Thanh khoản 10.000 tỷ đồng đến từ đâu?

Thanh khoản 10.000 tỷ đồng đến từ đâu?

(ĐTCK) Phiên 10/1, thanh khoản thị trường tiếp tục lập kỷ lục mới khi tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn đạt hơn 10.437 tỷ đồng. Một câu hỏi đặt ra là dòng tiền lớn này đến từ đâu?

Dòng tiền nội khối giữ vai trò chủ đạo

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank KimEng 

2 phiên giao dịch vừa qua ghi nhận thanh khoản tăng mạnh, với giá trị giao dịch đã tiến gần mức 10.000 tỷ đồng. Đây là diễn biến đã được dự đoán trước và thực tế, xu hướng này đã bắt đầu phản ánh từ cuối năm ngoái, tiếp nối trong những ngày đầu năm nay.

Trong bối cảnh thị trường đã vượt mốc 1.000 điểm, áp sát mức 1.050 điểm, giá trị giao dịch chắc chắn phải tăng mới có thể đẩy giá lên. Trong thời gian tới, để thị trường vượt mốc 1.100 điểm, thanh khoản sẽ có thể vượt mức 10.000 tỷ đồng, điều này thuận theo nguyên tắc “nước lên, thuyền lên”. Nếu thiếu đi dòng tiền, thị trường khó có cơ sở để theo hướng leo dốc, dễ dẫn đến hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” như thời điểm nửa cuối năm ngoái.

Dù vốn khối ngoại có tăng mạnh thời gian gần đây, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khá nhỏ. Trong dòng tiền vào thị trường, khối nội giữ vai trò chủ đạo. Tuy vậy, động thái của khối ngoại đã hỗ trợ tích cực về mặt tâm lý cho các nhà đầu tư và dòng tiền trong nước.

Dòng vốn khối ngoại vẫn sẽ duy trì xu hướng tăng ít nhất từ nay đến quý II/2018. Theo đó, mới đây, Quỹ VanEck Vector Vietnam ETF vừa huy động được một lượng vốn khá lớn, hơn 5,8 triệu USD từ ngày 20 - 24/11/2017, đánh dấu đợt hút vốn mạnh nhất trong vòng 1 năm qua.

Thanh khoản tăng nhờ 3 dòng tiền kết hợp 

Ông Nguyễn Phi Hùng, Phụ trách bộ phận Phân tích, CTCK IB 

Trong những ngày đầu năm 2018, chỉ số VN-Index đã đạt được mốc 1.000 điểm. Đây là mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, với sự hỗ trợ của dòng tiền đến từ khối ngoại, dòng tiền của các nhà đầu tư mới tham gia thị trường, cộng thêm sự hỗ trợ của dòng tiền margin từ các công ty chứng khoán.

Thanh khoản ở mức cao kỷ lục sau một thời gian thị trường tăng mạnh là một dấu hiệu cảnh báo, đặc biệt là khi các thông tin tốt về kết quả kinh doanh đã và đang phản ánh vào sự tăng giá của các cổ phiếu.

Tuy nhiên có thể thị trường sẽ chưa điều chỉnh ngay mà diễn ra sự phân hóa do nhịp tăng mạnh vừa rồi tập trung ở các mã bluechip, trong khi các mã midcap vẫn chưa tăng nhiều.

Do vậy, rất có thể trong thời gian tới, thị trường sẽ có sự phân hóa theo hướng dòng tiền dịch chuyển từ các mã bluechip sang các mã midcap có kết quả kinh doanh 2017 tốt nhưng chưa tăng giá quá nhiều.

Nhiều nhà đầu tư "treo" tài khoản đã giao dịch trở lại

Thanh khoản 10.000 tỷ đồng đến từ đâu? ảnh 3

 Ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc CTCK An Phát

Thanh khoản thị trường đang tăng cao, nhưng chưa có tín hiệu tăng nóng dẫn đến những rủi ro đáng ngại, bởi dòng tiền margin đang được các công ty chứng khoán quản lý chặt, đồng thời độ rộng của thị trường đã được cải thiện. Bên cung luôn trong trạng thái hấp thụ tốt lượng tiền lớn đổ vào thị trường.

