Ảnh shutterstock

Ảnh shutterstock

Thêm 3 loại phí giao dịch phái sinh: Mách nước cách nộp tiết kiệm

(ĐTCK) Từ ngày 15/2/2019, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) bắt đầu thu phí dịch vụ đối với giao dịch chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư.

Thêm 3 loại phí

Những ngày qua, các công ty chứng khoán thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh đồng loạt gửi tin nhắn, email, thậm chí gọi điện thoại tới nhà đầu tư thông báo về việc HNX và VSD bắt đầu thu phí dịch vụ đối với giao dịch chứng khoán phái sinh từ ngày 15/2/2019.

Theo đó, khi giao dịch chứng khoán phái sinh, khách hàng cần bổ sung phí trả cho HNX và VSD, theo Thông tư số 127/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và VSD.

Cụ thể, phí giao dịch chứng khoán phái sinh nộp cho HNX là 3.000 đồng/hợp đồng tương lai chỉ số (mức phí là 5.000 đồng đối với hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, hiện sản phẩm này chưa ra mắt). Còn phí quản lý vị thế và phí quản lý tài sản ký quỹ do VSD thu. Trong đó, mức phí quản lý vị thế là 3.000 đồng/hợp đồng/tài khoản/ngày (tính cả ngày nghỉ).

Mức phí quản lý tài sản ký quỹ là 0,003% giá trị lũy kế số dư tài sản ký quỹ (tiền + giá trị chứng khoán tính theo mệnh giá)/tài khoản/tháng, tối đa là 2 triệu đồng/tài khoản/tháng, tối thiểu là 400.000 đồng/tài khoản/tháng (nộp vào ngày làm việc cuối cùng của tháng).

Trước đó, nhà đầu tư giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số chỉ phải nộp phí giao dịch cho công ty chứng khoán (mức phí do từng công ty quy định, có công ty đang miễn phí, có công ty thu 3.000 đồng/hợp đồng, có công ty thu cao hơn) và nộp thuế thu nhập cá nhân 0,1% theo giá chuyển nhượng từng lần (tính trên giá trị ký quỹ, mức thuế hiện tại là gần 6.000 đồng/hợp đồng). Ngoài ra, khi nộp/rút tiền ký quỹ, nhà đầu tư phải nộp phí cho công ty chứng khoán, có công ty đang miễn phí, nhưng có công ty thu 5.500 đồng/lần.

Thống kê giao dịch chứng khoán phái sinh những tháng gần đây cho thấy, trong quý IV/2018, bình quân có 2,643 triệu hợp đồng/tháng, 123.900 hợp đồng/phiên được chuyển nhượng; trong tháng 1/2019 có gần 2,9 triệu hợp đồng được chuyển nhượng, tương đương hơn 130.700 hợp đồng/phiên. Khối lượng hợp đồng mở (OI) trong tháng 1/2019, tức số hợp đồng chưa được tất toán, tương đương số lượng vị thế mở bình quân cuối mỗi phiên là 22.350 hợp đồng.

Cuối năm 2018, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh là gần 57.700 tài khoản (gấp gần 3,4 lần so với cuối năm 2017); cuối tháng 1/2019 có 61.101 tài khoản (số tài khoản có giao dịch thường xuyên có thể thấp hơn).

Cách nộp phí quản lý tài sản ký quỹ ở mức thấp

Nhiều nhà đầu tư chứng khoán phái sinh cho rằng, thuế và phí giao dịch đối với họ là quá cao so với các nước. Chẳng hạn, Hàn Quốc mở cửa thị trường phái sinh từ năm 1996, miễn thuế giao dịch cho tới năm 2016, sau đó mức thu chỉ là 0,001% trên giá trị giao dịch. Hay tại Thái Lan, thuế giao dịch được miễn đối với nhà đầu tư cá nhân, riêng nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chỉ bị đánh thuế trên thặng dư vốn. Thị trường Đài Loan áp dụng thuế giao dịch, nhưng liên tục giảm dần, hiện mức thuế chỉ còn 0,002%.

“Các mức phí và thuế đối với giao dịch chứng khoán phái sinh tại Việt Nam trước ngày 15/2/2019 tuy cao so với các nước, nhưng tôi cũng như nhiều nhà đầu tư khác vẫn chấp nhận, dù kết quả đầu tư đến nay đa phần là thua lỗ. Nay áp dụng thêm 3 mức phí mới, tôi cho rằng, nhiều nhà đầu tư sẽ nản khi tham gia thị trường phái sinh”, một nhà đầu tư nói.

Nhà đầu tư này chia sẻ, nhân viên tại công ty chứng khoán “mách nước” cách nộp phí quản lý tài sản ký quỹ ở mức thấp nhất là cuối mỗi phiên giao dịch cần thực hiện rút hết tiền ký quỹ trên VSD về, sáng hôm sau lại nộp vào để tiến hành giao dịch.

“Mặc dù khá phiền phức và mất thêm phí nộp/rút tiền ký quỹ hàng ngày, nhưng nhà đầu tư sẽ tiết kiệm được mức phí quản lý tài sản ký quỹ phải nộp. Nếu không làm theo cách này, hầu như nhà đầu tư nào cũng sẽ phải nộp mức 2 triệu đồng/tháng”, nhà đầu tư nhận xét.         

Trong tháng 1/2019, nếu nhà đầu tư duy trì vị thế mở mỗi phiên là 2 hợp đồng, giá trị ký quỹ bắt buộc khoảng 26 triệu đồng (gồm 13% giá trị ký quỹ tại VSD và khoảng 5% tại công ty chứng khoán), thì giá trị tài sản ký quỹ lũy kế đến thời điểm cuối tháng là 780 triệu đồng (26 x 30).

Theo công thức tính phí quản lý tài sản ký quỹ thì nhà đầu tư phải nộp 23.400 đồng/tháng (780 triệu đồng x 0,003%). Tuy nhiên, Thông tư số 127/2018/TT-BTC quy định, mức phí phải nộp tối thiểu là 400.000 đồng/tháng, tương đương với việc nhà đầu tư duy trì khối lượng hợp đồng mở mỗi phiên là 34 hợp đồng.

Tin bài liên quan