Cổ đông đã góp mới 1.149 tỷ đồng cho AAA thực hiện các mục tiêu tăng trưởng mới

Cổ đông đã góp mới 1.149 tỷ đồng cho AAA thực hiện các mục tiêu tăng trưởng mới

Tăng vốn, những tín hiệu vui

(ĐTCK) Theo cách mà các nhà đầu tư chuyên nghiệp đánh giá thì sau giai đoạn doanh nghiệp “bán giấy lấy tiền”, chỉ những doanh nghiệp duy trì được hiệu quả kinh doanh, đồng thời tạo dựng được niềm tin cho nhà đầu tư và các cổ đông bằng sự minh bạch và triển vọng kinh doanh khả thi thì mới có thể gọi được dòng vốn mới. 

Hội đồng quản trị CTCP Nhựa và môi trường xanh An Phát (AAA) vừa công bố việc phân phối lại cổ phiếu không chào bán hết cho cổ đông hiện hữu.

Theo đó, 1,5 triệu cổ phiếu AAA chào bán đã được 8 nhà đầu tư đăng ký mua ở giá 14.000 đồng/cổ phiếu, hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm, góp sức hoàn tất trọn vẹn kế hoạch huy động trên 1.170 tỷ đồng vốn mới, cho các kế hoạch đã định của AAA.

Các cổ đông của Công ty đã góp mới 1.149 tỷ đồng (tương đương mua 82 triệu cổ phiếu) cho AAA trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang trên đà giảm điểm. Đúng ngày AAA công bố đợt phát hành ra công chúng (26/3/2018), VN-Index đạt 1.171,22 điểm, vượt qua đỉnh quá khứ 10 năm trước.

Sau đó, chỉ số chứng khoán nhích thêm một chút rồi bắt đầu chu kỳ rơi. Tính đến nay, VN-Index đã mất 10% giá trị, trở về quanh mức 1.050 điểm.

Nhìn thị trường rơi, giá cổ phiếu rơi, các doanh nghiệp chốt kế hoạch phát hành tăng vốn 2018 không khỏi lo lắng, nhưng câu chuyện AAA huy động thêm cả nghìn tỷ đồng vốn mới cho thấy, niềm tin vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán dù có “lung lay”, thì niềm tin vào các doanh nghiệp minh bạch, hoạt động cơ bản vững và có chiến lược dài hạn vẫn không bị ảnh hưởng. Dòng tiền trên thị trường chứng khoán vẫn luôn sẵn sàng chảy vào những nơi cơ hội lớn hơn rủi ro.

Trong một trường hợp khác, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thật TP.HCM (CII) đã đưa trái phiếu CII 11722 lên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM niêm yết, kể từ ngày 9/5/2018. CII đã huy động thành công 300 tỷ đồng từ loại trái phiếu này vào cuối năm 2017 để bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động đầu tư.

Dù trái phiếu doanh nghiệp trên sàn niêm yết không phải là mặt hàng được dòng tiền đầu tư đại chúng chú ý, nhưng đây lại là công cụ được CII sử dụng hiệu quả trong việc gọi vốn kể từ nhiều năm nay.

Tháng 4/2018, Đại hội đồng cổ đông Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đã thông qua kế hoạch tăng vốn khá mạnh mẽ. Bên cạnh việc thưởng cổ phiếu cho cổ đông, doanh nghiệp này sẽ chào bán 86,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 14.000 đồng/cổ phần, với mong muốn thu hút thêm 1.200 tỷ đồng vốn mới từ cổ đông.

Là công ty chứng khoán lớn trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu HSC đứng ở mức cao là một điểm thuận lợi cho việc gọi vốn mới, nhưng nếu VN-Index vẫn tiếp tục suy giảm thì khả năng cổ đông góp đủ cho HSC 1.200 tỷ đồng vốn mới hay không vẫn còn bỏ ngỏ, chờ ngày chốt đợt phát hành.

Hàng loạt doanh nghiệp khác đã công bố kế hoạch huy động vốn trong mùa đại hội đồng cổ đông 2018 như Tổng công ty cổ phần Đầu tư và phát triển xây dựng (dự kiến chào bán 47,6 triệu cổ phần); CTCP SAM Holding (dự kiến chào bán 101 triệu cổ phần); CTCP Chứng khoán SHS (dự kiến chào bán 70,3 triệu cổ phần)…

Các kế hoạch gọi vốn này đều dự kiến thực hiện trong năm 2018. Nhiều doanh nghiệp công bố giá chào bán cao hơn mệnh giá, chẳng hạn CTCP Dược Mekophar dự kiến chào bán cổ phiếu mới với giá 40.000 đồng/cổ phần.

Nếu các đợt gọi vốn năm 2018 của doanh nghiệp thành công sẽ góp phần thay đổi vị thế gọi vốn của các doanh nghiệp vốn nhiều năm nay còn rất khiêm tốn trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hai giá trị căn bản mà các doanh nghiệp hướng tới khi đưa cổ phiếu vào niêm yết là tạo thanh khoản, giúp các cổ đông có nơi giao dịch thuận lợi và huy động vốn mới từ phát hành. Tuy nhiên, thực tế sau giai đoạn thị trường chứng khoán sốt nóng 2006 - 2007, các năm sau đó, số doanh nghiệp gọi được vốn mới bằng phát hành cổ phiếu, trái phiếu là rất thấp.

Vì nhu cầu mở rộng kinh doanh, nhiều doanh nghiệp vẫn phải tăng vốn, nhưng thực hiện bằng nhiều cách khác, như trả cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ, phát hành trái phiếu chuyển đổi… là những cách làm chủ đạo trên thị trường. Năm 2016, 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam giúp các chủ thể trong nền kinh tế huy động được trên 300.000 tỷ đồng/năm, nhưng chủ yếu là huy động từ công cụ trái phiếu chính phủ (chiếm khoảng 80%).

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng khuyên rằng: "Thời gian là kẻ thù của những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và là bạn của doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả. Nếu doanh nghiệp bạn đầu tư có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu 20 - 25%, thời gian là bạn của bạn. Nếu tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp thấp hơn mức bạn mong muốn thì thời gian là kẻ thù của bạn".

Vậy làm thế nào để doanh nghiệp trên sàn gọi vốn thành công? Theo cách mà các nhà đầu tư chuyên nghiệp đánh giá thì sau giai đoạn doanh nghiệp “bán giấy lấy tiền”, chỉ những doanh nghiệp duy trì được hiệu quả kinh doanh, đồng thời tạo dựng được niềm tin cho nhà đầu tư và các cổ đông bằng sự minh bạch và triển vọng kinh doanh khả thi thì mới có thể gọi được dòng vốn mới. 

Tin bài liên quan