Tháng 7, tận dụng nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu

Tháng 7, tận dụng nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu

(ĐTCK) VN-Index và nhiều cổ phiếu đã điều chỉnh sau 3 tháng tăng mạnh, nhưng chứng khoán được nhìn nhận vẫn là kênh được dòng tiền ưu ái trong tháng 7 này.

Chọn kênh nào?

Từ hai phiên cuối tuần trước, TTCK đã có dấu hiệu chùng xuống, cùng với thanh khoản cũng giảm trước tâm lý cẩn trọng của nhà đầu tư khi làn sóng Covid-19 đợt hai đang gia tăng tại một số nước như Mỹ, Ðức, Trung Quốc…

Tuần vừa qua, thị trường giảm 1,91%, qua đó ghi nhận tuần sụt giảm thứ hai trong 3 tuần gần đây. Bước vào phiên đầu tuần (29/6), tâm lý lo ngại tiếp tục bao trùm khiến chỉ số VN-Index điều chỉnh giảm sâu gần 23 điểm, chốt phiên ở mức 829,36 điểm.

Tâm lý nhà đầu tư nhìn chung vẫn còn thận trọng với xu hướng hiện tại và dòng tiền chưa sẵn sàng hoàn toàn quay trở lại thị trường, dù rằng dòng tiền đầu cơ vẫn tìm đến cổ phiếu vốn hóa trung bình (midcaps) và vốn hóa nhỏ (smallcaps).

Về xu hướng, dòng tiền đang có sự sụt giảm đáng kể khi thanh khoản không thể bứt lên. Theo thống kê của MBS, giá trị khớp lệnh tuần vừa qua (22 - 26/6) đạt 4.136 tỷ đồng/phiên, giảm 5,4% so với tuần trước đó.

Tuy nhiên, tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 4.923 tỷ đồng/phiên, tương đương giảm 42,3%. Về cơ cấu dòng tiền, “sức nóng” đầu tư công tiếp tục giúp nhóm cổ phiếu xây dựng và vật liệu xây dựng vươn lên dẫn đầu với tỷ trọng chiếm 25,8% toàn thị trường, tiếp theo là nhóm ngân hàng với 17,7%, nhóm chứng khoán chiếm 7,7% và bất động sản chiếm 7,3%...

Trên một số diễn đàn, một số nhà đầu tư bi quan đưa ra nhận định “bữa tiệc chứng khoán sắp tàn”. Thực tế thì không có bữa tiệc nào có thể kéo dài mãi, nhưng hết cơ hội này thì sẽ mở ra cơ hội mới, huống gì TTCK vận động theo từng giây.

Tuy nhiên, cũng có thể trong thời gian vừa qua, khi thị trường liên tục tăng điểm với câu nói truyền tai “đầu tư chứng khoán đang là kênh hấp dẫn nhất” khiến rất nhiều nhà đầu tư mới tham gia và nhóm này chưa trải qua nhiều… cảm giác mất mát.

Ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc Dịch vụ tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản, Công ty Chứng khoán (CTCK) VNDIRECT cho rằng, đa phần nhà đầu tư chưa ý thức rõ về sức khỏe tài chính của bản thân và chưa có kinh nghiệm về đầu tư cổ phiếu nên có thể phải trả giá.

“Chúng tôi lấy ví dụ, có khách hàng tin rằng, đầu tư cổ phiếu dễ dàng sinh lời 20% đến 30% trong thời gian ngắn. Hầu hết khách hàng lấy đó làm mục tiêu theo đuổi mà quên mất nhiệm vụ quan trọng hơn là phải bảo vệ vốn cho các mục tiêu dài hạn hơn”, ông Quang nói và chia sẻ, ở thời gian này, thay vì chỉ đầu tư cổ phiếu, khách hàng nên chọn cách tiếp cận tích lũy tài sản, đồng thời trang bị kiến thức quản lý tài chính cá nhân để có thể an tâm đầu tư, tránh được rủi ro mất vốn do tính bất định của thị trường cổ phiếu.

