Thị trường chứng khoán cho Start-ups, nhìn từ kinh nghiệm của Hàn Quốc

Thị trường chứng khoán cho Start-ups, nhìn từ kinh nghiệm của Hàn Quốc

(ĐTCK) “Kỳ vọng 2 - 3 năm tới, Việt Nam có sàn giao dịch chứng khoán chuyên biệt cho Start-ups”. Đó là mong muốn và cũng là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với ngành chứng khoán tại Diễn đàn Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp (Start-ups), trong bối cảnh khởi nghiệp là một hoạt động đầu tư mang tính mạo hiểm và rất khó huy động vốn.     

Tại hội thảo “Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp” do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chủ trì phối hợp với Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn quốc, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM tổ chức ngày hôm qua (7/6), các tham luận về cơ hội và thách thức, cũng như kinh nghiệm quốc tế trong việc huy động vốn cho các Start-ups được tập trung thảo luận nhằm tạo kênh huy động vốn hiệu quả cho loại hình doanh nghiệp này.

Khó khăn nhất cho các Start-ups chính là tiếp cận vốn và nguồn cấp vốn, nhất là trong giai đoạn “vốn mồi” (mới Start-ups), bởi đây là giai đoạn được đánh giá rủi ro nhất khi các doanh nghiệp khởi nghiệp đa phần sở hữu tài sản hữu hình, khả năng mất vốn cao nếu Start-ups không thành công.

Một số kênh huy động vốn truyền thống của các Start-ups là: người thân, gia đình; quỹ đầu tư mạo hiểm (nhưng thường gặp hạn chế bởi quy định vốn tối thiểu và các Start-ups đa phần đều không đạt quy mô cần thiết); ngân hàng (đây là kênh khó tiếp cận cho các Start-ups ở giai đoạn đầu bởi ngân hàng thường không chấp nhận các khoản cho vay rủi ro và các tiêu chí tài sản đảm bảo, nguồn thu được xem là khá khắt khe đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp); các quỹ hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ (những quỹ này chấp nhận mức độ rủi ro rất thấp, thậm chí bằng 0); sàn chứng khoán (cũng gặp không ít khó khăn).

Trong khi đó, các kênh huy động vốn khác chưa thịnh hành tại Việt Nam là từ các nhà đầu tư thiên thần (là những nhà đầu tư cá nhân muốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp); các quỹ đầu tư Accelerator (vốn mồi). Các quỹ Accelerator thường không muốn tham gia Start-ups giai đoạn đầu vì rủi ro cao và chi phí quản lý gia tăng do phải tăng cường nhân sự cho những khoản đầu tư nhỏ này.

Kinh nghiệm của các quốc gia có hệ sinh thái Start-ups phát triển như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Anh, Ấn Độ… đều có sự tham gia của chính phủ, không chỉ với vai trò làm chính sách, mà còn cả vai trò nhà đầu tư cho quỹ. Chẳng hạn, tại Mỹ, Chính phủ đầu tư 25% tổng số vốn của Quỹ Huron River Ventures và MichiganAccelerator Fund, đồng thời quỹ của Chính phủ chấp nhận giới hạn lợi nhuận của mình ở mức 1,5 lần. Tại Singapore, Chính phủ đầu tư đối ứng lên tới 3 triệu USD cho mỗi quỹ được thành lập.

Đáng chú ý, kinh nghiệm của Hàn Quốc là xây dựng thị trường giao dịch chứng khoán chuyên biệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp (KONEX), tạo cơ chế thoái vốn dễ dàng hơn cho nhà đầu tư. KONEX được hình thành năm 2013, chỉ sau hai năm vận hành, quy mô vốn hóa thị trường đã tăng hơn 8 lần, đạt xấp xỉ 4,1 tỷ USD và có 88 doanh nghiệp niêm yết so với 21 doanh nghiệp niêm yết ban đầu, chưa kể các doanh nghiệp chuyển sàn niêm yết. Về bản chất, KONEX cũng giống sàn giao dịch chứng khoán dành cho các công ty đại chúng, nhưng dành cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn, điều kiện niêm yết, năng lực tài chính và hồ sơ pháp lý không quá chặt chẽ.

Ông Noh Tae Hyun, Trưởng ban Thị trường KONEX, Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) chia sẻ kinh nghiệm xây dựng KONEX: Chính phủ có chính sách hỗ trợ và đưa ra các chiến lược hiệu quả cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các Start-ups; các điều kiện về niêm yết, nghĩa vụ công bố thông tin, chi phí niêm yết không quá cao; duy trì thanh khoản và tính minh bạch của thị trường; hỗ trợ công tác quan hệ nhà đầu tư…

Những cổ phiếu trên KONEX được vận hành bởi khuôn khổ luật riêng, khác với đạo luật trên thị trường chính như KOSPI và KOSDAQ. Các công ty chứng khoán được chỉ định làm tư vấn đề cử (6 công ty) với mục tiêu tạo cơ chế hỗ trợ, đánh giá các điều kiện niêm yết và công bố thông tin công ty. Trường hợp các doanh nghiệp khởi nghiệp muốn phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng để niêm yết trên thị trường chính thì những công ty chứng khoán này sẽ là tổ chức bảo lãnh.

