Tháng 11, chứng khoán Việt có phục hồi?

Tháng 11, chứng khoán Việt có phục hồi?

(ĐTCK) Sau những phiên “co giật” mạnh trong tháng 10, thị trường đang diễn biến đi ngang với biên độ hẹp. Theo các công ty chứng khoán, đây là thời điểm phù hợp để tái cơ cấu danh mục đầu tư. Tuy nhiên, chọn nhóm cổ phiếu nào là điều không dễ dàng.

Doanh nghiệp niêm yết: Doanh thu tăng 17%, lợi nhuận tăng 24%

Với những phiên giao dịch tích cực gần đây, động thái rút vốn liên tục như trong tháng 10 đã tạm dừng. CTCK VNDirect (VNDS) cho rằng, đây là cơ hội tốt để nhà đầu tư thực hiện tái cơ cấu danh mục, bởi tháng 11 thường là thời điểm “phục hồi” của thị trường chứng khoán Mỹ, trong khi diễn biễn trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang tương đồng với thị trường này.

Cũng theo VNDS, kết quả kinh doanh quý III/2018 của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang duy trì đà tăng trưởng. Với 788 doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm, tăng trưởng doanh thu bình quân đạt 17,2% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế trung bình tăng trưởng 24,4%.

Việc doanh thu tăng trưởng cao, biên lợi nhuận cải thiện thể hiện tổng cầu nền kinh tế vẫn tích cực, mang lại cho các doanh nghiệp quyền kiểm soát giá bán, ngay cả khi giá một số loại hàng hóa như dầu và thép cùng tăng mạnh trong thời gian qua.

“Với triển vọng, cũng như mức định giá khá rẻ của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại, nhà đầu tư nên tiến hành tái cơ cấu danh mục đầu tư và mục tiêu cần hướng tới là nhóm cổ phiếu phòng thủ - vốn là nhóm cổ phiếu phù hợp trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động”, ông Anirban Lahiri, Giám đốc Phân tích VNDS khuyến nghị.

Tuy vậy, điều cần lưu ý là ranh giới giữa nhóm cổ phiếu “phòng thủ” hay nhóm cổ phiếu mang tính “chu kỳ” đôi khi cũng khó nhận diện. Diễn biến ngược chiều của nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng/vật liệu xây dựng trong thời gian qua là một minh chứng.

VNDS cho rằng, áp dụng phương pháp “bottoms-up” (xem xét từng doanh nghiệp cụ thể, phân tích kỹ thuật, đưa ra quyết định đầu tư - PV) để sàng lọc nhóm cổ phiếu phòng thủ sẽ phù hợp ở thời điểm này.

Theo đó, VNDS đưa ra 25 cổ phiếu “phòng thủ” dựa trên các tiêu chí như tỷ suất cổ tức, tăng trưởng kép của lợi nhuận (để đảm bảo định giá thấp hơn ngành không phải do tăng trưởng lợi nhuận kém - PV), so sánh P/E và P/B với trung bình ngành (xem bảng).

25 cổ phiếu phòng thủ. 

Bên cạnh đó, VNDS dựa vào khối lượng giao dịch bình quân để xác định rủi ro về thanh khoản, hệ số Beta của cổ phiếu để xem xét rủi ro biến động giá và cuối cùng là đòn bẩy tài chính để phản ánh rủi ro tài chính.

Điểm đáng lưu ý trong phương pháp tính điểm này là mặc dù tỷ suất cổ tức trên toàn thị trường khá thấp và vẫn trong xu hướng giảm, nhưng có không ít cổ phiếu trả cổ tức hấp dẫn. VNDS cho biết, có 489 cổ phiếu có tỷ suất cổ tức trên 7% và 303 cổ phiếu có tỷ suất cổ tức trên 10% trong tổng số doanh nghiệp niêm yết (có 45,6% tổng số cổ phiếu niêm yết không chi trả cổ tức). 

Tháng 11, chứng khoán Việt có phục hồi?

Từ đầu năm đến nay, ngân hàng là một trong những nhóm cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất thị trường. Tuy nhiên, theo đà giảm chung của thị trường, nhóm cổ phiếu này cũng đã lùi về vùng giá khá hấp dẫn.

Nên lựa chọn các cổ phiếu bluechips có thanh khoản cao và đã giảm mạnh, có thể mua đón đầu ở các cổ phiếu cơ bản tốt nhưng chưa tăng nhiều, hoặc đang có dấu hiệu đảo chiều về mặt kỹ thuật.    

Theo CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS), P/E trung bình của nhóm cổ phiếu "vua" hiện ở mức 11-12 lần. VIS giả định, nếu vấn đề chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được giải quyết, hay tối thiểu một thỏa thuận "đẹp lòng" cả hai bên là cán cân thương mại bớt thâm hụt về phía Mỹ được đưa ra, sẽ là một điểm tích cực đối với Việt Nam bởi khi đó, áp lực căng thẳng về tỷ giá sẽ được hạn chế đáng kể, giúp tình hình vĩ mô trở nên ổn định hơn, tạo bệ đỡ cho cổ phiếu ngân hàng tăng trở lại.

Thực tế cho thấy, dưới sự dẫn dắt của cổ phiếu ngân hàng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng kéo dài từ đầu năm 2017 và xác lập mức điểm cao kỷ lục 1.200 điểm trong quý I/2018, trước khi giảm trở lại từ quý II đến nay.

Với những diễn biến khó lường từ kinh tế thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ, các công ty chứng khoán có xu hướng không đưa ra những nhận định chắc chắn về diễn biến thị trường chứng khoán tháng 11 năm nay.

Tuy nhiên, để giúp nhà đầu tư “vững dạ”, nhiều công ty khuyến nghị việc nên lựa chọn các cổ phiếu bluechips có thanh khoản cao và đã giảm mạnh, có thể mua đón đầu ở các cổ phiếu cơ bản tốt nhưng chưa tăng nhiều, hoặc đang có dấu hiệu đảo chiều về mặt kỹ thuật. Đồng thời, nhà đầu tư nên hạn chế các hoạt động mua đuổi ở các nhóm cổ phiếu đã hồi phục trong thời gian gần đây.

Tin bài liên quan