Anh Trần Văn Dương, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, khả năng dòng tiền chuyển từ chứng khoán sang kênh đầu tư khác lúc này là không lớn, bởi hầu hết các kênh đầu tư khác ở thời điểm hiện nay đều tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thực tế, mỗi lần trải qua khủng hoảng, kênh đầu tư vàng trở thành số một vì độ an toàn, nhưng cũng vì giá vàng đã tăng quá mạnh và bắt đầu chững lại nên hầu hết người dân giữ vàng để phòng vệ hơn là đầu tư.

Trong khi đó, ngoại tệ hay tiền ảo hiện vẫn nằm trong diện bị kiểm soát, hoặc không khuyến khích nên về cơ bản sẽ gặp rủi ro về chính sách. Còn riêng bất động sản là một kênh đầu tư chuyên biệt khi cần một lượng vốn lớn.

Thế nên, hầu hết nhà đầu tư cho rằng, chứng khoán vẫn là kênh hấp dẫn khi có vốn bao nhiêu thì đầu tư bấy nhiêu, thiếu thì đã được các CTCK hỗ trợ giao dịch ký quỹ (margin) trong ngưỡng cho phép.

Chưa kể, chứng khoán là thị trường trọng tâm được Chính phủ ưu tiên phát triển trong dài hạn, vì vậy, trong thời gian tới sẽ đón nhận thêm nhiều sản phẩm cho nhà đầu tư, bên cạnh nhiều nguồn cung mới từ các doanh nghiệp niêm yết mới và thoái vốn nhà nước.

Nói về các kênh đầu tư ở thời điểm hiện tại, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Dầu khí (PSI) cho rằng, thị trường bất động sản đang chững lại sau giai đoạn tăng trưởng tốt 2016-2019 và khó có thể là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2020.

Nhu cầu nhà ở thì vẫn hiện hữu, đầu tư đất nền có thể hấp dẫn tại mội số khu vực Hà Nội cũng như TP.HCM và một số địa phương như Thanh Hóa, Nha Trang, Đà Nẵng…, nhưng không dễ sớm tạo ra cơ hội tốt khi thanh khoản không cao. Đại dịch Covid-19 đã và đang đe dọa mọi ngành nghề cũng như khiến các doanh nghiệp bất động sản khó khăn hơn. Điều này khiến giá nhà ở, giá bất động sản có xu hướng giảm.

Mặc khác, kênh đầu tư vàng có thể là điểm sáng trong năm 2020 khi mà nhiều nhà đầu tư mong muốn tìm đến kênh đầu tư phòng thủ và an toàn.

Nhưng dù thế nào đi nữa, theo số liệu thống kê trong nhiều giai đoạn thăng trầm của thị trường thì kênh đầu tư chứng khoán vẫn có hiệu suất sinh lời cao hơn.

Theo ông Khánh, dẫu thị trường đang gặp những khó khăn, bất lợi trong ngắn hạn nhưng không thể phủ nhận lợi thế vượt trội của kênh đầu tư chứng khoán so với các kênh đầu tư khác, cho dù câu chuyện chọn cổ phiếu, trái phiếu nào với thời gian nắm giữ ra sao vẫn còn nhiều tranh cãi.

Sự phù hợp của kênh chứng khoán không chỉ đối với các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức chuyên nghiệp mà phù hợp với các nhà đầu tư F0 (nhà đầu tư mới), các nhà đầu tư nhỏ lẻ quy mô vốn nhỏ.

Chứng khoán giảm, cơ hội đầu tư

Những chuyển biến xấu về cả tình hình dịch bệnh và sức khỏe kinh tế ở một số nước, đặc biệt là ở Mỹ, tiếp tục là yếu tố sẽ được nhà đầu tư theo dõi trong thời gian này.

Thực tế, chuỗi phục hồi kéo dài của thị trường thời gian vừa qua khiến giá nhiều cổ phiếu hồi phục và tăng mạnh, không ít mã về sát vùng giá trước dịch bệnh Covid-19 khiến triển vọng tìm kiếm lợi nhuận không còn quá hấp dẫn với mức rủi ro đang gia tăng.

