Thị phần môi giới: "chán" top 10

Thị phần môi giới: "chán" top 10

(ĐTCK) Không coi thu phí môi giới là nguồn thu chủ yếu của các CTCK, nhưng trong các năm gần đây, môi giới lại được coi là “cần câu cơm” quan trọng của các CTCK. Và khi cuộc chạy đua Top 10 thị phần môi giới đang ngày trở nên gay cấn, tất nhiên chỉ với CTCK, thì cơ quan quản lý đã bắt đầu tính đến chuyện… Top 5.

Bất ngờ với Top 10 thị phần môi giới

Kết thúc năm 2013, hai ấn tượng lớn về thay đổi thị phần môi giới là sự xuất hiện bất ngờ của những cái tên mới trong bảng xếp hạng và xu hướng ngày càng tập trung thị phần vào Top 10 CTCK.

Trên HOSE, hai cái tên mới có mặt trong danh sách Top 10 là CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) và CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS). Cả 3 quý đầu năm 2013, BSC và VCBS không có tên trong danh sách 10 CTCK thị phần lớn nhất. Thế nhưng, cuộc chạy đua ngoạn mục vào quý cuối, với việc lần lượt chiếm thị phần 3,31% và 3,46% giao dịch chứng khoán trên HOSE, cả 2 đã nắm được tương ứng 3,03%; 3% thị phần giao dịch cả năm, vươn lên có mặt trong Top 10 thị phần môi giới trên HOSE.

Tương tự, trên HNX, sự xuất hiện của CTCK Tân Việt (TVSI) trong danh sách 10 CTCK thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất gây bất ngờ cho công chúng đầu tư, vì đây là lần hiếm hoi, TVSI xuất hiện trong nhóm này, với vị trí số 9 trên bảng xếp hạng, chiếm 3,75% thị phần môi giới. Tuy nhiên, CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) và CTCK Maybank Kimeng Việt Nam (MBKE) dù không có trong danh sách Top 10 thị phần môi giới quý IV, vẫn tạm thời trụ vững trong Top 10 thị phần môi giới cổ phiếu trên HNX cả năm 2013.

Điểm đáng lưu ý thứ hai trong danh sách Top 10 thị phần môi giới năm nay, là xu hướng tập trung thị phần vào các CTCK ngày một nhiều hơn. Đặc biệt, CTCK Bản Việt gây bất ngờ khi lần đầu tiên ghi tên mình trong Top 3 thị phần lớn nhất tại HOSE.

10 CTCK thị phần môi giới lớn nhất trên HOSE chiếm 62,6% thị phần, trên HNX là 55,4%. Trong khi đó, con số này trong năm 2012 lần lượt là 57,53% và 51,65%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, miếng bánh thị phần cho các CTCK ở top dưới đang ngày một nhỏ lại.

Cạnh tranh khốc liệt và hướng tới Top 5

Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC), đơn vị dẫn đầu thị phần môi giới trên cả 2 sàn năm 2013 cho biết, trong năm vừa qua, mảng môi giới của HSC đã có những chuyển biến tích cực, trong đó có việc giúp khách hàng thực hiện các giao dịch thoả thuận lớn. “Có nhiều phiên, giao dịch qua HSC chiếm gần hết thị trường, đó là những ngày có giao dịch thoả thuận lớn đối với các cổ phiếu như VNM, FPT, VCF…”, ông Johan nói.

Việc sở hữu một lượng khách hàng khổng lồ là các quỹ đầu tư lớn, bên cạnh việc phát triển mạng lưới khách hàng, sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu của các NĐT tổ chức khi họ muốn thực hiện một giao dịch thoả thuận cụ thể…, giúp thị phần môi giới của HSC ở vị trí ổn định và cách biệt so với các CTCK còn lại. Trong khi đó, cuộc cạnh tranh thị phần ở các CTCK còn lại diễn ra khá gay gắt. Từ sẵn sàng chia 50% phí môi giới thu được; đến việc hỗ trợ vốn ngoài danh mục margin, thông tin đội lái…; và lôi kéo trực tiếp môi giới là cách mà nhiều CTCK đang làm để tăng thị phần.

Trao đổi với ĐTCK, nhiều tổng giám đốc các CTCK thuộc Top 15 thị phần môi giới chia sẻ, các CTCK sẵn sàng chia lại toàn bộ lợi nhuận từ mảng phí môi giới, vì trên thực tế, ngay cả các CTCK có thị phần môi giới lớn cũng không thể sống tốt bằng phí môi giới.

“Cái chúng tôi cần thu về và muốn gia tăng hơn nữa là thu phí margin để tận dụng nguồn tiền nhàn rỗi. Mà cái này chỉ có thông qua tăng môi giới mới có thể triển khai tốt được!”. Đó là phản ánh của một lãnh đạo CTCK, nhưng cũng là thông điệp chung mà ĐTCK ghi nhận được khi trao đổi với nhiều đơn vị khác.

Thế nhưng, ngay khi vật lộn vào top 10, 15 đã khó khăn, thì ý kiến từ phía cơ quan quản lý, ĐTCK lại ghi nhận một thông tin còn bất ngờ hơn nữa. Hướng tới Top 5 thị phần môi giới, chứ không phải Top 10!

“Ở Đài Loan, thậm chí các CTCK lớn cũng ngồi lại với nhau để tạo nên sức mạnh lớn hơn. Nói đến thị phần môi giới, người ta nhắc đến Top 5, chứ không còn Top 10 như ở Việt Nam nữa. Và tôi cho rằng, với xu hướng đang ngày một phân hóa như hiện nay, việc thị phần môi giới sẽ tập trung vào nhóm 5 CTCK lớn nhất hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý Kinh doanh, UBCK nói.

Như vậy, nếu những gì mà ông Sơn, trong cương vị người đang trực tiếp giám sát, quản lý các CTCK nói trên trở thành sự thật, thì cuộc chiến thị phần môi giới có thể sẽ còn khốc liệt hơn nữa, và dự báo, sẽ có thêm nhiều bất ngờ, cuộc chạy đua nước rút mới.   

Tin bài liên quan