Đến nay, TTCK Việt Nam vẫn chưa có nhà tạo lập thị trường cổ phiếu

Đến nay, TTCK Việt Nam vẫn chưa có nhà tạo lập thị trường cổ phiếu

Tạo lập thị trường, “sân chơi” của các ông lớn

(ĐTCK) Quy chế về hoạt động của nhà tạo lập thị trường cổ phiếu trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã chính thức có hiệu lực từ 1/7/2017, với những yêu cầu không quá cao cho các công ty chứng khoán (CTCK). Mặc dù vậy, không phải CTCK nào cũng có thể tham gia vào “sân chơi” này.

Vốn chủ sở hữu nhỏ: Khó có “cửa” tham gia

Nhiều chuyên gia cho rằng, quy chế này là một bước tiến đưa thị trường chứng khoản Việt Nam dần tiệm cận với các thông lệ quốc tế. Điều này không chỉ giúp thúc đẩy thanh khoản cổ phiếu của doanh nghiệp, tăng tính minh bạch cho thị trường, mà còn góp phần tạo nguồn thu, mở rộng thị phần, tăng khả năng cạnh tranh cho các CTCK.

Theo nội dung quy chế, điều kiện để một CTCK trở thành nhà tạo lập thị trường (market maker) không quá khắt khe. Chẳng hạn, CTCK chỉ cần đáp ứng điều kiện hoạt động của một thành viên giao dịch và thành viên lưu ký, thỏa mãn một số chỉ tiêu an toàn tài chính như: Giới hạn tỷ lệ lỗ lũy kế không quá 50% vốn điều lệ; tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần; vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn pháp định; tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng gần nhất; được cấp phép thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán...

Theo đó, những CTCK có vốn pháp định, vốn chủ sở hữu từ 400 tỷ đồng trở lên – mức tối thiểu để được cấp phép đầy đủ các nghiệp vụ, là có thể trở thành “market maker”.

Tuy nhiên, với việc nghiệp vụ tạo lập thị trường sẽ thực hiện trên tài khoản tự doanh của CTCK như quy định hiện nay, nhiều CTCK nhỏ không khỏi e ngại. Bởi theo quy định tại Thông tư 07/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 210/2012/TT-BTC và Thông tư 210/2012/TT-BTC hướng dẫn về thành lập và hoạt động của CTCK, hoạt động đầu tư của các CTCK bị hạn chế, đó là không được đầu tư hoặc góp vốn quá 15% vốn chủ sở hữu vào một tổ chức hoặc dự án kinh doanh, tổng giá trị đầu tư không được vượt quá 70% vốn chủ sở hữu vào cổ phiếu, phần vốn góp và dự án kinh doanh…, tức là hoạt động tự doanh của các CTCK bị giới hạn. Do đó, CTCK có vốn chủ sở hữu càng lớn thì nguồn vốn cung cấp cho hoạt động tạo lập sẽ càng lớn. Ngược lại, đối với CTCK có vốn chủ sở hữu nhỏ, không gian vốn cho tạo lập cũng bị bó hẹp.

“Việc giới hạn tỷ lệ tự doanh dựa trên vốn chủ sở hữu khiến các CTCK lớn cũng phải cân nhắc có tham gia làm tạo lập thị trường hay không, chứ chưa nói đến các CTCK nhỏ”, tổng giám đốc của một CTCK thuộc Top 10 CTCK có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất chia sẻ.

Lý do khá dễ hiểu, trong hoạt động tạo lập, tài chính là “điểm tựa” rất quan trọng. CTCK có thể không cần dùng hết nguồn lực vốn, nhưng phải có một lượng dự trữ đủ mạnh để đối phó với những biến động của thị trường. Bởi CTCK lúc này giữ vị thế “nhà cái”, phải thực hiện việc mua-bán để tạo thanh khoản cho cổ phiếu, nếu không “mạnh về gạo, bạo về tiền” thì sẽ rất dễ bị các đội lái “tạo lập ngược” trở lại, dẫn đến thua lỗ.

