Dự thảo Thông tư 210 (sửa đổi) cấm các CTCK cho vay thế chấp bằng cổ phiếu OTC

Dự thảo Thông tư 210 (sửa đổi) cấm các CTCK cho vay thế chấp bằng cổ phiếu OTC

Sửa đổi Thông tư 210: Tác dụng phụ của “chọn - cho”

(ĐTCK) Ủng hộ mục tiêu làm lành mạnh, minh bạch hoạt động của khối CTCK, nhưng nhiều thành viên thị trường cho rằng, một số điểm trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và hoạt động CTCK đã cấm đoán quá mức cần thiết.

Chấn chỉnh lộn xộn

Các quy định trong dự thảo Thông tư cho thấy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước biết rất rõ các hoạt động lộn xộn của khối CTCK thời gian qua trong việc vay, cho vay, sử dụng vốn… như lạm dụng tiền gửi của NĐT để cho vay đầu tư, huy động vốn trực tiếp từ NĐT bằng các hợp đồng hợp tác đầu tư hay các sản phẩm liên kết đầu tư, các giao dịch liên quan giao dịch uỷ thác, liên quan đến ngân hàng cho CTCK vay tiền cho công ty thứ ba vay để mua lại cổ phần của chính ngân hàng đó.

Các quy định trong Thông tư 210 (sửa đổi) thể hiện thái độ kiên quyết và cứng rắn của cơ quan quản lý trong việc chấn chỉnh tình trạng lộn xộn nêu trên, đưa hoạt động của các CTCK vào khuôn khổ. 

… nhưng quá mạnh tay

Các quy định liên quan đến hoạt động vay, cho vay, sử dụng vốn của CTCK đều liệt kê rõ những hoạt động CTCK được làm và “cấm dưới mọi hình thức” các hoạt động khác. Chính cụm từ “cấm dưới mọi hình thức” áp dụng nguyên tắc “chọn - cho” trong xây dựng Thông tư 210 (sửa đổi) đã hạn chế luôn cả nghiệp vụ cần thiết mà Ban soạn thảo chưa lường hết trong thực tế. Thậm chí, có những điều khoản cấm của Thông tư mà có CTCK cho rằng, trái ngược tinh thần của các luật khác và vi phạm quyền của doanh nghiệp, như ĐTCK đã phản ánh trong các số báo trước.

Trong thực tế, CTCK có thể vay tiền bằng cách bán trái phiếu chính phủ, sau đó mua lại trái phiếu sau một kỳ hạn nhất định (bản chất là giao dịch vay có thế chấp trái phiếu chính phủ bằng giao dịch mua bán). Rõ ràng, đây là một hoạt động có rủi ro thấp, nhưng dự kiến sẽ không được tiếp tục thực hiện.

Hay trong hoạt động cho vay thế chấp bằng cổ phiếu OTC (chưa được niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK tập trung), CTCK có thể gặp rủi ro vì cổ phiếu OTC mất thanh khoản, nhưng có những cổ phiếu OTC là tài sản đáng giá có rủi ro thấp. Đơn cử, với cổ phiếu Sabeco, các CTCK sẵn sàng nhận thế chấp để cho vay. Nhận cổ phiếu nào làm tài sản thế chấp là tùy thuộc vào đánh giá rủi ro của từng CTCK. Nếu cấm cho vay thế chấp bằng cổ phiếu OTC sẽ hạn chế sự linh hoạt trong hoạt động của doanh nghiệp.

Ở điều khoản về hoạt động vay và cho vay mà CTCK được phép, Ban soạn thảo dường như mới chỉ tính đến nghiệp vụ môi giới, mà không tính đến các nghiệp vụ khác. Chẳng hạn, trong tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn M&A, CTCK có thể phải thực hiện những thương vụ phải vay và cho vay để khách hàng tái cơ cấu tài chính. CTCK sẽ là đơn vị trung gian để kết nối ngân hàng và doanh nghiệp. Như vậy, rủi ro thuộc về CTCK, còn thương vụ thành công thì đôi bên cùng có lợi, nhưng dự thảo quy định mới không cho phép CTCK được thực hiện.

“Ở đây, CTCK không phải cho DN vay vốn lưu động, mà cho vay vốn tái cơ cấu công ty. CTCK tự chịu trách nhiệm về thành công của thương vụ dựa trên đánh giá năng lực khách hàng khi thực hiện tư vấn”, lãnh đạo một CTCK nói.

Có điều khoản trong dự thảo Thông tư được đánh giá là thiếu tính khả thi trong việc ngăn ngừa những nguy cơ tiềm ẩn trên thị trường. Ví dụ, mục d, khoản 1, Điều 44 dự thảo Thông tư quy định: “Việc ứng trước tiền bán chỉ thực hiện đối với trường hợp chứng khoán giao dịch nằm trong danh sách chứng khoán được giao dịch ký quỹ của công ty”.

