Thị trường 600 điểm: Chờ lời hứa

Thị trường 600 điểm: Chờ lời hứa

(ĐTCK) Trong bản tin mới nhất gửi các nhà đầu tư về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, VinaCapital nhắc đến nhiều lời hứa chính sách. Nếu những gì thị trường từng tin là sắp có sớm được phê chuẩn, mức đỉnh 608 điểm mà VN-Index đạt được hồi tháng 3 năm nay sẽ nhanh chóng bị phá vỡ.

Giải quyết nợ xấu và tăng room

Khi VAMC hoạt động vào tháng 9/2013, giới đầu tư kỳ vọng rất lớn vào 2 chức năng chính của nó, trong đó ngoài việc mua nợ, kỳ vọng lớn hơn nằm việc tổ chức các cuộc đấu giá bán nợ công khai cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tính đến cuối năm 2013, VAMC mua được 45.000 tỷ đồng nợ xấu. Đến cuối quý I/2014, họ mua thêm được 6.300 tỷ đồng. So với mục tiêu cả năm nay là 70.000 tỷ đồng, con số này còn quá khiêm tốn. VAMC cũng tuyên bố bán 1.800 tỷ đồng nợ xấu cho các nhà đầu tư nội nhưng việc mua bán dựa trên các cuộc đàm phán riêng lẻ chứ không phải theo hình thức đã được kỳ vọng trước đây là đấu giá công khai.

Ở thời điểm hiện nay, VAMC vẫn đang miệt mài để mua nợ xấu đạt mục tiêu đã đề ra, đồng thời dự thảo các quy định để có thể đưa nợ ra bán đấu giá. Tuy nhiên, theo quan sát của nhà đầu tư nước ngoài, việc này khó có tiến triển nhanh, nợ xấu do đó vẫn là hòn đá tảng chặn các ngân hàng gia tăng tín dụng để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 12-14% năm nay. Hoạt động của cả nền kinh tế, chắc chắn vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực.

Lời hứa thứ hai liên quan đến việc tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài. Hiện đề nghị tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 60% vẫn đang ở bước xem xét. Vào đầu năm 2014, các thành viên thị trường đều lạc quan tin rằng, đề xuất này sẽ được Thủ tướng chấp thuận và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Thị trường bật tăng mạnh mẽ trong quý I được dẫn dắt bởi yếu tố này. Cuối cùng, đề xuất từ UBCKNN sau một hồi chu du, đã quay trở lại chính cơ quan này để thảo luận lại và lấy ý kiến các bộ như Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp. Tiến trình này rất mất thời gian, bởi vậy các nhà đầu tư không còn quá quan tâm đến tin này nữa.

Tương tự, vào đầu tháng 6, trong một cuộc hội thảo nhằm gia tăng tính thanh khoản cho thị trường vốn Việt Nam, Chủ tịch UBCKNN nói rằng sẽ sớm cho phép nhà đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCK từ 49 lên 100% theo luật mới. Tuy nhiên, rút cuộc quy định đó vẫn chỉ ở dạng đề xuất và phải trình Thủ tướng xem xét.

“Sau nhiều lần thất vọng, nhà đầu tư rút ra kết luận rằng, việc ban hành quyết định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài là quá trình mất nhiều năm. Nhà đầu tư nào kỳ vọng sớm có, sẽ nhanh chóng thất vọng”, VinaCapital nhận xét.

Phá đỉnh cũ?

VN-Index đã đạt đỉnh 608 điểm vào ngày 24/3 năm nay và chạm đáy 514 điểm vào ngày 9/5 sau sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa của Việt Nam. Dẫu còn nhiều bất ổn, song trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài, chứng khoán Việt Nam còn hấp dẫn. Trong tháng 6, tính bằng USD, VN-Index đã tăng 2%, đóng cửa với 578,1 điểm trong khi chỉ số MSCI châu Á (trừ Nhật Bản) và MSCI thị trường mới nổi lần lượt tăng 1,9 và 2,2%. Chứng khoán đắt hay rẻ không quan trọng, quan trọng là có tiếp tục sinh lời. Với quan điểm như vậy, dù nhiều mã cổ phiếu đã tăng giá rất cao, các nhà đầu tư vẫn mua vào. Đơn cử, tháng 6, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 91,7 triệu USD. Những cổ phiếu được mua nhiều nhất như STB, DPM, GMD, GAS, CSM. Trong khi đó, các mã bị bán ra mạnh gồm HAG, HPG, PVT, VIC và PVD.

Trong nước, nhiều nhà đầu tư vẫn bám thị trường bởi sự trồi sụt theo chiều hướng mũi tên đi lên cho phép họ kiếm được lợi nhuận. Nhưng một điểm lưu ý là sau đợt thị trường tăng điểm mạnh trong 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư mới tham gia thị trường dè dặt hơn rất nhiều. Những nhà đầu tư ở lại trở nên thận trọng, VN-Index tăng nhanh, giảm nhanh cho thấy rõ tâm lý ấy. Việc nhà đầu tư tập trung mua, bán ở một nhóm cổ phiếu nhỏ, của các DN có nền tảng và triển vọng tăng trưởng tốt, chứ không quan tâm đến diện rộng cũng thể hiện rõ tâm lý ấy. VN-Index khó có khả năng tăng mạnh.

