Thị trường chứng khoán: Chiếc áo pháp lý mới không phải là “đũa thần”

Thị trường chứng khoán: Chiếc áo pháp lý mới không phải là “đũa thần”

(ĐTCK) Ngày 21/10/2019, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc, thời gian làm việc sẽ kéo dài gần một tháng.

Ðây là kỳ họp thu hút sự quan tâm của các thành viên thị trường chứng khoán, vì theo dự kiến chương trình họp, sáng nay (22/10), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán sửa đổi, sau đó các đại biểu Quốc hội thảo luận các nội dung còn ý kiến khác nhau.

Sau khi cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, dự kiến ngày 27/11, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi.

Trong dự án luật này, không ít nội dung lớn đang còn có ý kiến khác nhau như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên là cơ quan thuộc Chính phủ hay thuộc Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nên là một đầu mối duy nhất hay được tổ chức dưới mô hình công ty mẹ - con, các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo có nên được chào bán chứng khoán trên thị trường chứng khoán để gọi vốn hay không; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ nên được quy định điều kiện như thế nào…

Những nội dung này tiếp tục nhận được nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, các thành viên thị trường với hy vọng Luật Chứng khoán sửa đổi kỳ này sẽ mang lại “chiếc áo pháp lý” mới cho ngành chứng khoán sau 20 năm vận hành.

Quy mô thị trường vào cuối tháng 9/2019 đạt khoảng 81% GDP, vượt mục tiêu 70% GDP vào năm 2020 đề ra trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, nhưng so với quy mô của các thị trường trong khu vực thì vẫn còn rất khiêm tốn.

Các thành viên thị trường trông đợi, hành lang pháp lý mới sẽ góp phần thúc đẩy quy mô thị trường gia tăng, bên cạnh việc giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, qua đó sớm trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế.

Kỳ vọng đó có cơ sở để dần trở thành hiện thực khi mà nhiều nội dung cải cách của dự án Luật Chứng khoán sửa đổi qua nhiều vòng thảo luận đã được các đại biểu Quốc hội, cơ quan lập pháp đồng thuận như tăng mức xử phạt với các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán; gia tăng sức ép buộc các doanh nghiệp niêm yết, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán minh bạch thông tin...

Tuy nhiên, thực tiễn cuộc sống đã chứng minh, luật tốt, luật hay không phải là “chiếc đũa thần” sẽ nhanh làm “tan biến” những mặt trái, góc khuất của thị trường, đặc biệt là với một lĩnh vực có tính thị trường và liên thông quốc tế cao như thị trường chứng khoán.

Luật chỉ tạo nền tảng pháp lý để điều tiết chung nhất hành vi của các chủ thể tham gia.

Mỗi thành viên tham gia thị trường cần không ngừng nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, các nguyên tắc cốt lõi của thị trường là minh bạch, công bằng trong từng suy nghĩ, từng hành vi đầu tư, để không chỉ mang lại lợi ích chính đáng, hợp pháp cho mình, mà còn góp phần tạo ra sự cân bằng trong vun vén, phát triển thị trường, qua đó mới có “chợ tốt” cho các bên tiếp tục phát triển.

Tin bài liên quan