“Cần phải nói thêm rằng, tại thị trường chứng khoán Việt Nam, việc nhà đầu tư cá nhân bỏ ra vài chục, vài trăm tỷ đồng để mua cổ phần của một doanh là không hiếm, nên với không gian vốn tối thiểu cho hoạt động tự doanh của một CTCK như quy định trên không phải là điều quá to tát”, vị tổng giám đốc trên nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong số 86 CTCK đang hoạt động hiện nay, chỉ có khoảng 20 CTCK có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 600 - 800 tỷ đồng. Ngay cả trong TOP 10 CTCK hàng đầu, vốn chủ sở hữu hầu hết cũng nằm trong khoảng 1.000-2.000 tỷ đồng. Điều này dẫn đến lo ngại rằng, tạo lập cho tổ chức niêm yết nhỏ thì thu nhập không đủ bù chi phí, còn cung cấp dịch vụ cho tổ chức lớn thì không đủ nguồn lực.

Chính vì vậy, quan điểm về sự cần thiết của giới hạn tỷ lệ tự doanh tại CTCK cũng khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, vốn dĩ CTCK đã phải tuân thủ chặt chẽ quy định về an toàn tài chính, nên việc giới hạn hoạt động tự doanh sẽ khiến CTCK giảm động lực phấn đấu, tạo mâu thuẫn và bất bình đẳng giữa CTCK với nhà đầu tư…

Số khác lại đồng thuận khi nhìn nhận, tại TTCK Việt Nam, hạn chế tự doanh là cần thiết để hướng CTCK hoạt động an toàn hơn... Nhưng dù theo quan điểm nào thì trước khi có sự thay đổi từ cơ quan quản lý, hay khung pháp lý mới tách bạch hoạt động tạo lập khỏi hoạt động tự doanh như nhiều ý kiến đang đề xuất, các CTCK vẫn phải tuân thủ và đảm bảo không gian vốn cho hoạt động tạo lập.

Đó là chưa kể, lâu nay, các CTCK đã quản lý rất chặt chẽ hoạt động tự doanh  và quản trị rủi ro sau giai đoạn thị trường biến động mạnh 2008-2012. Thậm chí, không ít CTCK còn quyết định bỏ hoạt động tự doanh, hoặc giữ thì cũng chỉ ở mức thấp 20-30% vốn chủ sở hữu.

Điều này cho thấy, không gian vốn cho hoạt động tự lập trên thực tế còn hẹp hơn. Do vậy, dù đáp ứng được đầy đủ điều kiện pháp lý thì việc bị giới hạn nguồn vốn cũng khiến quyết định trở thành nhà tạo lập cũng không hẳn dễ dàng với các CTCK có vốn nhỏ.

Vốn lớn: Cần, nhưng chưa đủ!

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện của một CTCK thuộc TOP 10 khác cho hay, bên cạnh băn khoăn về quy mô vốn, việc xây dựng đội ngũ nhân sự giỏi, hệ thống công nghệ đủ mạnh để có thể thực hiện hoạt động tạo lập cũng là một thách thức đáng kể.

“Trên thị trường hiện nay, chỉ số ít CTCK lớn là có thể tự doanh và may mắn hưởng lợi từ các khoản đầu tư tốt trong quá khứ. Với những CTCK khác, xây dựng được một hệ thống nhân sự và công nghệ chuyên nghiệp sẽ rất tốn kém. Trong khi để trở thành nhà tạo lập, điều này lại hết sức cần thiết bởi đây là nghiệp vụ cần sự bài bản, được cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ, không thể “muốn làm gì thì làm” như trước đây”, vị đại diện trên nhấn mạnh.

Cũng theo vị đại diện này, tạo ra một sản phẩm “bán được” đã khó, nhưng để quản trị được rủi ro sao cho vừa đáp ứng được nhu cầu khách hàng, vừa không “tự đẩy mình vào thế khó” mà vẫn mang về lợi nhuận, thì càng khó hơn.

Ngay cả khi CTCK đã có một nền tảng tốt, thì việc tìm được doanh nghiệp minh bạch, có cổ phiếu đang được định giá tốt để hợp tác cũng không dễ dàng gì.

Có thể thấy, quy chế về hoạt động của nhà tạo lập thị trường đang mở ra hướng đi mới cho các CTCK, nhưng để tiếp cận và thực hiện thành công là điều không dễ. Một số công ty như HSC, SSI, VND, MBS... có quan tâm đến nghiệp vụ  này, nhưng chưa có CTCK nào đăng ký trở thành nhà tạo lập cho thị trường cổ phiếu, cũng như giới thiệu, chào bản sản phẩm tạo lập của mình đến thị trường, dù đã “rậm rịch” chuẩn bị từ khá lâu.     

Tin bài liên quan