Cùng với những sản phẩm mới đã và sắp được đưa vào giao dịch, lượng hàng hóa, trong đó có những mặt hàng chất lượng, đang chuẩn bị được tung ra thị trường nhờ cơ quan quản lý thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, nhà nước thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp đang niêm yết.

Mặt khác, sự cải thiện thanh khoản của thị trường còn có sự tham gia khá tích cực của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Ở trong nước, có một tín hiệu đáng chú ý là xuất hiện những nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Thêm vào đó, nhiều nhà đầu tư “treo” tài khoản vài tháng qua nay đã giao dịch trở lại.

Sự hứng phấn của thị trường thường theo quán tính quá đà, nên để giảm thiểu những rủi ro có thể phát sinh từ thanh khoản tăng mạnh, cơ quan quản lý cần tăng cường các hoạt động giám sát, để kịp thời chấn chỉnh những biểu hiệu không lành mạnh, qua đó giúp thị trường phát triển bền vững.

Vốn margin đã dư dả hơn nhiều so với 2017

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng phân tích CTCK Bản Việt 

Bắt đầu năm tài chính mới, tình trạng nguồn vốn margin đã dư dả hơn nhiều so với năm 2017, qua đó hỗ trợ tích cực cho dòng tiền thị trường. Tâm lý nhà đầu tư lạc quan với mức tăng ấn tượng của chỉ số VN-Index trong năm 2017, triển vọng chinh phục mốc điểm lịch sử tại 1.179,31 điểm, cũng như kỳ vọng sinh lời cao trong ngắn hạn đã thu hút dòng tiền mới, nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

Mặc dù vậy, lực cung thị trường cũng gia tăng theo sức nóng của điểm số, nhất là trong bối cảnh chỉ số VN-Index đang ngày càng tiến gần hơn với vùng nhạy cảm. Sự giằng co mạnh giữa cung và cầu đã tạo nên 2 phiên giao dịch có thanh khoản rất lớn trong ngày 9/1 và 10/1 vừa qua.

Theo đó, dòng tiền vào thị trường được hình thành từ 3 yếu tố bao gồm dòng tiền của khối ngoại khi họ liên tiếp mua ròng trên HOSE và các quỹ ETF ngoại cũng liên tục gọi thêm được vốn mới; dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước, bao gồm các nhà đầu tư đã gắn bó với thị trường và một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư mới; và dòng vốn margin được cung cấp bởi các công ty chứng khoán.

Từ năm 2016 đến nay, công tác tạo hàng cho thị trường chứng khoán được thực hiện rất khẩn trương, đẩy quy mô vốn hóa của thị trường tăng trưởng rất mạnh. Điều này đã thay đổi góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam, cũng như kỳ vọng về khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.

Các đợt IPO nhiều doanh nghiệp lớn, thoái vốn Nhà nước hay mở thêm room cho khối ngoại đã giúp họ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn và giải ngân vào các hàng hóa có chất lượng. Chính vì thế, tôi cho rằng, năm 2018 sẽ tiếp tục là một năm bùng nổ về thu hút vốn ngoại qua kênh đầu tư chứng khoán.

Yếu tố cung – cầu lớn của thị trường được thỏa mãn

Thanh khoản 10.000 tỷ đồng đến từ đâu? ảnh 5

 Ông Đỗ Bảo Ngọc, Chuyên gia chiến lược thị trường CTCK MB (MBS)

Thanh khoản thị trường tăng khá trong 2 phiên gần đây nhờ yếu tố cung – cầu lớn của thị trường được thỏa mãn.

