Quỹ hưu trí tự nguyện sẽ góp phần cải thiện an sinh xã hội, đồng thời tạo dư địa phát triển cho ngành quản lý quỹ

Quỹ hưu trí tự nguyện sẽ góp phần cải thiện an sinh xã hội, đồng thời tạo dư địa phát triển cho ngành quản lý quỹ

Tạo thêm "đất" cho ngành quỹ phát triển

(ĐTCK) Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện (HTTN) và sẽ tổ chức hội thảo vào ngày 29/5 tới để lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, các tổ chức tài chính...

3 nguồn hình thành quỹ

Theo dự thảo, có 3 đối tượng tham gia đóng góp vào quỹ HTTN gồm: doanh nghiệp sử dụng lao động đóng góp cho người lao động; người lao động tham gia quỹ hưu trí thông qua doanh nghiệp sử dụng lao động; cá nhân tham gia trực tiếp quỹ hưu trí (không thông qua doanh nghiệp sử dụng lao động).

Khoản đóng góp của doanh nghiệp sử dụng lao động cho người lao động vào quỹ hưu trí được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế. Nhà nước sẽ áp dụng chính sách khuyến khích phát triển quỹ hưu trí thông qua các chính sách ưu đãi về thuế.

Trước khi tham gia quỹ HTTN, người lao động phải ký thỏa thuận bằng văn bản với doanh nghiệp sử dụng lao động về tham gia quỹ, với các nội dung: tên quỹ hưu trí người lao động lựa chọn tham gia; mức đóng góp, tần suất đóng góp của doanh nghiệp sử dụng lao động và của người lao động (nếu có); quy trình đăng ký chi trả từ tài khoản hưu trí cá nhân...

Doanh nghiệp sử dụng lao động thực hiện chuyển tiền đóng góp của người lao động và của doanh nghiệp sử dụng lao động (nếu có) vào tài khoản của quỹ HTTN tại ngân hàng giám sát. Ngoài các khoản đóng góp thông qua doanh nghiệp sử dụng lao động, người lao động có thể chuyển tiền đóng góp vào tài khoản hưu trí cá nhân theo hướng dẫn của doanh nghiệp quản lý quỹ HTTN.

Với những cá nhân tham gia trực tiếp quỹ hưu trí thì ký hợp đồng quản lý tài khoản hưu trí cá nhân với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí hoặc đại lý hưu trí. Số tiền đóng góp của cá nhân được chuyển vào tài khoản của quỹ hưu trí tại ngân hàng giám sát.

Mục tiêu phát triển quỹ HTTN được đặt ra tại Đề án hình thành và phát triển chương trình HTTN tại Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014, là đến năm 2020, có 400 - 500 doanh nghiệp, với khoảng 150.000 người tham gia mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí, hoặc đóng góp vào các quỹ HTTN theo hình thức ủy thác đầu tư; doanh số tích lũy của các quỹ HTTN để đầu tư trở lại nền kinh tế, trong đó có TTCK, khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng. 

Ngành quỹ sẽ có thêm “đất” phát triển

Theo định hướng hình thành và hoạt động đầu tư của quỹ HTTN, các công ty quản lý quỹ đóng vai trò quan trọng trong nhận ủy thác đầu tư. Bởi vậy, các doanh nghiệp này kỳ vọng, nếu chính sách phát triển quỹ HTTN được ban hành và áp dụng trong năm nay sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của ngành quỹ.

Theo phương án thành lập quỹ hưu trí mà Bộ Tài chính đề xuất, để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí, doanh nghiệp phải thỏa mãn các yêu cầu: là doanh nghiệp được phép hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và bảo hiểm nhân thọ; có phương án thành lập và quản lý tối thiểu 3 quỹ hưu trí khác nhau với mục tiêu lợi nhuận và mức độ rủi ro tăng dần: quỹ hưu trí có mục tiêu đầu tư bảo toàn vốn, quỹ hưu trí có mục tiêu đầu tư cân bằng, quỹ hưu trí có mục tiêu đầu tư tăng trưởng; có hợp đồng nguyên tắc ký với tổ chức thực hiện lưu ký các khoản đầu tư của quỹ hưu trí và ngân hàng giám sát...

Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí sẽ được thành lập quỹ HTTN.

Để đảm bảo nguyên tắc quan trọng đặt ra cho quỹ HTTN là an toàn, Bộ Tài chính đề xuất giới hạn đầu tư quỹ hưu trí vào 4 loại tài sản: trái phiếu chính phủ, chứng chỉ quỹ mở trái phiếu, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, các chứng chỉ quỹ mở khác đáp ứng điều kiện do Bộ Tài chính quy định.

Tỷ trọng giá trị đầu tư vào trái phiếu chính phủ (bao gồm cả khoản đầu tư trái phiếu chính phủ thông qua chứng chỉ quỹ mở trái phiếu) trong tổng giá trị quỹ hưu trí tại mọi thời điểm tối thiểu bằng 50%, trong đó tỷ trọng tối thiểu đối với từng loại quỹ như sau: 50% đối với quỹ hưu trí có mục tiêu đầu tư tăng trưởng; 60% đối với quỹ hưu trí có mục tiêu đầu tư cân bằng; 70% đối với quỹ hưu trí có mục tiêu đầu tư bảo toàn vốn.

Để quỹ hoạt động minh bạch, Bộ Tài chính đề xuất nhiều giải pháp như doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử các thông tin: điều lệ quỹ, kết quả đầu tư trong 5 năm liền trước (nếu có); thành viên tham gia quỹ được quyền truy cập thông tin về tài khoản hưu trí cá nhân tại trang thông tin điện tử của doanh nghiệp quản lý quỹ HTTN.

Tin bài liên quan