Theo nhận định của VinaCapital cũng như các tổ chức nước ngoài như CitiBank, WorldBank, tình hình biển Đông đã dịu lại nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến cầu nội địa và ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của người dân. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay dự báo có thể giảm từ 5,7% xuống 5,5%. Tuy vậy, cùng chia sẻ quan điểm của Marc Faber tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam mới đây, nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài cho rằng, vốn ngoại sẽ tiếp tục vào Việt Nam. Kỷ lục 608 điểm của VN-Index sẽ bị phá vỡ.     

“TTCK đang ở giai đoạn tích lũy”

Ông Giang Trung Kiên Trưởng phòng Phân tích, CTCK FPTS

Khi VN-Index vượt ngưỡng 600 điểm thì mức độ rủi ro trong ngắn hạn nhiều khả năng sẽ tăng, áp lực bán ra chốt lời cũng tăng. Tuy nhiên, với quan điểm kinh tế vĩ mô đang diễn biến tích cực, lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, tỷ giá ổn định, thị trường vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro…, trong khi TTCK ở giai đoạn tích lũy, nhà đầu tư chứng khoán vẫn có cơ hội để kiếm tìm lợi nhuận trong trung hạn.

Tuần qua, khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 55 tỷ đồng trên sàn HOSE, nhưng mua ròng 87 tỷ đồng trên sàn HNX. Họ mua mạnh các cổ phiếu: PVS (mua ròng 45 tỷ đồng), PPC (35 tỷ đồng), DRC (21 tỷ đồng), HT1 (14 tỷ đồng), DBC (14 tỷ đồng)… Đây có thể là động thái cơ cấu lại danh mục vào các mã có tiềm năng tăng trưởng.

Với nhận định thị trường tiếp tục ở trong giai đoạn tích lũy trong biên độ hẹp, nhà đầu tư đang nắm giữ những cổ phiếu cơ bản tốt nên tránh lướt sóng để đạt tỷ lệ lợi nhuận cao; nhà đầu tư chưa nắm giữ cổ phiếu có thể tranh thủ các phiên điều chỉnh để mua vào.

“Nên tăng biên độ dao động giá”

Ông Trần Hoàng Sơn Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCK MB (MBS)

TTCK luôn vận hành theo quy luật khách quan, phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế. Do đó, các giải pháp hỗ trợ thị trường (nếu có) chỉ đóng vai trò phụ trợ và không mang tính quyết định đối với sự tăng giảm dài hạn của thị trường.

Những biến động mạnh gây ra bởi các sự kiện đột ngột như “sự kiện Biển Đông” hồi tháng 5/2014 là bất khả kháng và khó có một giải pháp nào có thể kiểm soát được.

Về dài hạn, để hỗ trợ TTCK và giúp gia tăng niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường, khuyến khích hoạt động đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước nên ban hành các quy định thúc đẩy sự minh bạch thông tin của các doanh nghiệp, gia tăng tiêu chuẩn niêm yết và phát hành cổ phiếu mới nhằm tăng chất lượng hàng hóa trên thị trường.

Ngoài ra, có thể cân nhắc biện pháp tăng biên độ dao động giá cổ phiếu để tăng tính thanh khoản. Việc tăng biên độ này sẽ giúp cho giá cổ phiếu phản ánh sát hơn các thông tin đang tác động đến doanh nghiệp, qua đó hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia giao dịch nhiều hơn.

“Phải chuẩn bị trước các tình huống bất ngờ”

Ông Phan Dũng Khánh Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK MayBank Kim Eng (MBKE)

Những sự kiện như Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam là rủi ro hệ thống từ bên ngoài, tác động mạnh đến thị trường, ảnh hưởng xấu đến tâm lý NĐT. Những rủi ro khó lường này sẽ khó xử lý hơn rủi ro phi hệ thống (thường chỉ tác động đến một vài mã cổ phiếu).

Để giảm nhẹ mức độ tác động của rủi ro hệ thống, cần chuẩn bị sẵn tâm lý cho NĐT, cung cấp thông tin về kinh tế - xã hội rộng rãi, minh bạch. Cơ quan quản lý cần chuẩn bị trước các tình huống bất ngờ trên thị trường, công bố các giải pháp, chính sách cụ thể sẽ thực hiện nếu có những yếu tố rủi ro hệ thống xảy ra để NĐT nắm rõ. Chẳng hạn, cung cấp thông tin chi tiết về sự kiện vừa xảy ra, các biện pháp khắc phục, thời gian dự kiến, đồng thời liên tục cập nhật tới toàn thị trường. Việc xử lý phải nhanh, dứt khoát và quyết liệt.

Cơ quan quản lý cũng cần phối hợp với các đơn vị truyền thông, các thành viên tham gia thị trường, các chuyên gia để đánh giá đúng tình hình, đưa ra những giải pháp chi tiết giúp NĐT vững tâm, tránh được những cú sốc thị trường.

Tin bài liên quan