Tháng 7 - Đà giảm kết thúc?

Tháng 7 - Đà giảm kết thúc?

(ĐTCK) Với bối cảnh vĩ mô và cung cầu hiện tại, CTCK SHS cho rằng, kịch bản chính của thị trường là giảm trước khi tăng điểm trở lại.

Tháng 7 - Đà giảm kết thúc? ảnh 1Nhà đầu tư vẫn chưa mạo hiểm mua vào cổ phiếu

 

TTCK Tháng 6: Dao động hẹp, bất chấp thông tin tích cực

Vùng 410 điểm đối với VN-Index; 70 điểm đối với HNX-Index đã đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật khá mạnh đến thị trường chung. Thị trường đã có hai lần phản ứng khi tiếp cận ngưỡng hỗ trợ. Tuy nhiên, đà phục hồi không đi kèm với cải thiện thanh khoản khiến diễn biến phục hồi không kéo dài. Tính chung, TTCK tháng 6 dao động trong biên độ hẹp, quanh vùng 410 - 440 điểm đối với VN-Index; 70 - 77 điểm đối với HNX-Index.

Thị trường không phản ứng tích cực với thông tin vĩ mô được công bố. Trong tháng 6, thị trường đón nhận khá nhiều thông tin tích cực: NHNN dự kiến thành lập công ty mua bán nợ với tổng giá trị nợ xấu được giải quyết là 100.000 tỷ đồng; Chính phủ định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, phấn đấu tăng trưởng tín dụng trung bình 2%/tháng cho đến cuối năm. Chi tiêu công có thể giải ngân hàng tháng là 21.000 tỷ đồng so với mức 66.000 tỷ đồng trong cả 5 tháng đầu năm. Như vậy, dư địa cung tiền từ chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm rất lớn. Tuy nhiên, diễn biến thị trường cho thấy, NĐT chưa phản ứng tích cực với thông tin hỗ trợ.

 

Diễn biến trên do 3 nguyên nhân chủ yếu:

1. Bối cảnh thế giới khó khăn khiến NĐT thận trọng

Dòng vốn ngoại tiếp tục rút ra khỏi các thị trường mới nổi trước diễn biến nóng lên của vấn đề nợ công châu Âu. Tại Việt Nam, dòng tiền tiếp tục rút ra khỏi TTCK trong tháng từ 14/5-13/6/2012 là 43 triệu USD, đưa lượng vốn vào Việt Nam tính từ đầu năm giảm 20,8 triệu USD. Động thái bán ròng của NĐT nước ngoài trong bối cảnh lực cầu yếu đã tác động không nhỏ đến thị trường chung. Các mã chịu áp lực bán là cổ phiếu blue-chips chiếm tỷ trọng cao trong rổ tính Index, khiến thị trường giảm điểm khá mạnh.

Tháng 7 - Đà giảm kết thúc? ảnh 3

2. Kinh tế vĩ mô trong nước chưa có nhiều cải thiện, bất chấp nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng

Các chỉ số kinh tế trong tháng 6 được công bố cho thấy tình hình nền kinh tế chưa có nhiều cải thiện. Tín hiệu bước đầu tích cực là tốc độ tăng GDP quý II đạt 4,66%, tăng so với mức 4% của quý I. Chỉ số hàng tồn kho cũng đang có sự cải thiện qua từng tháng. Tuy nhiên, tỷ lệ hàng tồn kho còn ở mức cao, tốc độ tăng trưởng còn thấp, dư nợ tín dụng tính đến tháng 6 vẫn chưa tăng trưởng so với năm 2011 cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN tiếp tục trong tình trạng khó khăn.

Chỉ số giá tiêu dùng giảm trong tháng 6, đặc biệt ở khoản mục nhà ở, vật liệu xây dựng cho thấy tổng cầu thu hẹp đang tác động mạnh đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN nói chung và tăng trưởng kinh tế nói riêng.

Với diễn biến này, quý II tiếp tục là quý khó khăn đối với DN. Điều này khiến NĐT có xu hướng thận trọng trong quyết định mua vào cổ phiếu.

 

3. Diễn biến nóng lên của hệ thống ngân hàng

Sau động thái giảm mạnh trần lãi suất huy động của NHNN, lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu đã có diễn biến tăng khá mạnh. Nguyên nhân của diễn biến trên là nhu cầu thanh khoản tại các ngân hàng nhỏ, khi lãi suất huy động tiếp tục giảm sút và việc chuẩn bị vốn trước khả năng bỏ trần lãi suất huy động toàn hệ thống trong tháng 7 tới.

Việc NHNN bỏ trần lãi suất huy động là khả thi, đặc biệt khi lãi suất huy động kỳ hạn trên 1 năm đã được thả nổi. Chúng tôi cho rằng, trong trường hợp bỏ trần lãi suất, NHNN sẽ có những biện pháp hỗ trợ dòng vốn thực hiện đi kèm, nhằm giảm thiểu tối đa biến động lãi suất toàn hệ thống trong ngắn hạn. Tuy nhiên, quyết định này nếu được đưa ra vẫn sẽ khiến thị trường tiền tệ biến động trong thời gian ngắn. Quan ngại khả năng biến động của hệ thống ngân hàng, cùng với việc lãi suất khó có khả năng tiếp tục hạ nhiệt khi lãi suất liên ngân hàng, lợi suất trái phiếu tăng khá mạnh là yếu tố khiến NĐT thận trọng.