Xét về yếu tố sức cầu, với triển vọng lạc quan, thị trường chứng khoán Việt Nam ngay từ đầu năm 2018 đã đón nhận dòng tiền lớn đổ vào, khối ngoại mua ròng liên tiếp, dòng tiền nội cũng mạnh mẽ trở lại thị trường và tập trung ở nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn, bluechip VN30. Chưa kể, một tuần trở lại đây, dòng tiền đã có sự lan tỏa sang các cổ phiếu vốn hóa vừa, giúp nhiều mã tăng giá tốt.

Về yếu tố lượng cung, sau khoảng 4 tuần tăng điểm mạnh gần đây, các chỉ số đã liên tiếp phá ngưỡng kháng cự ngắn hạn để tiến lên vùng đỉnh cao mới. Cổ phiếu thuộc các nhóm ngành ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, bất động sản đã tăng từ 15-25%, chính yếu tố này đã kích thích hoạt động chốt lời diễn ra. Bên cạnh đó, áp lực cung gia tăng trong 2 phiên gần đây khiến nhiều cổ phiếu thuộc các nhóm trên chững lại đà tăng và ghi nhận thanh khoản cao.

Theo tôi, sự gia tăng của áp lực cung trong ngắn hạn, trong bối cảnh xu thế thị trường tích cực với sức cầu lớn, đã giúp cung - cầu được thỏa mãn, đẩy thanh khoản chung tăng mạnh 2 phiên gần đây, đạt mức quanh 10.000 tỷ đồng/phiên.

Việc thị trường ghi nhận mức thanh khoản cao khi mặt bằng giá cổ phiếu các nhóm dẫn dắt đã tăng cao là tín hiệu cho thấy, áp lực cung đang gia tăng trong ngắn hạn. Trong các phiên tới, nếu áp lực cung tiếp tục tăng lên thì nhiều khả năng các phiên thanh khoản cao sẽ được ghi nhận và chỉ số thị trường có thể điều chỉnh trở lại khi tương quan cung cầu nghiêng về bên bán.

Các chỉ số điều chỉnh sau giai đoạn tăng nóng là rất bình thường và sự điều chỉnh này nếu có, theo tôi là nhịp nghỉ trong một xu thế tăng trưởng trung và dài hạn.

Thanh khoản thị trường sẽ còn gia tăng nhờ nhà đầu tư mới rót vốn

Thanh khoản 10.000 tỷ đồng đến từ đâu? ảnh 6

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Môi giới CTCK KIS Việt Nam, chi nhánh TP. HCM 

Phiên 10/1, thanh khoản tiếp tục lập kỷ lục mới khi tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn đạt hơn 10.437 tỷ đồng, với giá trị giao dịch thỏa thuận chỉ chiếm khoảng 10%. Việc thanh khoản gia tăng trong năm 2018 là điều được dự báo trước, do sự tham gia tích cực của cả nhà đầu tư trong và nước ngoài. Với nhà đầu tư trong nước, thị trường sôi động khiến các nhà đầu tư cũ rót thêm tiền, những nhà đầu tư mới cũng bị hấp dẫn theo.

Bên cạnh đó, ở những phiên thị trường có thanh khoản tăng mạnh, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng lớn, chủ yếu đổ tiền vào những cổ phiếu vốn hóa lớn như HDB, VNM, STB… Tôi cho rằng, thanh khoản thị trường vẫn gia tăng tốt năm 2018, trong đó sẽ có những phiên thanh khoản tăng mạnh như vài phiên vừa qua.

Tuy nhiên, theo tôi, chỉ trong tuần này, thị trường sẽ có thể điều chỉnh nhanh vì cả điểm số và mặt bằng giá cổ phiếu đã tăng lên khá cao. Sự điều chỉnh lúc này là cần thiết, cũng là để giảm bớt một chút dòng tiền margin. Sau đó, sự sôi động sẽ nhanh chóng quay lại trong tuần sau, khi các nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong việc đón đầu báo cáo năm của các doanh nghiệp. Về phân tích kỹ thuật, các dấu hiệu thu gom cũng sẽ rõ nét hơn trong tuần sau.

Tin bài liên quan