Tháng 12, chờ đợi các cuộc M&A về đích

Tháng 12, chờ đợi các cuộc M&A về đích

(ĐTCK) Cùng với hoạt động bán vốn cổ phần tại các doanh nghiệp lớn như PV Oil, PV Power, Vinamilk, Sabeco…, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) của các doanh nghiệp niêm yết cũng sôi động hơn trong thời gian qua, với nhiều thương vụ sẽ được chốt ngay trong tháng 12 này.

Ông Nguyễn Gia Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR) cho biết, chính sách đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ thúc đẩy hoạt động M&A trở nên sôi động. Bản thân HAR cũng được “hưởng lợi” từ chính sách này.

“HAR đã nhắm được một số doanh nghiệp hoạt động tốt, có quỹ đất lớn và nếu thuận lợi sẽ thực hiện M&A trong tháng 12 này, sau đó có thể chuyển nhượng dự án cho các đối tác và cho thuê lại một số căn hộ dịch vụ như Ghomes. Với chiến lược này, HAR dự kiến các dự án, dù mua và bán lại hay do Công ty tự phát triển, sẽ đều đạt tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) từ 15- 18%”, ông Bảo chia sẻ.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo, nếu các thương vụ M&A của HAR được hoàn tất, tổng diện tích đất do HAR sở hữu tại trung tâm TP.HCM vào thời điểm cuối năm 2017 sẽ tăng gấp đôi so với con số 1,3 ha hồi đầu năm.

Tháng 12, chờ đợi các cuộc M&A về đích ảnh 1

Thương vụ Công ty cổ phần Thế giới di động (MWG) thâu tóm Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (TAG) cũng đang đi đến hồi kết. Về cơ bản, hai bên đã hoàn tất việc hoán đổi cổ phần và đang tiến hành thủ tục bàn giao, dự kiến sẽ “chốt hạ” vào trung tuần tháng 12. Dù đến thời điểm hiện tại, thông tin về mức giá chuyển nhượng vẫn đang được hai bên giữ kín, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, sẽ cao hơn nhiều so với mức giá 30.000 đồng/cổ phiếu mà TAG đang giao dịch hiện tại.

Trong khi đó, theo chia sẻ từ ông Lê Quang Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (SHI), Công ty đang chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận và nếu thuận lợi, SHI sẽ phát hành 18 triệu cổ phiếu ngay trong tháng 12 này để hoàn tất thủ tục sáp nhập Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh Toàn Mỹ, với tỷ lệ hoán đổi 2:1 (tức 2 cổ phần Sơn Hà đổi 1 cổ phần Toàn Mỹ). Theo đó, Toàn Mỹ sẽ trở thành công ty con của SHI và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo tình hình thực tế…

Không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, một số doanh nghiệp đang trải qua giai đoạn khó khăn cũng muốn “tự cứu mình” thông qua kế hoạch M&A. Đơn cử, Công ty cổ phần PGT Holdings (PGT) đang lên kế hoạch mua lại 1 công ty chứng khoán có vốn điều lệ dưới 370 tỷ đồng.

Lãnh đạo PGT cho biết, Công ty đã “nhắm” được một công ty chứng khoán phù hợp, nhưng đang trong quá trình thương lượng, nếu suôn sẻ sẽ thực hiện M&A ngay trong năm nay. Được biết, mức giá mà PGT nhận chuyển nhượng tương đương với giá trị sổ sách công ty chứng khoán này tại thời điểm chuyển nhượng, hoặc lớn hơn tối đa 20% giá trị sổ sách.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về hoạt động thoái vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Maritime (MSI) cho biết, chính sách thoái vốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung tại các doanh nghiệp lớn, với quy mô các thương vụ có thể lên tới nhiều tỷ USD như tại Vinamilk, Sabeco, Habeco; trong đó nhiều thương vụ sẽ thực hiện ngay trong tháng 12 này.

“Đây chính là cơ hội lớn để các công ty chứng khoán đẩy mạnh công tác tư vấn thoái vốn cho bên bán, cũng như M&A cho các bên mua. Vừa là đơn vị tư vấn, nhưng cũng chính là "người trong cuộc", M&A mang lại cơ hội cho cả bên mua lẫn bên bán. MSI cũng vừa thực hiện chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Chứng khoán KB (Hàn Quốc)”, ông Huy nói và cho biết thêm, đây là bước chuyển mình quan trọng của MSI trong tương lai. Bởi có sự hợp tác của KB, MSI sẽ có thêm nguồn lực tài chính và kỹ thuật, tăng cường năng lực cạnh tranh.

Dù chỉ còn 1 tháng nữa là hết năm, nhưng thị trường chứng khoán vẫn đang chờ đợi sự bùng nổ từ những thương vụ M&A lớn, hứa hẹn mang lại cho doanh nghiệp nhiều giá trị hơn, chứ không đơn thuần là một cuộc mua bán.

Tin bài liên quan