Tháng 7, phải có giải pháp “dứt chậm” cổ phần hóa

Tháng 7, phải có giải pháp “dứt chậm” cổ phần hóa

(ĐTCK) Thêm một lần nữa, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ đã dùng từ "chậm” khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đánh giá thực hiện nhiệm vụ tài chính 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2019 của Bộ Tài chính để nói về tiến trình cổ phần hóa (CPH) hiện nay. 

Từ "chậm” đã được nhắc đến nhiều lần trong câu chuyện cổ phần hóa DNNN và Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ cũng nhắc lại từ này khi chủ trì đánh giá nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2019 của Ban chỉ đạo Ðổi mới và phát triển doanh nghiệp mới đây.

Thực ra, nói chậm là có phần… giảm nhẹ cho các cơ quan có trách nhiệm với tiến trình CPH, chứ với kết quả đến nay mới CPH đạt 27,5% kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016 - 2020, từ đáng dùng là “quá chậm”.

Riêng 6 tháng đầu năm nay, theo Bộ Tài chính, trong số 6 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, chỉ có 1 doanh nghiệp thuộc danh mục phải CPH theo kế hoạch.

Góp mặt vào tiến trình CPH chậm của cả giai đoạn 5 năm là nhiều doanh nghiệp thuộc đủ các ngành, lĩnh vực, trong đó đáng chú ý có nhiều doanh nghiệp lớn. Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1), Tổng công ty Giấy Việt Nam..., theo kế hoạch phải CPH trong năm 2018. Thế nhưng, ngoài EVNGENCO1 đã xin lùi thời hạn CPH vào năm 2020, đến nay thời hạn CPH 2 tổng công ty còn lại chưa biết sẽ lùi đến bao giờ.

Tương tự như tiến trình CPH nhiều doanh nghiệp đã bị “vỡ” kế hoạch trong năm 2018, tiếp tục chậm, nhiều doanh nghiệp nằm trong kế hoạch năm nay CPH cũng đang chậm như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - Công ty mẹ, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Công ty mẹ…

Với giá trị tài sản lớn, phức tạp vì nhiều đất đai rải ở khắp cả nước, thời gian 6 tháng cuối năm để các doanh nghiệp này hoàn thành CPH là khó khả thi. Tuy nhiên, nếu kết thúc năm 2019, những cái tên trên lại có trong danh mục các doanh nghiệp lỗi hẹn CPH theo kế hoạch, thì từ “chậm” trong các đánh giá về công tác này sẽ còn diễn ra.

Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ cho rằng, CPH chậm có trách nhiệm chính của Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ Tài chính phải nhanh chóng hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, để tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, tổ chức thực hiện và cách hiểu khác nhau tại các Nghị định số 126/2017/NÐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định 132/2007/NÐ-CP về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định 167/2017/NÐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Trong đó, tập trung gỡ vướng nhất hiện nay là sắp xếp nhà đất và xử lý tồn đọng về tài chính của doanh nghiệp.

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ CPH để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2019.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, việc nhiều doanh nghiệp CPH không đúng kế hoạch đã được phê duyệt đang làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư. Nếu tình trạng này kéo dài, nhà đầu tư khó lòng kiên nhẫn đợi chờ, mà dòng tiền sẽ đi tìm kiếm cơ hội đầu tư khác. 

Hy vọng, với việc chỉ rõ các doanh nghiệp chậm cổ phần hóa và có nguy cơ chậm CPH, nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới, tiến trình CPH sẽ thoát ra khỏi tình trạng đình trệ kéo dài.

Tin bài liên quan