Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Thị giá cổ phiếu “cuốn theo chiều gió”

(ĐTCK) Động thái M&A tại nhiều doanh nghiệp niêm yết gần đây đã có tác động lớn đến thị giá cổ phiếu, nhiều mã ghi nhận mức tăng 300% trong hơn nửa năm và được giới phân tích nhận định còn dư địa để tăng tiếp, song cũng có mã cổ phiếu đầu ngành được khuyến nghị bán ra.

NTL gây bất ngờ

Từ mức giá 9.000 đồng/cổ phần và duy trì dưới mệnh giá trong nhiều năm trước đó, vào tháng 10/2018, cổ phiếu NTL bắt đầu hành trình leo dốc.

Trên thị trường, giới đầu tư đồn đoán về sự xuất hiện của nhóm nhà đầu tư mới, tham gia gom cổ phần đến mức có thể chi phối được NTL, chẳng hạn ông Đinh Quang Chiến, thành viên HĐQT Công ty liên tục đăng ký mua vào; bà Nguyễn Thị Mai, một cổ đông lớn cũng gom mua khối lượng lớn. Cùng với đó là động thái mua vào của một số lãnh đạo khác tại Lideco.

Thị giá cổ phiếu èo uột từ lâu nên khi giá cổ phiếu bắt đầu nhích lên, nhiều nhà đầu tư cá nhân vui mừng, bán ra, việc gom cổ phần số lượng lớn của các “tay to” không quá khó.

Cho đến thời điểm chốt danh sách cổ đông tham gia đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, cơ cấu cổ đông của NTL đã trở nên cô đặc, 4 cổ đông lớn đồng thời là lãnh đạo doanh nghiệp đã nắm giữ hơn 80% cổ phần.

Thị giá cổ phiếu NTL không tăng vọt nhưng cứ từ từ leo dốc và hiện vượt lên trên 25.000 đồng/cổ phần, tức là gấp 2,5 lần so với trước khi có động thái M&A của nhà đầu tư lớn.

Nhưng sự chuyển động của giá cổ phiếu không phải chỉ ở sự thay đổi về cơ cấu cổ đông, mà một phần đến từ những thay đổi trong nội tại doanh nghiệp.

Năm 2019, Lideco đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 810 và 295 tỷ đồng, tăng 13,4% và 132% so với thực hiện năm 2018. Kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận được cho là tham vọng trên lại có cơ sở chắc chắn bởi theo lãnh đạo Công ty, kế hoạch lợi nhuận 2019 đã được Hội đồng quản trị Công ty xây dựng chi tiết và khả thi dựa trên cơ sở kinh doanh bán hàng dự án Khu đô thị Bắc 32 và bán nốt các căn hộ còn lại tại Dự án Lideco Hạ Long.

Theo kế hoạch năm 2019, Lideco sẽ bán 1,7 ha nhà ở thuộc Dự án Bắc 32. Cho đến thời điểm này, Công ty đã bán được 9.956,7 m2, giá bán đợt đầu là 25 triệu đồng/m2 đất, nay đã tăng lên 27 triệu đồng/m2. Quan trọng hơn là ban lãnh đạo đã có những động thái rốt ráo để thay đổi diện mạo, đem đến nhiều tiện ích cho cư dân đến sinh sống tại khu đô thị.

Với hơn 40.000 m2 còn lại, nếu Lideco thay đổi tốt hạ tầng và tiện ích dự án, nâng được giá bán lên 35 triệu đồng/m2 đất, khoản mục hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng tồn tại lâu nay trên báo cáo tài chính của Công ty sẽ trở lên “lợi hại”.

Với dự án Khu đô thị Bãi Muối tại các phường Cao Thắng, Hà Khánh và Hà Lầm, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh có quy mô 23 ha, Công ty đã nộp xong tiền sử dụng đất, phấn đấu đầu tư hạ tầng xong vào cuối năm 2020.

Tại dự án Khu đô thị mới Dịch Vọng, Lideco còn một lô đất có diện tích hơn 5.000 m2 được quy hoạch xây chung cư cao tầng, cũng đã hoàn thành nghĩa vụ tiền sử dụng đất, song còn vướng mắc giải phóng mặt bằng. Nếu chuyển nhượng ngay dự án này, với mức giá hiện tại, Công ty đã có thể thu về ít nhất 400 tỷ đồng tiền lãi.

Báo cáo tài chính quý I của Lideco cho thấy, Công ty lãi ròng hơn 36 tỷ đồng, tăng 264% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ ghi nhận doanh thu tăng mạnh. Song đáng chú ý hơn là khoản mục nợ của Công ty hầu như đã được giải phóng.

Một doanh nghiệp có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, tài sản có giá trị, có tính thanh khoản lớn, nợ gần như bằng 0, tỷ lệ cổ tức trả bằng tiền mặt duy trì 15%/năm, bởi vậy thị giá cổ phiếu tăng, theo đánh giá của giới phân tích, là có cơ sở. Đến đây mới thấy con mắt tinh đời của những nhà đầu tư lớn đã gom vào cổ phiếu NTL ở mức giá thấp.