 

TTCK tháng 7: Đà giảm kết thúc?

Vào cuối tháng 6, NHNN đã tiếp tục giảm 1% đối với các loại lãi suất chủ chốt; lãi suất đối với các khoản vay vốn Nhà nước cũng được Bộ Tài chính điều chỉnh giảm mạnh.

Như vậy, các giải pháp cả về tiền tệ và tài khóa tiếp tục được đẩy mạnh triển khai nhằm tháo gỡ hai nút thắt để giải quyết vấn đề tăng trưởng là thị trường tiêu thụ thu hẹp và chi phí vốn ở mức cao.

Thúc đẩy tổng cầu là vấn đề trọng tâm cần giải quyết khi thị trường tiêu thụ suy giảm do bối cảnh kinh tế bên ngoài bất ổn và sức mua trong nước hạn chế. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 giảm 0,5% so với tháng trước trong bối cảnh CPI âm cho thấy sức cầu hiện rất thấp. Thị trường tiêu thụ thu hẹp khiến các DN không thể tiếp tục đầu tư sản xuất, ngay cả khi sức ép lãi suất đang giảm dần. Theo tính toán của HSBC, chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất) của Việt Nam tiếp tục giảm mạnh trong tháng 6 do lượng hàng tồn kho sau sản xuất tăng mạnh. Mặc dù Chính phủ đã thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng, tăng cường chi tiêu công để giải quyết vấn đề này, nhưng cần có thêm thời gian để thấy được kết quả thực tế của chính sách.

Về chi phí vốn, chúng tôi đã tính toán chỉ số ROIC (khả năng sinh lời trên vốn đầu tư) nhằm đánh giá khả năng chịu đựng mức chi phí vốn vay của DN. Theo đó, ROIC bình quân của các DN niêm yết năm 2011 là 12%, thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình khoảng 16% trong năm 2010. Lĩnh vực dầu khí và dịch vụ y tế là hai lĩnh vực có khả năng chịu đựng mức lãi suất vay cao nhất. Lĩnh vực tài chính là lĩnh vực chịu đựng được mức lãi suất vay thấp nhất và thấp hơn nhiều mức trung bình toàn thị trường, thể hiện ở tình trạng vô cùng khó khăn của DN bất động sản. Với những khó khăn trong năm 2012, chỉ số ROIC trung bình của các DN dự kiến sẽ giảm hơn năm 2011.

Hiện tại, mức lãi suất cho vay đối với lĩnh vực khuyến khích khoảng 12 - 13%/năm, đang tiến đến mức DN có thể chịu đựng được. Tuy nhiên, trên thực tế, không nhiều DN có thể tiếp cận được mức lãi suất thấp. Chi phí vốn vay trung bình hiện tại vẫn khoảng 17%/năm, lãi suất vẫn tiếp tục là gánh nặng đối với DN.

Thị trường tiêu thụ chưa được cải thiện, chi phí vốn còn ở mức cao khiến NĐT chưa mạo hiểm mua vào cổ phiếu. Với tâm lý thận trọng chờ đợi tín hiệu từ yếu tố vĩ mô, diễn biến thị trường trong tháng 7 sẽ được dự báo phần lớn dựa trên yếu tố kỹ thuật.

Về phía yếu tố kỹ thuật, vào cuối tháng 6, thị trường đang trong xu hướng dao động giằng co khi tiếp cận đường biên dưới của kênh dao động tích lũy 410 - 440 điểm đối với VN-Index; 70 -77 điểm đối với HNX-Index. Thị trường dao động hẹp với thanh khoản thấp cho thấy lực cầu dò đáy còn hạn chế, dù áp lực cung giá thấp không nhiều. Các chỉ báo kỹ thuật vẫn đang cho tín hiệu về xu hướng giảm điểm ngắn hạn của thị trường, khi động lực thị trường tiếp tục giảm sút. Có hai kịch bản có thể xảy ra trong tháng 7: Thị trường phản ứng tích cực với vùng hỗ trợ, tiếp tục xu hướng dao động tích lũy, chờ đợi tín hiệu tích cực hơn về vĩ mô; thị trường cần giảm xuống mốc điểm hấp dẫn hơn nhằm thúc đẩy lực cầu, trước khi tăng điểm trở lại.

Với bối cảnh vĩ mô và cung cầu hiện tại, chúng tôi nghiêng về kịch bản thị trường theo chiều hướng giảm trước khi tăng điểm trở lại. Ngưỡng hỗ trợ của thị trường trong kịch bản này là khoảng 395 điểm đối với VN-Index; 66 điểm đối với HNX-Index. Thanh khoản sẽ là yếu tố quan trọng để đánh giá giai đoạn phục hồi của thị trường.