Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Theo dõi sát dòng chảy vốn FII

(ĐTCK) “Bộ Tài chính với vai trò đầu mối tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình thị trường chứng khoán, các dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp qua thị trường chứng khoán (FII), kiểm soát rủi ro chảy vốn, rủi ro tâm lý lan truyền…”. 

Ðây là chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thị trường chứng khoán, khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019 vừa diễn ra.

Chỉ đạo trên được đưa ra trong bối cảnh bên cạnh các yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường chứng khoán đã xuất hiện không ít tín hiệu tác động bất lợi lên hoạt động của thị trường nói chung, thu hút dòng vốn FII nói riêng.

Theo đó, trên phương hiện kinh tế vĩ mô, Chính phủ chỉ rõ nhiều yếu tố gây khó khăn cho tăng trưởng kinh tế như: chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 10 tháng đầu năm tăng 9,5%, thấp hơn mức tăng 10,3% cùng kỳ năm 2018; kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước tăng 7,4%, thấp hơn mức tăng 21,8% của 10 tháng năm 2017 và 15,3% của 10 tháng năm 2018; tỷ lệ thực hiện và tốc độ tăng giải ngân vốn đầu tư công ở mức thấp nhất trong giai đoạn 2015-2019 (vốn Trung ương giảm 19,3% so với cùng kỳ); tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước...

Ðặc biệt, Chính phủ đánh giá cải cách môi trường kinh doanh còn chậm. Ngân hàng Thế giới trong Báo cáo về môi trường kinh doanh (Doing Business) vừa công bố đã nêu, tuy môi trường kinh doanh của Việt Nam năm nay tăng 1,2 điểm, nhưng xếp hạng giảm 1 bậc (từ vị trí 69 xuống 70/190 nền kinh tế được khảo sát).

Một trong những hệ quả của tình trạng này là số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 10 tháng năm nay là 26.300 doanh nghiệp, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước; trong 10 tháng còn có 34.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2018…

Về TTCK Việt Nam, năm nay, hy vọng nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi đã không thành hiện thực, vì đã qua kỳ rà soát xem xét nâng hạng của các tổ chức xếp hạng.

Cơ hội nâng hạng theo đánh giá của tổ chức FTSE phải chờ sang năm 2020, còn theo đánh giá của MSCI thì phải chờ đến năm 2021.

Dòng vốn ngoại trên TTCK nhìn chung có diễn biến không mấy tích cực. Theo Công ty Chứng khoán BIDV, trong tháng 10/2019, cùng với thanh khoản bình quân trên cả 2 sàn giảm 1,98% so với tháng 9/2019 khi đạt 4.294 tỷ đồng/phiên, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX với giá trị lần lượt là 1.661 tỷ đồng và 28,4 tỷ đồng.

Xu hướng dòng chảy vốn FII đang rất khó đoán định, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý chung của nhà đầu tư đại chúng. VN-Index dù vượt qua mốc 1.000 điểm, nhưng một số công ty chứng khoán vẫn dự báo khả năng chỉ số này sẽ về dưới mốc 980 điểm vào cuối năm.

Trong khi tự thân thị trường không có điểm đột phá thì điểm tựa cho kỳ vọng tích cực của TTCK Việt Nam là những chuyển động, kết quả cụ thể của việc triển khai các giải pháp mà Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành.

Cụ thể, đó là việc sớm nghiên cứu xây dựng phương án kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, xuất khẩu; đánh giá kỹ nguyên nhân các chỉ số tụt hạng, xếp hạng thấp và đề xuất các giải pháp tạo đột phá về nâng hạng môi trường kinh doanh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/11 tới…

Nếu nền kinh tế có những giải pháp mới để tăng trưởng và cải thiện môi trường kinh doanh sẽ tạo niềm tin và dư địa mới cho thị trường chứng khoán tăng sức hấp dẫn các dòng vốn.

Tin bài liên quan