Quy định trên được thiết kế nhằm ngăn chặn nguy cơ CTCK ứng trước tiền cho những mã chứng khoán có rủi ro cao. Thực tế, có tình trạng khách hàng đưa một số chứng khoán (chủ yếu của doanh nghiệp nhỏ) đến lưu ký ở một CTCK, sau đó bán qua tài khoản một CTCK khác dưới dạng thỏa thuận. Cổ phiếu của những doanh nghiệp này thường không có giao dịch trên thị trường và bị đẩy giá lên rất cao so với giá trị thật. Sau đó, bên bán sẽ làm thủ tục ứng trước tiền bán chứng khoán. Đến ngày T+3, bên mua không thực hiện thanh toán, giao dịch bị hủy. Thiệt hại thuộc về CTCK ứng trước tiền cho bên bán. Chính vì rơi vào tình trạng này mà một CTCK đã bị rút giấy phép hoạt động.

Theo quy định, để cổ phiếu được giao dịch ký quỹ, doanh nghiệp phải kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp có mức lãi rất thấp, nhưng cổ phiếu bị làm giá cao chót vót. Do đó, quy định này chỉ hạn chế nguy cơ, chứ không triệt tiêu được nguy cơ CTCK bị thiệt hại khi ứng trước tiền cho những cổ phiếu có giá “ảo”.

Theo các CTCK, rủi ro của CTCK trong tình huống này không nằm ở quy định ứng trước tiền bán, mà nằm ở cơ chế giao dịch lạc hậu của TTCK Việt Nam. Cụ thể, lệnh mua bán đã khớp vẫn đứng trước rủi ro bị huỷ giao dịch nếu khách hàng không thanh toán, trong khi CTCK đã ứng trước tiền bán.

Hệ thống giao dịch tại các TTCK tiên tiến là giao dịch - bù trừ (CCP) - hệ thống thanh toán. Khi lệnh đã khớp, nếu CTCK không thanh toán được thì hệ thống thanh toán bù trừ dùng Quỹ dự trữ để thanh toán, sau đó sẽ xử lý lại CTCK và xử phạt rất nặng nếu CTCK nào hủy lệnh không đúng quy định.

Tại Việt Nam, do chưa có Trung tâm thanh toán bù trừ (CPP) nên thực hiện bù trừ tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (các thị trường khác bù trừ tại Sở giao dịch, Trung tâm lưu ký chỉ thực hiện lưu ký và thanh toán). Các quy định về hủy lệnh đã có, nhưng thực hiện trên thực tế còn lỏng lẻo. Có công ty phản ánh, trong trường hợp hủy lệnh, 2 CTCK có lệnh đối ứng sẽ tự thỏa thuận với nhau. Như vậy, vấn đề cần giải quyết không phải là “ứng trước tiền bán”, mà chính là cơ chế đảm bảo thanh toán, quy định huỷ giao dịch cần rõ ràng hơn và áp dụng nghiêm khắc hơn.

Các quy định liên quan đến quản lý tiền của NĐT trong dự thảo Thông tư khá dài và chi tiết, nhưng cũng nhận được góp ý từ các CTCK là “chưa đi vào trọng tâm”. Trong khi Ban soạn thảo muốn kiểm soát đến chân tài khoản NĐT để đảm bảo an toàn, trách tình trạng CTCK lạm dụng tiền của NĐT thì các CTCK than phiền, nếu để ngân hàng quản lý tiền của NĐT, một CTCK có cả ngàn giao dịch không thể kiểm tra tiền mặt trong tài khoản của NĐT tại ngân hàng được.

Việc CTCK có tài khoản tổng tại ngân hàng không có nghĩa là không tách bạch tiền của của NĐT, mà quan trọng là cách thức quản lý và chuyển tiền. Khách hàng chuyển tiền vào tài khoản chứng khoán thông qua tài khoản tổng của CTCK tại ngân hàng, nhưng khi rút tiền, khách hàng phải chuyển tiền về tài khoản cá nhân tại ngân hàng rồi đến ngân hàng rút tiền.

Hiện nay, tại các CTCK đều có một phòng thu chi của ngân hàng, nhưng thực ra chỉ là chi thu hộ CTCK. NĐT có thể nộp hay rút tiền mặt trực tiếp tại CTCK. Tiền có thể được truyển trực tiếp từ tài khoản chứng khoán này sang tài khoản khác trong CTCK, tức CTCK làm chức năng thanh toán của ngân hàng. Đường đi của tiền thực tế không qua trung gian ngân hàng, mà nguyên tắc đúng là mọi giao dịch phải thông qua tài khoản ngân hàng theo Luật Phòng chống rửa tiền. Khi đó, tài khoản A muốn chuyển tiền cho tài khoản B phải chuyển tiền về tài khoản ngân hàng của A, rồi từ đó chuyển vào tài khoản ngân hàng của B, B chuyển vào tài khoản chứng khoán.

Cơ chế tài khoản tổng không chỉ cần cho thị trường cơ sở, mà cần thiết cho cả thị trường phái sinh. Quan trọng là cơ chế quản lý tài khoản tổng phải rõ ràng, CTCK khó có thể dựa vào ngân hàng để theo dõi quản lý tiền của NĐT.

Đi sâu vào các quy định liên quan đến quản lý tiền của NĐT, có lẽ Ban soạn thảo cần tiếp tục ghi nhận ý kiến của các thành viên thị trường để hoàn thiện, bởi đây là các quy định liên quan đến quy trình nghiệp vụ rất cụ thể và khá tinh vi, nhất khi thị trường phái sinh dự kiến được thành lập và đi vào vận hành trong năm tới.

Tin bài liên quan