Vì vậy, sẽ không tránh khỏi áp lực chốt lời, thoát vị thế gia tăng khi mà xu hướng ngắn hạn vẫn được các CTCK, nhà đầu tư nhìn nhận dưới góc độ thận trọng khi cho rằng, xu hướng chủ đạo vẫn tiếp tục đi ngang và điều chỉnh giảm.

Phân tích kỹ thuật của CTCK Bản Việt cho thấy, trong ngắn hạn, tín hiệu của VN-Index, VN30 và HNX-Index duy trì ở mức tiêu cực, trong khi tín hiệu của VNMidcap và VNSmallcap duy trì ở mức tích cực, nhưng với một dấu hiệu suy yếu chưa được xóa bỏ nên chỉ số VN-Index có thể sẽ cần kiểm định lại hỗ trợ ngắn tại 828 điểm.

Ngược lại, nếu VN-Index có thể vượt lên trên kháng cự MA20 tại 872 điểm, xu hướng ngắn hạn sẽ được cải thiện.

Sự thật là TTCK thế giới đang lo sợ về làn sóng Covid-19 đợt 2. Các chỉ số chứng khoán quan trọng như Dow Jones, Nikkei 225... đều đang ở trong giai đoạn điều chỉnh mạnh. TTCK Việt Nam cũng không phải ngoại lệ cho dù việc kiểm soát dịch bệnh đang được thực hiện rất tốt.

Bên cạnh nỗi ám ảnh về triển vọng kinh tế toàn cầu 2020 cũng như diễn biến điều chỉnh của TTCK các nước, số liệu vĩ mô của Việt Nam vừa công bố - GDP của 6 tháng đầu năm 2020 tăng thấp kỷ lục, chỉ đạt 1,8%, đã khiến TTCK Việt Nam mất liền 22,6 điểm trong phiên đầu tuần này.

Triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm cho dù sáng sủa hơn nhưng sẽ không có nhiều bất ngờ khi diễn biến Covid-19 đang rất khó lường trên phạm vi toàn thế giới, thương mại toàn cầu giảm sút.

Ngoài ra, các con số tăng trưởng liên quan đến sản xuất công nghiệp, khai khoáng, dịch vụ, du lịch... đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. TTCK có lẽ đã phản ánh đúng phần nào thực trạng của nền kinh tế.

Cho dù các tổ chức quốc tế đánh giá tốt khả năng phục hồi giai đoạn hậu Covid-19 cũng như khả năng thu hút vốn đầu tư của Việt Nam so với các nước trong khu vực, nhưng sự phục hồi có lẽ sẽ chỉ đến từ quý III.

Rõ ràng, TTCK sau khi hồi phục tốt giai đoạn tháng 4 đến nửa đầu tháng 6 đã bước vào giai đoạn điều chỉnh. Thanh khoản toàn thị trường giảm mạnh, phần nào phản ánh sự lo lắng của giới đầu tư cũng như dòng tiền đang dần đứng ngoài thị trường.

Trong ngắn hạn, theo ông Lê Đức Khánh, chỉ số VN-Index có thể điều chỉnh tiếp về khu vực 780 - 800 điểm. Có lẽ, TTCK nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tạo đáy ở khu vực dưới mốc 800 điểm và tích lũy đi ngang trong giai đoạn tháng 7.

Sau giai đoạn phục hồi với sức lan tỏa tốt thời gian vừa qua, thị trường đang đối mặt với rủi ro điều chỉnh nhẹ với tình trạng phân hóa rõ nét hơn giữa các nhóm cổ phiếu trong tháng 7.

Vẫn còn quá sớm để cho rằng thị trường sẽ kết thúc quá trình điều chỉnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam, với các nhà đầu tư trung hạn vẫn có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, tích lũy cho giai đoạn nửa cuối năm.

Tin bài liên quan