Tham gia ARA: Một trong những biện pháp “mềm” xây dựng văn hóa minh bạch doanh nghiệp

Tham gia ARA: Một trong những biện pháp “mềm” xây dựng văn hóa minh bạch doanh nghiệp

(ĐTCK) Năm nay, lần đầu tiên tham gia Ban Tổ chức và Hội đồng chấm giải Báo cáo thường niên (ARA), tôi nhận thấy có sự phân hóa khá rõ nét trong chất lượng và hình thức báo cáo của các doanh nghiệp (DN). 

Bên cạnh các báo cáo có phong cách, đạt đủ tiêu chí đẹp, đầy đủ, chính xác, chuyên nghiệp, còn nhiều báo cáo sơ sài, thậm chí không đủ thông tin căn bản phải có của một ấn phẩm báo cáo thường niên mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh khá tốt, chúng tôi rất tiếc cho những DN như vậy.

Trong vòng chấm sơ khảo, 2 Sở Giao dịch chứng khoán đã chấm điểm BCTN theo gần 100 tiêu chí định lượng và kết quả cho thấy, mới có 32,3% số công ty có báo cáo đạt từ 70/100 điểm trở lên. Cùng với đó, còn có gần 25% báo cáo có điểm dưới trung bình, cho thấy còn nhiều DN chưa biết làm hoặc chưa quan tâm làm nghiêm túc ấn phẩm thường niên, chứ chưa nói đến việc làm tốt để từ đó tăng giá trị vô hình cho DN hay đoạt các thứ  hạng vinh danh trong các cuộc bình chọn.

Năm 2017 là tròn 10 năm Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên được tổ chức trên TTCK Việt Nam, đây là một cố gắng lớn khi biết Cuộc bình chọn ra đời khá sớm, xuất phát từ chính nhu cầu của nhà đầu tư và bền bỉ song hành một quãng thời gian dài cùng nhà đầu tư, đồng thời cung cấp thêm một kênh đánh giá và khích lệ các DN minh bạch, chuyên nghiệp và chuẩn mực hơn trong công bố thông tin.

Với nền tảng và xuất phát điểm của các DN niêm yết nói chung, DN đại chúng nói riêng như hiện nay, chúng ta không thể mong trong ngắn hạn là có thể tác động, hỗ trợ hay thúc ép các DN cùng minh bạch, nhưng chắc chắn đây là một trong những biện pháp “mềm” hiệu quả để nâng cao văn hóa minh bạch doanh nghiệp trên con đường xây dựng TTCK lành mạnh tại Việt Nam.

Tại Sở GDCK Hà Nội, từ năm 2012, chúng tôi đã thực hiện chương trình chấm điểm công bố thông tin và minh bạch theo các nguyên tắc quản trị công ty (QTCT) của OECD đối với các DN niêm yết trên sàn HNX, căn cứ trên toàn bộ thông tin công bố trên TTCK.

Qua bốn lần chấm điểm, điểm số minh bạch của các doanh nghiệp có tăng, nhưng tốc độ khá chậm đang phản ánh  sự tiến bộ của doanh nghiệp vẫn còn khiêm tốn.

Lý do chủ yếu là trong giai đoạn khắc phục khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp phải lấy kết quả kinh doanh làm đầu nên luôn phải tính toán chi phí và lợi ích bỏ ra khi áp dụng các nguyên tắc quản trị công ty.

Ở một góc nhìn bao quát hơn, kết quả làm chúng tôi cảm thấy được khích lệ nhiều nhất chính là thông qua các nỗ lực của chúng tôi cùng với rất nhiều đơn vị khác, các khái niệm về quản trị công ty tốt, sự đòi hỏi minh bạch hóa DNNY, trách nhiệm xã hội của DN… đã lan rộng từ hầu khắp các ngõ ngách của thị trường, cho đến suy nghĩ của lãnh đạo chính các doanh nghiệp và đặc biệt là tư duy đổi mới của các cơ quan quản lý.

Việc ban hành Nghị định 71 gần đây, Nghị định riêng biệt đầu tiên về QTCT, cho thấy quyết tâm rất cao của Chính phủ trong nỗ lực kiến tạo TTCK minh bạch trong một nền kinh tế bền vững.

Trong việc chấm điểm minh bạch CBTT tại HNX, chúng tôi cũng đã tham khảo kinh nghiệm của một số nước và thấy rằng họ thực thi theo một lộ trình dài, 15 - 20 năm để chạm đến và tương tác với chất lượng minh bạch tại tất cả các nhóm DN trên sàn. Tại Việt Nam, những nỗ lực hướng các DN đến sự minh bạch, quản trị công ty hiệu quả cũng cần được xây dựng trên định hướng dài hạn và nên tham khảo cách làm của các quốc gia có thị trường phát triển hơn.

Về cuộc bình chọn Báo cáo thường niên, tôi được biết một số thị trường khu vực như Singapore, Đài Loan… đã và vẫn tiếp tục những nỗ lực tổ chức cuộc bình chọn ấn phẩm này, nhưng họ luôn có có cách làm đổi mới, sáng tạo để nâng tầm và làm mới cuộc bình chọn.

Chẳng hạn, tại một số thị trường, thay vì DN tự đưa ra báo cáo và tự đánh giá về mình, họ có những quy chuẩn khác để DN soi mình vào dư luận, để những chủ thể khác đánh giá DN.

Để làm được điều đó, các cuộc bình chọn và trao giải cần thu hút thêm được sự đóng góp về nguồn lực từ các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, các hãng kiểm toán kế toán, các công ty chứng khoán, các tổ chức thị trường… và quan trọng nhất là sự quan tâm của công chúng đầu tư trong việc đưa các đánh giá về quản trị công ty, minh bạch thông tin, phát triển bền vững trở thành các nguyên tắc lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư giá trị. 

Những nỗ lực giám sát và giúp sức cho phần lõi của thị trường là các DN niêm yết, DN đại chúng minh bạch hơn, chuyên nghiệp và chuẩn mực trong cách thể hiện giá trị của mình trong ấn phẩm BCTN hay trong công tác công bố thông tin nói chung, đều rất đáng duy trì và cần sự nỗ lực đổi mới.

Bên cạnh việc tham gia Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất từ năm 2008, chúng tôi sẽ phối hợp để cùng các thành viên cốt lõi như Sở GDCK TP. HCM, Dragon Capital, Báo Đầu tư Chứng khoán, IFC, ACCA… tiếp tục xây dựng cách làm mới, tăng tính lan tỏa và nâng cao chất lượng chương trình này.  

Tin bài liên quan