trên 30 tỷ đồng năm 2019.

Nỗi lo doanh nghiệp cần nhiều thời gian để khôi phục sản xuất - kinh doanh

Sau giai đoạn cổ phiếu bị bán tháo tháng 3, thị trường bước vào quãng thời gian hồi phục mạnh mẽ trên diện rộng, từ nhóm cổ phiếu bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động kinh doanh do dịch Covid-19.

Thị trường chứng khoán tháng 5, kỳ vọng song hành cùng nỗi lo suy thoái  ảnh 1

Đồ thị Index phục hồi mạnh trong tháng 4.

Sự hồi phục của TTCK đến từ sự kỳ vọng các doanh nghiệp có thể nhanh chóng khôi phục sản xuất - kinh doanh, trong đó có nhóm thuỷ sản, dệt may, vận tải…, nhóm kỳ vọng hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công như xây dựng cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng và nhóm cổ phiếu kỳ vọng có chính sách hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ như hàng không.

Thị trường chứng khoán tháng 5, kỳ vọng song hành cùng nỗi lo suy thoái  ảnh 2

Đồ thị Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên TTCK Việt Nam.

Tuy nhiên, giữa kỳ vọng và thực tế là 2 câu chuyện cần thời gian để thẩm định. Báo cáo dự đoán khả năng suy thoái kinh tế của Bloomberg gần đây cho biết, xác suất suy thoái kinh tế đã đạt mức 100% trong năm nay, vấn đề là trong ngắn hạn, nhà đầu tư đang phớt lờ thông tin tiêu cực.

Thị trường chứng khoán tháng 5, kỳ vọng song hành cùng nỗi lo suy thoái  ảnh 3

Biểu đồ mô hình dự báo suy thoái kinh tế của Bloomberg với xác suất 100%.

Hoạt động của nhà đầu tư chủ yếu dựa trên kỳ vọng vào sự mở cửa trở lại của nền kinh toàn cầu và khả năng hoạt động sản xuất - kinh doanh được khôi phục nhanh chóng.

Các chuyên gia quốc tế cho rằng, để biết nền kinh tế có hồi phục sau mở cửa, nhà đầu tư cần phải trả lời nhiều câu hỏi.

Thứ nhất, sau khi mở cửa lại nền kinh tế, doanh nghiệp có khôi phục lại sản xuất tương đương trước khi có dịch hay không? Dịch Covid-19 đã chấm dứt hay chưa và bao lâu thì vắc-xin sẽ được sản xuất?

Nếu báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục suy giảm, các chính sách kích cầu của Chính phủ không kéo nền kinh tế quay lại, phản ứng của giới đầu tư lên thị trường sẽ như thế nào?...

Dựa trên những vấn đề cốt lõi nên trên, chuyên gia Blooberg cho rằng, chưa có ngày cụ thể cho dịch bệnh kết thúc nên việc sống chung với dịch bệnh cần dự liệu ít nhất từ 12-18 tháng nữa. Nhiều quốc gia đã mở cửa nền kinh tế, nhưng chỉ mang tính cầm chừng và thận trọng trước rủi ro dịch có thể bùng phát trở lại. Chừng nào chưa có thuốc chữa thì chừng đó nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, vẫn phải sản xuất - kinh doanh dưới mức tiềm năng.

Khi thu nhập giảm và niềm tin lung lay do ảnh hưởng bởi dịch, người tiêu dùng cũng cần một khoảng thời gian đủ dài mới có thể khôi phục trở lại mức chi tiêu như thông thường.

Ðó là chưa kể tới những chủ thể có áp lực nợ vay cao, việc khôi phục lại sức tiêu dùng còn khó hơn rất nhiều.

Tháng 5, TTCK dự báo có thể bước vào giai đoạn phân hoá mạnh dựa vào nền tảng riêng của doanh nghiệp, cũng như các thông tin về cổ tức mà doanh nghiệp công bố.

Tuy nhiên, sau tâm lý hưng phấn, nhà đầu tư có thể sẽ nhanh chóng nhận ra rằng, khôi phục lại sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp như trước thời điểm đại dịch là khó khăn hơn rất nhiều và mất nhiều thời gian hơn kỳ vọng, khi đó tâm lý tiêu cực có thể sẽ chiếm lĩnh.

Giá chứng khoán sẽ tiếp tục lặp lại kịch bản tiêu cực như tháng 3 vừa qua.

Nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes từng nói: “Thị trường có thể phi lý trí lâu hơn thời gian mà bạn có thể chịu đựng”.

Tạm thời trong ngắn hạn, giới đầu tư đang phớt lờ lo lắng về tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng và đặt kỳ vọng vào việc tái mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ nhanh chóng khôi phục. Tuy nhiên, nếu chuyển động của nền kinh tế không được như kỳ vọng, điều gì sẽ xảy ra trên TTCK? Câu chuyện TTCK tháng 5 vì thế chỉ có thể nhận diện những yếu tố tác động khi rất khó dự đoán một kịch bản cụ thể nào sẽ xảy ra.

Tháng 5, câu chuyện nâng hạng chưa rõ ràng khi Kuwait bị trì hoãn nâng hạng từ tháng 5 lên tháng 11

Câu chuyện nâng hạng thị trường Việt Nam vẫn chưa có tín hiệu nào khả quan. Trong khi đó, dự kiến Kuwait được nâng hạng sẽ giúp dòng vốn mới đổ vào thị trường Việt Nam đã không thành trong tháng 5. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường tạm thời sẽ chưa có thông tin hỗ trợ từ dòng vốn mới của khối ngoại.

Tin bài liên quan