Khi có nhóm nhà đầu tư am hiểu về tài chính cầm trịch tại Lideco, dòng tiền được quản trị chặt chẽ, thích ứng với những thay đổi và với cách làm chuyên nghiệp trên thị trường bất động sản, Lideco lại thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư chuyên nghiệp và cả tự doanh của các công ty chứng khoán với những đánh giá tương đối lạc quan. Do đó, vào những phiên thị trường giảm mạnh thời gian qua, cổ phiếu này vẫn lững thững đi lên một cách khá chắc chắn. 

Thị giá DHG ăn theo “cá mập”

Tuần trước, Taisho (Nhật Bản), cổ đông lớn nhất tại Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) tiếp tục tung ra thông báo mua vào cổ phiếu DHG. Năm ngoái, khi Taisho công bố chào mua công khai hơn 9 triệu cổ phiếu DHG với giá cao hơn 20% thị giá cổ phiếu trên sàn, lập tức các quỹ nắm giữ cổ phiếu DHG lâu nay đồng loạt đăng ký bán với khối lượng lên tới gần 20 triệu cổ phiếu.

Taisho không khó khăn để nâng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối tại DHG song động thái liên tục mua vào của Taisho cũng là yếu tố “neo” giá cổ phiếu DHG ở mức cao, dao động trong khoảng 110.000 - 120.000 đồng/cổ phiếu, bất chấp thị trường và VN-Index trồi sụt.

Ngành dược đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong khi các định giá cơ bản cho thấy cổ phiếu DHG đang được giao dịch ở mức khá cao.

Sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) xác định giá cổ phiếu DHG là 76.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 36% so với mức giá hiện tại. FPTS ước tính doanh thu trong năm 2019 của DHG đạt khoảng 3.989 tỷ đồng, tăng 3%, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ước đạt 713 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2018, tương ứng với mức thu nhập trên mỗi cổ phần là 4.900 đồng.

Dù là doanh nghiệp đầu ngành, song triển vọng của DHG rất thách thức khi phụ thuộc lớn vào mảng thuốc kháng sinh, trong khi Chính phủ đang tăng cường kiểm soát bán thuốc kháng sinh không toa trên kênh OTC. Đồng thời, kênh OTC đang chịu sự cạnh tranh gay gắt về giá và phân khúc sản phẩm với các doanh nghiệp nội địa.

Triển vọng kênh OTC cũng không mấy tích cực khi với bảo hiểm y tế toàn dân, người dân đi khám bệnh nhiều hơn, giúp bỏ thói quen tự mua thuốc điều trị, dẫn đến việc chi tiêu thuốc qua kênh ETC tăng; nhận thức tốt hơn của cộng đồng về tình trạng kháng thuốc kháng sinh và hệ thống y tế được nâng cấp.

Dây chuyền đạt tiêu chuẩn PIC/S Malaysia của DHG ở nhà máy Tân Phú Thạnh sẽ không có lợi thế đấu thầu thuốc giảm đau hạ sốt vào phân khúc cấp cao (Nhóm 2) khi dự thảo đầu thầu 11/2018/TT-BYT được thông qua.

Dẫu vậy, toan tính thâu tóm DHG của Taisho được nhận định sẽ giúp giữ giá DHG. Taisho bắt đầu trở thành cổ đông chiến lược của DHG từ năm 2016 với tỷ lệ sở hữu 24,9%. Trong năm 2018, Taisho đã tăng lên tỷ lệ 34,3%. Năm 2019, Taisho tiếp tục nâng dần tỷ lệ sở hữu lên 57%. Ngoài Taisho, SCIC hiện sở hữu 43,3% tại DHG. Theo kế hoạch, trong vòng 2 - 3 năm tới, Nhà nước sẽ thoái hết vốn khỏi DHG.

Taisho chỉ mua vào chứ không bán ra, SCIC chắc chắn phải tính bài toán thoái vốn có hiệu quả nhất và cũng khó có thể bán thấp hơn giá các quỹ đầu tư tài chính đã thoái thành công với DHG. Tỷ lệ cổ phiếu lưu hành của DHG còn rất thấp, vì vậy cổ phiếu DHG neo giá cao cũng dễ hiểu.

Tuy vậy, giá cổ phiếu có tiếp tục được đẩy lên nữa hay không trong bối cảnh thị trường và triển vọng ngành khó khăn là điều các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ cổ phiếu cần cân nhắc. Trong trường hợp này, FPTS đưa ra khuyến nghị bán với cổ phiếu DHG.

Yếu tố làm một công ty trở thành mục tiêu M&A hấp dẫn, theo nhận xét của ông Lê Thanh Tuấn, Trưởng Ban Đầu tư 4 (SCIC), là những doanh nghiệp có lợi thế sản xuất; lợi thế đầu tư kinh doanh nhưng tiềm năng dưới ngưỡng trung bình; công ty đại chúng vay nợ ít và có khả năng tái cơ cấu tài chính, doanh nghiệp đầu ngành có thể mua gom cổ phiếu chi phối…

Đây chính là những điều kiện nhà đầu tư nên lưu tâm vì thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này sẽ còn tiếp tục biến động “theo chiều gió”.

Tin bài liên quan