Sức ép cạnh tranh và thanh lọc công ty chứng khoán

Sức ép cạnh tranh và thanh lọc công ty chứng khoán

(ĐTCK) Cuộc cạnh tranh trong khối công ty chứng khoán (CTCK) đang gia tăng ở cả ở nhóm đầu lẫn nhóm cuối, nhất là khi thị trường chứng khoán đón thêm sản phẩm mới sắp ra mắt. 

Ở TOP đầu, ngay sau khi chứng quyền có đảm bảo được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép phát hành cách đây 10 ngày, những CTCK đầu tiên đã có mặt trên đường đua mới như CTCK MB, CTCK BIDV, CTCK SSI, CTCK TP.HCM, CTCK VNDirect…

Ðây đều là các công ty trong Top 10 CTCK có thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu lớn nhất cả trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX).

Vẫn còn sớm để đo đếm được đóng góp của chứng quyền có đảm bảo cho tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của CTCK, nhưng rõ ràng, sản phẩm mới ra đời sẽ mang lại dư địa cạnh tranh mới cho các CTCK.

Ðó là lý do không “ông lớn” nào muốn chậm chân, vì nếu chậm chân sẽ phải đối mặt với rủi ro khách quay lưng với mình để tìm sang CTCK khác có cung cấp sản phẩm mới.

Cách đây chưa đầy 2 năm, những CTCK trong TOP đầu thị trường cũng đã tham gia vào cuộc đua triển khai sản phẩm phái sinh đầu tiên là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30, nay tiếp tục thể hiện sự lấn lướt trong tham gia triển khai chứng quyền có đảm bảo.

Chứng quyền có đảm bảo sẽ khai mở giao dịch vào ngày 28/6 tại HOSE và ngay sau đó, theo dự kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HNX sẽ triển khai sản phẩm phái sinh thứ hai là Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ.

Các CTCK lớn tiếp tục là những ứng viên nặng ký tham gia ngay từ đầu triển khai sản phẩm mới phái sinh thứ hai, nhằm tận dụng những cơ hội phát triển mới. Sự cạnh tranh vươn lên dẫn đầu của các CTCK lớn sẽ tiếp tục tăng lên theo sự xuất hiện của những yếu tố mới trên thị trường.

Trong khi các CTCK ở nhóm đầu đang chạy đua thu hút khách hàng, giành thứ hạng cao trong cung cấp sản phẩm mới, thì các CTCK nhỏ đang phải chịu sức ép đào thải ngày một lớn hơn. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thu hồi giấy phép hoạt động của CTCK Việt Quốc, đồng thời yêu cầu CTCK Beta ngừng thực hiện giao dịch ký quỹ và rút nghiệp vụ tự doanh chứng khoán của CTCK Sen Vàng do không duy trì các điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định...

Diễn biến trên cho thấy, các giải pháp thị trường đang gia tăng sức ép trong thanh lọc, đào thải CTCK. Ðiều này cùng với nội dung mới được đề xuất tại Luật Chứng khoán sửa đổi theo hướng mở đường cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuận lợi trong rút giấy phép hoạt động của các CTCK “chết lâm sàng” tồn tại suốt thời gian qua, cũng như sức ép của các công cụ thị trường lẫn công cụ hành chính, nhiều CTCK ốm yếu sẽ khó tồn tại trên thị trường.

Sự thanh lọc là cần thiết nhằm tăng chất lượng dịch vụ trên thị trường chứng khoán, cải thiện niềm tin đầu tư, góp phần thu hút hiệu quả hơn các dòng vốn mới, nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

Hy vọng, khi khó khăn qua đi, thị trường sáng sủa hơn, các doanh nghiệp sẽ dễ gọi vốn qua thị trường chứng khoán để cải thiện tình trạng hiện nay, chỉ có rất ít doanh nghiệp gọi được vốn và tỷ trọng vốn cung ứng từ hị trường chứng khoán cho nền kinh tế còn thấp, mới chiếm 14% trong năm 2018.

Tin bài liên quan