Thị phần môi giới quý III: Dấu ấn NĐT tổ chức

Thị phần môi giới quý III: Dấu ấn NĐT tổ chức

(ĐTCK-online) Phía sau trật tự về thị phần môi giới quý III được thiết lập là phần hậu của "cuộc chiến hoa hồng" trong hoạt động cạnh tranh môi giới thời gian trước đây.

Bảng xếp hạng thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trên HOSE vừa được công bố không cho thấy những cuộc lật đổ mang tính bất ngờ. Các tên tuổi được vinh danh là sự đan xen giữa các CTCK cựu binh với các CTCK thế hệ thứ hai. Phía sau trật tự được thiết lập là phần hậu của "cuộc chiến hoa hồng" trong hoạt động cạnh tranh môi giới thời gian trước đây.

 

SSI và dấu ấn NĐT tổ chức

Nổi bật trong bảng xếp hạng thị phần môi giới quý III/2011 là ngôi vị số 1 của CTCK Sài Gòn (SSI). Đây là quý thứ 4 liên tiếp SSI ngự ở vị trí quán quân, nhưng lần này ở thế áp đảo toàn diện so với các đối thủ khác. Thị phần của SSI gần gấp đôi của CTCK TP. HCM và CTCK Sacombank đứng lần lượt kế tiếp. Nhìn lại từ quý IV/2010 tới quý III/2011, SSI không chỉ duy trì được thứ hạng cao nhất, mà còn nỗ lực tự vượt qua chính mình với thị phần mở rộng liên tục: 11,61%, 11,74%, 13,2% rồi 15,81% - thị phần lớn nhất của một CTCK đạt được khi bảng xếp hạng Top 10 bắt đầu được công bố.

Thực tế, khi bất ngờ đánh mất vị trí dẫn đầu thị phần môi giới vào năm 2009, SSI đã chịu khá nhiều sức ép. Tuy nhiên, tại ĐHCĐ đầu năm nay, ông Nguyễn Hồng Nam, Phó tổng giám đốc điều hành SSI chia sẻ, dù có quý bị tụt xuống hạng hai, có tháng rớt xuống hạng ba, nhưng SSI vẫn kiên định với định hướng phát triển an toàn, không phung phí nguồn lực tài chính chạy đua bằng mọi giá trong cuộc chiến giành thị phần môi giới.

 "Cái đầu lạnh" của SSI đã giúp Công ty duy trì được khối khách hàng nội địa ổn định một cách tương đối khi nhiều đối thủ lớn khác "chảy máu" khách hàng. Nhưng sự tưởng thưởng dành cho SSI gần đây đến từ các nhà đầu tư tổ chức, cụ thể là các quỹ đầu tư chỉ số (ETF). Sau thời kỳ làm mưa làm gió trên thị trường cùng kỳ này năm ngoái, giờ là lúc các ETF bước sang là giai đoạn tái cơ cấu. Hai quỹ ETF lớn nhất đều đang mở tài khoản giao dịch tại SSI. Vì vậy, việc khối này bán ròng một loạt cổ phiếu như VIC, FPT, HSG… khiến SSI đắc lợi.

Top 10 CTCK môi giới cổ phiếu lớn nhất trên HNX trong quý III/2011

 

STT

Tên CTCK

Tên viết tắt

Thị phần MGCP (%)

1

CTCK VNDirect

VNDS

7,399%

2

CTCK Thành phố Hồ Chí Minh

HSC

7,097%

3

CTCK Thăng Long

TLS

5,096%

4

CTCK ACB

ACBS

4,732%

5

CTCK FPT

FPTS

4,662%

6

CTCK Kim Eng Việt Nam

KEVS

4,472%

7

CTCK Sài Gòn

SSI

4,081%

8

CTCK Bảo Việt

BVSC

3,392%

9

CTCK Golden Bridge Việt Nam

GBS

2,965%

10

CTCK VSM

VSM

2,826%

 

Do có nhiều nét tương đồng trong chiến lược cạnh tranh môi giới, nên khi CTCK Thăng Long rớt xuống hạng 8 về thị phần môi giới trên HOSE, thì vị thế thứ 3 của CTCK Sacombank (SBS) gây ngạc nhiên lớn. Nhưng kết quả này không quá bí ẩn. Thực tế, vào tháng 8/2011, SBS mới là CTCK dẫn đầu trên HOSE - thứ hạng có được khi quỹ đầu tư Anh quốc là Dragon Capital thoái vốn hơn 60 triệu cổ phiếu STB tại ngân hàng mẹ Sacombank. Tài khoản của những người mua mở tại SBS đã giúp CTCK này cải thiện thứ hạng và thị phần môi giới so với 3 tháng trước. Ở bảng xếp hạng Top 10 trên HNX, cái tên SBS đã biến mất!

