Ranh giới gữi việc sử dụng và lạm dụng vốn huy động rất mong manh!

Ranh giới gữi việc sử dụng và lạm dụng vốn huy động rất mong manh!

Sử dụng hay lạm dụng thị trường vốn?

(ĐTCK-online) Đâu là ranh giới giữa việc sử dụng thị trường vốn với các điều kiện rất thuận lợi hiện nay để huy động vốn phát triển sản xuất - kinh doanh và lạm dụng thị trường để “móc túi” tiền nhà đầu tư?

Thử hình dung một doanh nghiệp (DN) sản xuất huy động vốn từ phát hành cổ phiếu, sau đó lại đầu tư tài chính vào một ngân hàng và ngân hàng này lại cho người dân hay doanh nghiệp (DN) vay. Về mặt lý thuyết thì vốn đi một vòng tròn và trở về điểm ban đầu.

Cuối năm ngoái, vào thời điểm thị trường OTC đang “sốt nóng”, một công ty cổ phần (thực chất là của một ông chủ duy nhất) ở miền Bắc đã mau chóng cơ cấu lại hoạt động của các công ty, tập trung lợi nhuận về cho công ty mẹ để bán cổ phần cho các nhà đầu tư bên ngoài với giá gấp 7-8 lần mệnh giá. Chỉ cần bán khoảng 20% giá trị DN, ông này đã có thể thu về khoản lời cho cá nhân ông gần bằng giá trị DN ông đang sở hữu. Ngay sau cơn sốt, giá cổ phiếu giảm xuống, nhà đầu tư chịu thiệt ôm cổ phiếu ngồi đợi giá tăng lên trở lại, còn ông chủ DN vớ bẫm do biết tranh thủ và lợi dụng thời cơ.

Song có lẽ ngon nhất là những cổ đông có phần góp vốn sáng lập các ngân hàng. Không ít ngân hàng mới xin giấy phép thành lập, nhưng cổ đông sáng lập đã bán suất mua cổ phiếu sáng lập với giá gấp 2,5 lần mệnh giá. Tức là, nếu bán đi một nửa số cổ phần được góp vào ngân hàng, cổ đông sáng lập có thể sở hữu một nửa số cổ phần còn lại mà không mất đồng nào.

Nhiều DN lạm dụng thị trường khan hiếm hàng hoá để phát hành cổ phiếu với giá cao nhất có thể được. Thông thường, để chuẩn bị cho các đợt phát hành, đấu giá cổ phiếu chính thức, các cổ đông trong công ty thường đẩy ra thị trường OTC một số lượng cổ phiếu nhất định và “làm giá” bằng một số hình thức như xây dựng kế hoạch tăng vốn, thưởng cổ phiếu... Mức giá thị trường hình thành sau đó sẽ là cơ sở để xác định giá cho các cuộc đấu giá, phát hành cổ phiếu chính thức tiếp theo. Nhiều DN đã phải hoãn lại các cuộc phát hành khi thị trường điều chỉnh, tức mức giá đấu có thể sẽ không bằng “giá thị trường”  mà chính họ đã góp phần đẩy lên.

Cũng từ quan điểm tranh thủ hay lạm dụng thị trường đã làm nảy sinh tranh luận xung quanh đấu giá cổ phần của Đạm Phú Mỹ mới đây. Một số quan điểm cho rằng, nếu bán cổ phiếu từng bước một và chọn thời điểm đấu giá khác, cổ phiếu Đạm Phú Mỹ có thể bán được với giá 90.000 đồng/cổ phiếu hay 100.000 đồng/cổ phiếu chứ không phải chỉ hơn mức giá khởi điểm 50.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, có phải cách làm của Đạm Phú Mỹ đã làm thiệt hại cho Nhà nước?

Theo ông Đinh Hữu Lộc, Trưởng Ban đổi mới Công ty Phân đạm và Hoá chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ) thì việc xác định giá khởi điểm 50.000 đồng/cổ phiếu là phản ánh giá trị thực của Công ty. Vì thế sau khi đấu giá, giá cổ phiếu Đạm Phú Mỹ tăng lên không đáng kể. Ông Lộc lập luận rằng, nếu đẩy giá đấu lên cao quá so với giá trị thực để bán cho người dân thì chẳng khác nào “móc túi người dân”. “Đó là điều không nên làm”, ông Lộc bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, nhiều DN đã lạm dụng thị trường huy động một số lượng vốn lớn, không tương xứng với nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh. Không ít DN đã mở rộng mảng đầu tư tài chính để tiêu thụ nguồn vốn huy động trong ngắn hạn. Theo đánh giá của các chuyên gia, công tác tiền kiểm của cơ quan quản lý trong hoạt động huy động vốn của DN thời gian qua có khi kéo dài làm mất thời gian tận dụng cơ hội kinh doanh của DN, nhưng ngược lại hoạt động hậu kiểm, kiểm tra xem vốn huy động có được sử dụng đúng mục đích lại chưa thực hiện được bao nhiêu. Đó cũng là nguy cơ đáng lo ngại cho nhà đầu tư.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư mới đây, ông Huy Nam chuyên gia về chứng khoán lo ngại, thị trường vốn mới “lên đọt” mà nhiều DN đã muốn “bẻ đọt” ăn ngay thì làm sao thị trường phát triển được. “Các DN không chỉ khai thác, mà cần phải biết nuôi dưỡng thị trường này”, ông Nam khuyến cáo.