Sức bền dòng vốn nội đến đâu?

Sức bền dòng vốn nội đến đâu?

(ĐTCK) Diễn biến giao dịch trên TTCK suốt một tuần qua cho thấy, dòng vốn nội đang ào ạt đổ vào thị trường và hấp thụ khá tốt lực cung ở một số cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng. Tâm lý thị trường không còn e sợ trước động thái bán ròng của khối ngoại, mặc dù phiên giao dịch ngày hôm qua có xu hướng chốt lời ở những cổ phiếu bluechips.

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang giảm về mức thấp. Hàng loạt cổ phiếu thị giá thấp đã tăng về mệnh giá nhờ kỳ vọng của nhà đầu tư về việc hưởng lợi suất cổ tức trên giá cao hơn lãi suất tiết kiệm 6%/năm, như SAM, DIC, TLH, KMR, ICG, HQC, CDC…

Với dự báo kinh tế vĩ mô đã ổn định, đầu vào cho hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ không có nhiều biến động, thì việc doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận để đảm bảo tỷ lệ cổ tức 10%/năm không phải là quá khó. Nếu như năm ngoái, nhiều nhà đầu tư còn thờ ơ với những cổ phiếu dưới mệnh giá có cổ tức bằng tiền mặt 10%/năm, thì hiện tại, họ đã nhận ra, nếu nắm những giữ cổ phiếu này trong thời hạn 12 tháng, có thể nhận cổ tức 2013 và 2014 trên giá trị đầu tư thực (mua dưới mệnh giá) đến 20%/năm, cao hơn lãi suất tiết kiệm rất nhiều.

Phân tích này cho thấy, không khó để lý giải vì sao dòng tiền nội vẫn đang tích cực chảy vào TTCK. Trong khi đó, nếu nhìn vào giá các cổ phiếu bluechips đã dẫn đầu thị trường sớm tăng điểm như HSG, HPG, FPT, IMP…, có thể thấy, giá cổ phiếu đã lập đỉnh giá của giai đoạn 4 năm qua, nhưng vẫn giao dịch trong trạng thái tích lũy, chứ không hề có dấu hiệu giảm giá do bị dòng tiền rời bỏ để chạy sang các nhóm cổ phiếu khác.

Chia cổ tức cao và chia một phần lớn cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2013 cũng như tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng tốt trong năm 2014 là lý do những cổ phiếu này vẫn tiếp tục hút dòng tiền của nhà đầu tư.

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu phân tích CTCK MBS, mức 655 điểm của thị trường kỳ vọng sẽ sớm đạt được. Nền kinh tế đang phục hồi, TTCK được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực phía trước như nới room cho khối ngoại, Việt Nam ký Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều quỹ đầu tư vừa thành lập đang chờ đợi để giải ngân...

Nhìn trong trung hạn thì MBS cho rằng, thị trường bước vào chu kỳ tăng giá dài hạn với đỉnh của thị trường rơi vào năm 2016 và khuyến cáo nhà đầu tư nên nắm giữ dài hạn một phần cổ phiếu trong danh mục.

Niềm tin của nhà đầu tư nội vào sự phục hồi của nền kinh tế và TTCK đã quay trở lại, nên không có lý do gì để dòng vốn rời khỏi thị trường, đặc biệt trong bối cảnh các kênh đầu tư cạnh tranh khác không còn hấp dẫn.

Tin bài liên quan