4,63% là thị phần môi giới lớn nhất mà CTCK Bản Việt (VCSC) đạt được kể từ khi hoạt động. Năng lực lõi của Công ty nằm ở hoạt động tư vấn và chưa bao giờ chấp nhận mở rộng thị phần bằng đòn bẩy tài chính. Vì vậy, vị trí số 5 của VCSC gây ngạc nhiên cho thị trường. Giống như SSI và SBS, dấu ấn của các NĐT tổ chức giúp VCSC cải thiện thứ hạng và trở thành hiện tượng trong quý III/2011. Bên cạnh một số quỹ Hàn Quốc tái cơ cấu danh mục là giao dịch thỏa thuận lô lớn của khối NĐT nước ngoài: một phần trong số 10 triệu cổ phiếu VNM ở đợt phát hành riêng lẻ được giao dịch thỏa thuận từ VCSC tới một loạt CTCK lớn khác, Bank Invest bán lô lớn thỏa thuận 4 triệu cổ phiếu MSN cho đối tác tại SSI…

Không nổi bật trong quý III/2011, nhưng lợi thế về NĐT tổ chức và sự ổn định tương đối của mảng môi giới nội địa khiến CTCK TP. HCM (HSC) duy trì vị trí số 2 về thị phần môi giới cả trên HOSE và HNX .

Top 10 CTCK có thị phần môi giới cổ phiếu cao nhất HOSE trong quý II/2011

 

STT

Tên CTCK

Tên Viết tắt

Thị Phần

1

CTCK Sài Gòn

SSI

15,81%

2

CTCK Thành phố Hồ Chí Minh

HSC

8,71%

3

CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín

Sacombank-SBS

8,32%

4

CTCK ACB

ACBS

4,72%

5

CTCK Bản Việt

VCS

4,63%

6

CTCK KimEng Việt Nam

KEVS

4,20%

7

CTCK Bảo Việt

BVSC

3,40%

8

CTCK Thăng Long

TLS

3,33%

9

CTCK FPT

FPTS

3,28%

10

CTCK Ngân hàng NN&PTNN

AGRISECO

2,66%

 

Sự thất thế của "ván bài" đòn bẩy và nghi án bán khống

Các quý liên tiếp gần đây cho thấy, thị phần môi giới của CTCK Thăng Long (TLS) liên tục đi xuống cả trên HOSE và HNX. Trái lại, CTCK VNDirect (VND) dù biến mất tại bảng xếp hạng Top 10 thị phần môi giới trên HOSE, nhưng lại vươn lên giữ ngôi vương tại HNX. Nếu như Top 10 tại HOSE gần đây biến mất nhiều cái tên đã trở thành hiện tượng "ngựa ô" một thuở như: CTCK Hòa Bình (HBS), CTCK VIS, CTCK VP Bank (VPBS), thì trên HNX lại xuất hiện các tên tuổi mới như CTCK Golden Bridge VN, CTCK VMS…

Phía sau việc nhiều cái tên thoái lui hay rơi rụng khỏi bảng xếp hạng môi giới trên HOSE thực ra không quá khó cắt nghĩa. Giải thích ngắn gọn nhất là chiến lược mở rộng thị phần bằng đòn bẩy tài chính đã trở nên thất thế: hiệu quả thực đo bằng lợi nhuận không nhận được bao nhiêu, nhưng để lại cho các CTCK nhiều hậu quả với nguồn lực tài chính, việc "chảy máu" cả khách hàng lẫn nhân sự chứng khoán. Nhận ra sai lầm khi đã mở rộng quá nhanh, giờ là lúc nhiều CTCK từng ngự ở vị trí hàng đầu tính chuyện thu hẹp hay chú ý hơn đến quản lý rủi ro. Thị phần tất yếu bị thu hẹp, nhanh như khi đã mở ra.

Trái lại, khi ván bài đòn bẩy đã không còn hấp dẫn thì bán khống lại trở thành câu chuyện nóng của thị trường. Đến nay, nghi án này chưa được hóa giải nếu chưa được cơ quan quản lý khám phá, nhưng hai bảng xếp hạng thị phần môi giới trên hai sàn cho thấy, lời đồn đại của giới broker về chuyện một số CTCK cho khách hàng bán khống cổ phiếu của chính công ty mình dường như là có lý.

 

Các thứ hạng còn lại

Sự thăng hạng của CTCK KimEng Việt Nam (KEVS) nằm ngoài lý do chung về sự thăng tiến của các đối thủ cạnh tranh. Đây là CTCK duy nhất mở rộng mạng lưới môi giới, trong khi các đối thủ phải thực hiện tái cơ cấu hay thu hẹp. KEVS có thể làm được điều này nhờ hưởng lợi thế mà hiếm đối thủ có được: nguồn lực tài chính của KEVS chỉ tập trung cho hoạt động môi giới, nên không bị thất thoát kể từ năm 2008 tới nay. Trong điều kiện lãi suất cao, lãi tiền gửi là hậu phương vững chắc chống lưng cho KEVS mở rộng hoạt động. Hơn nữa, KEVS kỳ vọng được hỗ trợ về kinh nghiệm quản lý, nhân sự và vốn trong thời gian tới từ cuộc chuyển giao quyền lực: KimEng Holding - Maybank.