Trên thị trường KONEX, doanh nghiệp không cần phải đáp ứng tiêu chuẩn kế toán quốc tế, doanh nghiệp không phải công bố báo cáo tài chính quý, bán niên năm… Tuy nhiên, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư được cơ quan quản lý chú trọng. Chẳng hạn, quy định giới hạn đầu tư hàng năm cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, tối đa là 30 triệu KRW, còn với nhà đầu tư chuyên nghiệp thì hoạt động theo Luật Dịch vụ đầu tư tài chính và thị trường vốn. Đáng chú ý, công tác giám sát được tăng cường nhằm giảm thiểu các giao dịch không lành mạnh.

Giải pháp về một thị trường như KONEX tại Việt Nam được đánh giá cao. Thị trường này cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, quỹ đầu tư, nhà đầu tư… Vai trò của Chính phủ là đặc biệt quan trọng đối với các Start-ups trong giai đoạn ban đầu. Chính phủ cần tham gia đầu tư trực tiếp để kích thích tăng trưởng về số lượng cũng như về chất lượng các Start-ups, qua đó thu hút khối tư nhân đầu tư.

Kỳ vọng 2 - 3 năm tới, Việt Nam sẽ có sàn giao dịch chứng khoán cho các doanh nghiệp khởi nghiệp

Thị trường chứng khoán cho Start-ups, nhìn từ kinh nghiệm của Hàn Quốc ảnh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

Để có hệ sinh thái khởi nghiệp tốt nhằm phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp (Start-ups) tại Việt Nam cần 4 yếu tố, bao gồm: tạo dựng khuôn khổ pháp lý thích hợp cho Start- ups; năng động, sáng tạo của chính bản thân Start-ups vì muốn khởi nghiệp thành công phải gắn liền với đổi mới, sáng tạo; sự tham gia đầu tư của nhà đầu tư, các quỹ; những điều kiện, thể chế hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp.

Trên thế giới, các Start-ups thường gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ kênh truyền thống như ngân hàng bởi những e ngại rủi ro từ khởi nghiệp. Nguồn vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp thường đến từ vốn tự có, của gia đình, hay từ quỹ đầu tư của Chính phủ hoặc tư nhân, gần đây nhất là sàn giao dịch chứng khoán chuyên biệt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tại Việt Nam, các Start-ups cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn. Tôi mong muốn, Việt Nam trong 2 - 3 năm tới có thể xây dựng được sàn giao dịch chuyên biệt này để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Khởi nghiệp là hoạt động đầu tư mạo hiểm nên tài trợ thường là các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần. Cách đây 20 năm ở Israel chỉ có quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ, còn hiện nay chủ yếu là các quỹ đầu tư mạo hiểm của tư nhân, với quy mô mỗi quỹ khoảng vài tỷ USD; các quỹ của Chính phủ cũng đã được cổ phần hóa, tư nhân hóa. Tại Hàn Quốc cũng có quỹ đầu tư thiên thần của Chính phủ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và luật pháp nước này cho phép miễn trách nhiệm hình sự, trách nhiệm kinh tế cho cả cá nhân và tập thế nếu dự án khởi nghiệp thất bại.

Với những kinh nghiệm như vậy, Việt Nam có thể học hỏi để thành lập các quỹ đầu tư của Chính phủ với cơ chế hoạt động rõ ràng, tránh hiện tượng thành lập theo phong trào và phải hoạt động trên nguyên tắc thị trường. Đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam ít nhất có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Hiện nay, số doanh nghiệp đăng ký là hơn 900.000 doanh nghiệp, nhưng thực tế hoạt động cấp mã số thuế chỉ có 528.000 doanh nghiệp.

Có thể sử dụng UPCoM để phát triển thị trường quỹ khởi nghiệp

Thị trường chứng khoán cho Start-ups, nhìn từ kinh nghiệm của Hàn Quốc ảnh 2

 Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Theo kinh nghiệm khởi nghiệp của các quốc gia trên thế giới, có 3 nội dung cần làm rõ, bao gồm: ý tưởng sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp; hệ thống pháp lý, chính sách của Chính phủ hỗ trợ cho loại hình này phát triển và cơ chế thu xếp vốn.

Đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo Nghị định về quỹ mạo hiểm. Hiện Việt Nam đã có hệ thống pháp lý về quỹ đầu tư, trong đó có quỹ tư nhân và quỹ đại chúng. Đây là tiền đề quan trọng, dựa trên đó có thể thay đổi, bổ sung một số điểm để hình thành khung pháp lý liên quan đến quỹ cộng đồng, quỹ mạo hiểm và một thống cơ quan chuyên nghiệp quản lý quỹ.

Việt Nam cũng đã có hệ thống thị trường hoạt động tương đối có kinh nghiệm, như ở Hà Nội có thị trường đăng ký giao dịch (UPCoM). Vừa qua, Chính phủ đã có chính sách thúc đẩy thị trường này phát triển. Trong tương lai, khi hợp nhất hai Sở giao dịch chứng khoán, có thể sử dụng UPCoM để phát triển thị trường quỹ khởi nghiệp.

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc, họ có đạo luật riêng về doanh nghiệp khởi nghiệp, Việt Nam cũng có thể ban hành nghị định dựa trên Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang được xây dựng. Trong đó, cần có những ưu đãi không chỉ riêng với doanh nghiệp khởi nghiệp, mà còn với các nhà đầu tư bỏ vốn vào các quỹ đầu tư; ưu đãi cho các quỹ đầu tư khi họ rót vốn cũng như thoái vốn. Đủ cả 3 quy trình này mới có thể tạo sự kích thích, thu hút vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đặc biệt, tại bất kỳ quốc gia nào thì các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần có sự hỗ trợ của chính phủ.

Tin bài liên quan