Sau giai đoạn điều chỉnh, các cổ phiếu trong VN30 được kỳ vọng sẽ là tâm điểm thu hút dòng tiền quay trở lại TTCK

Sau giai đoạn điều chỉnh, các cổ phiếu trong VN30 được kỳ vọng sẽ là tâm điểm thu hút dòng tiền quay trở lại TTCK

Tâm điểm hút dòng tiền trở lại

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 của các doanh nghiệp lớn trong  nhóm cổ phiếu VN30 được kỳ vọng sẽ là tâm điểm hút dòng tiền trở lại, giúp thị trường chứng khoán sớm vượt qua giai đoạn khó khăn và lấy lại đà tăng trưởng.

Nét mới trong VN30

Ngày 16/7/2018, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) công bố danh mục VN30 mới sau kỳ rà soát tháng 7/2018 và sẽ có hiệu lực từ 23/7/2018 tới 25/1/2019.

Theo đó, 3 cổ phiếu PNJ của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng và VRE của Công ty cổ phần Vincom Retail được thêm vào danh mục thành phần chỉ số.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, BVH của Tập đoàn Bảo Việt và NT2 của Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 bị loại khỏi danh mục.

Thông tin trên lập tức có tác động tích cực đến thị giá cổ phiếu VRE, VPB và PNJ trên thị trường. Trong 2 phiên 16 - 17/7, giá PNJ tăng 10,5%, VRE tăng 10,7%, VPB tăng 7,5%.

Thời điểm cuối phiên 17/7, giá trị vốn hóa của VRE đạt 76.804 tỷ đồng, đứng thứ 9 trong VN30 và thứ 11 toàn sàn HOSE. Tương tự, giá trị vốn hóa VPB đạt 71.359 tỷ đồng, đứng thứ 12; giá trị vốn hóa PNJ là 15.225 tỷ đồng, đứng thứ 20 trong VN30. Tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free-loat) của 3 mã này trong bộ chỉ số mới lần lượt là 45%, 60% và 70%.

Chính thức ra mắt từ tháng 1/2012, VN30 là chỉ số giá của 30 công ty niêm yết trên HOSE có giá trị vốn hoá và thanh khoản hàng đầu, đáp ứng các tiêu chí sàng lọc. Đây cũng là chỉ số đầu tiên trên TTCK Việt Nam đưa tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng và giới hạn vốn hóa vào công thức tính chỉ số.

Sự ra đời của VN30 bên cạnh chỉ số VN-Index truyền thống được kỳ vọng giúp cung cấp cho nhà đầu tư thông tin đầy đủ, chính xác hơn về thị trường, khắc phục được phần nào điểm hạn chế của VN-Index là dễ bị “dẫn dắt” bởi một số cổ phiếu lớn do cách tính thuần túy dựa vào giá trị vốn hóa.

Định kỳ 6 tháng 1 lần, danh mục VN30 được HOSE rà soát nhằm đảm bảo tính cập nhật với biến động của thị trường. Những năm qua, không ít cổ phiếu trong VN30 đã bị loại sau mỗi kỳ rà soát khi kết quả kinh doanh, thị giá cổ phiếu đi xuống như HAG, HNG, ITA, KBC, QCG…

Sự sàng lọc, rà soát kỹ càng khiến VN30 được xem là sự phân loại gián tiếp chất lượng các doanh nghiệp niêm yết. Để được lựa chọn và nằm trong rổ tính chỉ số lâu dài, không có cách nào khác là doanh nghiệp phải nỗ lực trên mọi phương diện từ duy trì kết quả sản xuất - kinh doanh hiệu quả, quản trị công ty minh bạch đến thực hiện tốt nghĩa vụ công bố thông tin.

Chính chất lượng và mức độ minh bạch của các cổ phiếu đã góp phần tạo “thương hiệu” VN30 và trở thành mục tiêu, là phần thưởng cho nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp khi niêm yết. Với nhà đầu tư nước ngoài, VN30 là nhóm doanh nghiệp đầu tiên được hướng tới khi tìm hiểu TTCK Việt Nam. Còn với cơ quan quản lý, VN30 là cơ sở đầu tiên trong các lộ trình phát triển sản phẩm mới.

Đặc biệt, vai trò của VN30 còn quan trọng hơn khi TTCK phái sinh đi vào hoạt động tháng 8/2017, với sản phẩm đầu tiên là các hợp đồng tương lai tham chiếu trên chỉ số này. Thành công bước đầu của thị trường phái sinh khi thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư tham gia đã khiến mỗi biến động trong danh mục VN30 đều được quan tâm, theo dõi sát sao.

Từ tháng 10/2014, VN30 đã trở thành danh mục tham chiếu của Quỹ E1VFVN30 - quỹ ETF nội địa đầu tiên trên TTCK Việt Nam, được Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) quản lý.

Báo cáo của VFM cho biết, tại ngày 17/7/2018, Quỹ E1VFVN30 có giá trị tổng tài sản 3.899 tỷ đồng. Thời điểm cuối quý II/2018, có 99,3% tài sản của Quỹ được đầu tư vào các cổ phiếu thuộc VN30, trong đó có 1,4 triệu cổ phiếu BID, 554.000 cổ phiếu BVH, 705.000 cổ phiếu NT2.