Một số tên tuổi khác như Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), CTCK Bảo Việt (BVS), CTCK FPT (FPTS) duy trì sự ổn định về thứ hạng trong Top 10 thị phần môi giới trên cả hai sàn. Một số công ty có sự thăng tiến, nhưng không hẳn tỏ ra thuyết phục. Chẳng hạn, ACBS tăng một bậc so với quý II/2011 trên HOSE, nhưng thực tế thị phần chỉ chiếm 4,72% so với mức 5,23% trước đó - sự thăng hạng dựa vào sự suy yếu của một số đối thủ.

Sự trở lại bất ngờ của một CTCK có gốc gác quốc doanh như CTCK Agribank (AGR) trên HOSE và tên tuổi mới như CTCK Golden Bridge VN, CTCK VMS trong Top 10 thị phần môi giới trên HNX có lẽ cần thêm thời gian để nói về các thế lực mới hay các cuộc lật đổ ngoạn mục. Đơn giản, bảng xếp hạng mới nhất trên HNX vừa chứng kiến sự mất tích của HBS - hạng 3 trong quý II/2011. Trước đó, từ quý II/2011, HBS cũng rớt hạng 10 trên HOSE. Câu nói của một huấn luyện viên bóng đá nổi tiếng: "Phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là vĩnh cửu" không sai trong cuộc chiến cạnh tranh môi giới này.     

 

"KEVS vượt lên nhờ kinh nghiệm quản lý rủi ro"

Ông Kim Thiên Quang, Giám đốc môi giới CTCK KimEng (KEVS)

 

So với 3 tháng trước đây, thứ hạng của KEVS đã cải thiện rõ rệt. Sự thăng hạng này xuất phát từ việc mở rộng hệ thống chi nhánh và phát triển đội ngũ môi giới. Trong điều kiện thị trường đi xuống, nhiều CTCK khác thu hẹp hoạt động thì đây là lúc chúng tôi có cơ hội mở rộng mảng lưới và tuyển dụng đội ngũ nhân viên môi giới giỏi. Năm 2008, KEVS dù chỉ là một CTCK non trẻ nhưng đã tận dụng khá tốt cơ hội từ cuộc khủng hoảng. Với cơ hội mở ra lần này, KEVS kỳ vọng cũng tái lập được thành tích tương tự.

 

Kể từ khi thành lập, KEVS có lợi thế nhất định trong hoạt động môi giới do chúng tôi không tự doanh chứng khoán. Bên cạnh đó, KEVS được thừa hưởng kinh nghiệm quản lý từ tập đoàn mẹ nên quản lý rủi ro rất chặt.

 

Một câu chuyện khác khá nóng đang diễn ra là nghi án lừa đảo, vỡ nợ hàng nghìn tỷ đồng của các CTCK và một số môi giới OTC. Có lẽ khá ngẫu nhiên trong sự kiện này có nhắc tới CTCK K., khiến mấy hôm nay tôi trở thành một nhân vật rất được săn đón. Nguyên tắc quản lý rủi ro của KEVS là không bao giờ để xảy ra các sự cố lớn cho khách hàng và CTCK như vậy. Quản lý trực tiếp bộ phận môi giới nên tôi băn khoăn về các con số trong nghi án đang hâm nóng thị trường.

 

 

"Bảng xếp hạng thể hiện rõ hiệu quả chiến lược của các CTCK"
Ông Lê Công Thiện, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh môi giới khách hàng cá nhân CTCK TP. HCM (HSC)

 

Theo bảng xếp hạng thị phần môi giới vừa được công bố, HSC chiếm vị trí số 2 trên cả hai sàn. Kết quả này có được là do sự kết hợp đan xen hợp lý và cân bằng giữa mảng môi giới khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức.

 

Về mảng môi giới cá nhân, từ trước đến nay, HSC không chủ trương thu hút khách hàng bằng cách sử dụng đòn bẩy tỷ lệ cao. Chúng tôi luôn chú trọng đến việc quản trị rủi ro cho HSC và cho chính khách hàng của mình. Còn với mảng môi giới khách hàng tổ chức, do thời điểm ra đời của HSC vào năm 2003 nên khi ấy thực sự chúng tôi chưa có lợi thế thu hút các quỹ đầu tư gạo cội. Sau này, HSC tạo ra lợi thế cạnh tranh thì các định chế tài chính đầu tư vào Việt Nam trong tình trạng hết tiền mặt để giải ngân. Thời gian gần đây, tại HSC đã xuất hiện khá nhiều các gương mặt mới là các định chế tài chính chuyên nghiệp. Nhưng hiện nay họ mới mở tài khoản, chưa giao dịch chờ các chuyển biến tích cực hơn từ kinh tế vĩ mô.

 

Theo tôi, bảng thị phần môi giới vừa được công bố cho thấy khá rõ hiệu quả về chiến lược môi giới của các CTCK.