Thị trường cần một cú hích

Thị trường cần một cú hích

Giới đầu tư nửa mong VN-Index lên 512 điểm, nửa dè dặt trước ngưỡng cản quan trọng này và khả năng thông tin vĩ mô không được như mong đợi. Vì thế ai cũng đợi người khác mua trước, tạo nên xu hướng rồi mới nhập cuộc.

Hai phiên giao dịch đầu tuần đều kết thúc với mức điểm âm của VN-Index, sau diễn biến giằng co và đảo chiều không thành. Phiên hôm qua (18/8) chỉ số đóng cửa ở dưới 500 điểm, trong khi các mã vốn hóa lớn nhất thị trường hầu như chưa có chuyển động. Giao dịch giằng co chỉ diễn ra ở một số mã như REE, SAM, SSI, STB, trong khi DHG, DPM, FPT, HAG giữ giá tham chiếu trong phần lớn thời gian khớp lệnh và đồng loạt giảm về cuối phiên, trừ HAG.

 

Trong phiên 17/8, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi sự yếu đi của thị trường quốc tế, cùng xu hướng chốt lời của nhà đầu tư trong nước. Vn-Index được hỗ trợ một phần bởi đà tăng của các cổ phiếu VNM, VSH, KDC, NKD, nhưng cùng lúc chịu ảnh hưởng giảm điểm của PVF, BVH, VPL.

 

Một nhà đầu tư lâu năm trên sàn ACB cho biết, những phiên gần đây anh và một số bạn bè thường bỏ vốn vào các nhóm cổ phiếu loại trung và nhỏ, chuyển từ nhóm này sang nhóm khác. Cùng lúc, tranh thủ tái cơ cấu danh mục, chứ chưa xác định đầu tư mạnh vào mã nào. Anh cho rằng trong lúc thị trường chưa xác định xu hướng, cách làm này tương đối an toàn mà vẫn đảm bảo sinh lời. "Khi thị trường xác định rõ xu hướng là ổn định trên 500 điểm hay điều chỉnh xuống hẳn dưới ngưỡng này, mình sẽ tính tiếp", anh cho hay.

 

Hiện giới đầu tư chờ đợi thông tin từ đề nghị của Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia về các biện pháp điều hành kinh tế trong nửa sau của năm. 512 điểm cũng tỏ ra là một ngưỡng cản mạnh đối với VN-Index. Với những người thận trọng, đây sẽ là thời điểm tốt để chốt lời sau khi đạt được lợi nhuận kỳ vọng. Với người muốn mua vào, đây cũng là ngưỡng họ cần cân nhắc, bởi lường trước khả năng chịu rủi ro trong ngày T+4.

 

Những diễn biến này khiến nhà đầu tư có xu hướng dè dặt và cẩn trọng ngay từ phiên giao dịch đầu tuần. Thanh khoản của thị trường giảm sút, trong đó khối lượng giao dịch giảm trên 20% so với trung bình của tuần trước. Áp lực chốt lời gia tăng ở các cổ phiếu nhỏ, đồng thời sức cầu tỏ ra dè dặt đối với các blue-chip.

 

Hiện nhiều nhà đầu tư chờ đợi thị trường hình thành xu hướng rõ nét trước khi nhập cuộc. Một số hiện thực chiến thuật hiện thực hóa lợi nhuận ở mức giá cao, duy trì tỷ lệ tiền mặt khá trong tài khoản và mua vào dần khi giá xuống thấp. Nhờ nhà đầu tư mua vào những mã đã xuống mức giá hấp dẫn, thị trường có được lực đỡ đáng kể.

 

Trong lúc thị trường trong nước chưa đón nhận thêm thông tin, yếu tố thế giới lấy lại vai trò tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Trên thị trường chứng khoán quốc tế, xu hướng tuần này được giới phân tích thế giới nhận định nghiêng về hướng điều chỉnh. Tin xấu về doanh số bán lẻ và niềm tin người tiêu dùng tại Mỹ đã khiến phố Wall và các thị trường khác diễn biến kém tích cực.

 

Nhận định về diễn biến thị trường không xác định xu hướng hiện nay, chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) cho rằng, chỉ khi ngưỡng 500 điểm bị phá vỡ một cách dứt khoát, thì thị trường mới có khả năng chịu ảnh hưởng lớn. Một vài phiên chốt lời khiến chỉ số xuống dưới mốc 500 điểm, theo HSC, có thể được nối tiếp bằng hoạt động giao dịch tích cực hơn.

 

Trong khi đó, ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Quản lý quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF) cho rằng, nếu khối ngân hàng giữ vai trò dẫn dắt trong tuần và dòng tiền tập trung vào cổ phiếu blue-chip thì thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục đà đi lên như trong 4 tuần trước. Song ông cũng nhận định, mức điểm 512 mà VN-Index đạt được trong tháng 6 trước mắt sẽ là ngưỡng cản lớn.