Như vậy, để đảm bảo tính cập nhật sau kỳ rà soát vừa qua, nhiều khả năng E1VFVN30 sẽ phải bán ra toàn bộ cổ phiếu BID, BVH, NT2 đang có và mua mới VPB, VRE, PNJ. Hiện Quỹ đang trong thời gian cơ cấu từ ngày 17 - 25/7 và kỳ giao dịch hoán đổi đầu tiên sau đợt cơ cấu này sẽ diễn ra từ ngày 26/7/2018.

Tính đến hết phiên giao dịch 17/7, tổng giá trị vốn hóa của nhóm VN30 là 1,906 triệu tỷ đồng, tương đương 65% tổng vốn hóa sàn HOSE. Trong đó, 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất chiếm 47,5% vốn hóa. Với tỷ trọng lớn, biến động của danh mục VN30 có sức ảnh hưởng mạnh đến xu hướng của VN-Index nói riêng và TTCK nói chung.

Sau giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh, dấu hiệu kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp thuộc nhóm VN30 trong quý II và 6 tháng đầu năm 2018 đang được kỳ vọng sẽ là nền tảng hỗ trợ thị trường phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.

Lạc quan kết quả 6 tháng đầu năm

Hầu hết doanh nghiệp trong VN30 đều là các tổng công ty, tập đoàn lớn phải thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính (BCTC), nên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp công bố BCTC quý II và 6 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, một số ước tính do các doanh nghiệp công bố cũng như của các công ty chứng khoán gần đây cho thấy, xu hướng lạc quan vẫn đang chiếm ưu thế.

Chẳng hạn, trong nhóm ngân hàng, 5 cổ phiếu thuộc VN30 đều có những ước tính khả quan.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018, lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương (VCB) chia sẻ, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 7.722 tỷ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Tại Ngân hàng Công thương (CTG), lợi nhuận 6 tháng ước đạt 5.200 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với Ngân hàng Quân đội (MBB), lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng và các công ty con trong 6 tháng ước đạt 3.800 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 56% kế hoạch năm.

Đối với VPB và Ngân hàng Sacombank (STB), nhiều dự báo cho thấy, lợi nhuận có thể tăng mạnh.

Trong ngành bán lẻ, theo kết quả sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 của PNJ, doanh thu đạt 7.324 tỷ đồng, tăng 34%, lợi nhuận trước thuế đạt 636,5 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ 2017, lần lượt hoàn thành 53% và 58% kế hoạch cả năm.

Tại Công ty cổ phần Thế giới Di động (MWG), doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong 5 tháng đầu năm 2018 tăng 43%. Trong báo cáo phân tích tháng 6/2018 của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), SSI đã điều chỉnh tăng dự phóng kết quả kinh doanh năm 2018 của MWG; dự báo doanh thu, lợi nhuận lần lượt tăng 30,2% và 34% so với năm 2017.

Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) ước tính, lợi nhuận thuần của cổ đông trong 6 tháng đầu năm 2018 có thể gấp 3 lần cùng kỳ năm 2017.

Trong ngành thép, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố sản lượng tiêu thụ thép xây dựng 6 tháng đầu năm 2018 đạt gần 1,1 triệu tấn, tăng so với cùng kỳ năm 2017, dù lò cao số 2 phải bảo dưỡng 2 tháng; sản lượng ống thép tăng 14,8%.

Bản tin ngày 16/7 của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận định, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của HPG có thể tăng 28,75% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu tăng khoảng 30% nhờ giá bán bình quân và sản lượng đều tăng.

Đại diện cho ngành dầu khí, Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS) ước tính, lợi nhuận sau thuế 6 tháng tăng 29,5% so với cùng kỳ nhờ giá dầu bình quân tăng cao hơn 42% so với kế hoạch, đạt 71 USD/thùng.

Với nhóm chứng khoán, SSI ước tính, lợi nhuận trước thuế 6 tháng tăng gần 20% so với cùng kỳ. Cùng với lợi nhuận tăng trưởng, quý II/2018 ghi nhận sự bứt phá về thị phần môi giới của SSI khi chiếm tới 23,08% sàn HOSE.

Sau khi lập đỉnh 1.204,3 điểm, VN-Index đã giảm hơn 25% trong quý II/2018. Tín hiệu hồi phục bước đầu xuất hiện từ ngưỡng 900 điểm, nhưng dòng tiền vào thị trường vẫn khá dè dặt với thanh khoản ở mức thấp, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư còn thiếu bền vững và chưa sẵn sàng rót tiền mua mới cổ phiếu.

Tuy vậy, với những kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm cùng triển vọng tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm, trong khi giá nhiều cổ phiếu đang ở vùng hấp dẫn, nhóm cổ phiếu VN30 được kỳ vọng sẽ là tâm điểm thu hút dòng tiền quay trở lại.

Tin bài liên quan