Vấn đề dư luận quan tâm nhất lúc này là cách mà HNX và UBCK sẽ “tư vấn” cho SQC

Vấn đề dư luận quan tâm nhất lúc này là cách mà HNX và UBCK sẽ “tư vấn” cho SQC

SQC và những câu hỏi ngỏ

(ĐTCK-online) Việc CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC) xin ý kiến Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) về việc rút niêm yết vì điều kiện kinh doanh không thuận lợi đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bấy lâu nay, SQC là một cổ phiếu “nóng” vì sự có mặt của cổ phiếu này trên sàn Hà Nội gây nhiều tranh cãi trong giới đầu tư.

>> SQC nên tự quyết định số phận của mình

>> SQC xin ý kiến về việc tạm ngừng giao dịch

SQC có vi phạm công bố thông tin bất thường?

Theo Thông tư 09/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/1 hướng dẫn về công bố thông tin trên TTCK, tại điểm 2.1.3 khoản 2 mục IV của Thông tư, “khi có các sự kiện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc tình hình quản trị của tổ chức niêm yết”, tổ chức niêm yết phải công bố thông tin trong thời hạn 24h.

Từ nhiều tháng nay, SQC đã tạm ngừng sản xuất và sản xuất cầm chừng công đoạn sản xuất xỉ titan, do thuế xuất khẩu xỉ titan quá cao và không giảm theo kiến nghị chung của Hiệp hội Titan và các bộ, ngành.

Nhưng theo giải trình của SQC với HNX, sở dĩ SQC không thực hiện công bố thông tin này vì công đoạn sản xuất xỉ titan chỉ là 1 trong 5 hoạt động cơ bản của SQC gồm: khai thác titan thô; sản xuất và chế biến quặng titan thô thành Ilmenite hàm lượng 52% TiO2 xuất khẩu; sản xuất và chế biến Ilmenite 52% thành xỉ titan 92%, kinh doanh thương mại Ilmenite 52%, kinh doanh thương mại xỉ titan 92%; các hoạt động khác như hoạt động xây dựng, hoạt động dịch vụ, hoạt động tư vấn và nhận thầu EPC để xây dựng nhà máy chế biến khoáng sản khác…

Theo quảng cáo của SQC tại hội nghị giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu SQC tổ chức tại TP. HCM, trước khi niêm yết, hoạt động xuất khẩu xi titan hàm lượng 92% là hoạt động chính mang lại lợi nhuận cho Công ty. Và quả thực, khi thuế xuất khẩu không giảm thì lợi nhuận của SQC, một công ty có vốn điều lệ cả nghìn tỷ đồng, chỉ đạt vài tỷ đồng so với kế hoạch vài trăm tỷ đồng.

Như vậy, khâu sản xuất từ khai thác titan thô đến sản xuất và chế biến xỉ titan 92% là hoạt động chính của SQC. Việc ngừng sản xuất ở khâu này chứng tỏ SQC và các DN chế biến xỉ titan đã thất bại trong cuộc vận động Bộ Tài chính giảm thuế xuất khẩu titan trong năm nay. Đây đương nhiên là một thông tin có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của DN niêm yết trên thị trường.

Các hoạt động khác mà SQC đang tiến hành như “nghiên cứu tìm tòi, làm việc với các đối tác…” không trực tiếp tạo ra doanh thu và lợi nhuận cho cổ đông trong năm nay.

Vậy SQC có vi phạm quy chế công bố thông tin hay không? Câu hỏi này đang đặt ra đối với HNX và UBCK, vì chỉ có các cơ quan này mới có thẩm quyền phán quyết việc SQC có vi phạm hay không.

 

SQC và câu chuyện niêm yết

Kể từ sau khi niêm yết, SQC đã là một cổ phiếu nóng được nhắc đến nhiều trong giới đầu tư khi bình luận về TTCK. Sức nóng của SQC không phải vì thu hút nhiều nhà đầu tư, mà là vì khả năng làm méo mó chỉ số của sàn Hà Nội, bởi giá trị vốn hóa lớn mà thanh khoản cổ phiếu cực kỳ thấp. Cuối cùng, sàn Hà Nội đã điều chỉnh khối lượng cổ phiếu SQC tính chỉ số HN-Index, từ 100 triệu cổ phiếu (niêm yết) xuống còn 10 triệu cổ phiếu (lượng được phép chuyển nhượng). Cùng với đó, một vài nhà đầu tư đã từng bị phạt vì làm giá cổ phiếu này.

Cho đến thời điểm này, khi SQC xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc rút niêm yết thì cả thị trường đều hiểu rằng, đây hoặc là “động tác giả” hoặc chỉ là thủ tục. Với cơ cấu cổ đông đặc thù của SQC thì việc rút niêm yết hay không là tùy thuộc ý chí của một vài cổ đông sáng lập.

Bình luận về sự có mặt của SQC trên sàn Hà Nội, một số giám đốc công ty chứng khoán nói rằng, lợi ích mà SQC có được khi niêm yết là nhỏ, nhưng ảnh hưởng không tốt đến thị trường chung thì lại khá lớn.

Là một công ty có số vốn lớn, cơ cấu cổ đông rất đặc thù và hoạt động sản xuất - kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về chính sách, sự có mặt có SQC là điển hình tranh cãi về chất lượng hàng hóa niêm yết. Khi tính toán phân tích về thị trường, các công ty chứng khoán thường phải loại SQC ra khỏi rổ tính. Còn khi nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào thị trường với sự có mặt của SQC, bức tranh thị trường bị phản ánh méo mó.

Việc SQC có nên rút niêm yết khỏi sàn Hà Nội không cần được nhìn từ hai góc độ. Đó là lợi ích của doanh nghiệp khi niêm yết và lợi ích chung của thị trường, mặc dù đứng về mặt pháp lý, chẳng có cơ sở nào để nói SQC không đủ tiêu chuẩn niêm yết. Được biết, ở các thị trường phát triển hơn Việt Nam ,  họ thường có thêm quy định về tính thanh khoản tối thiểu của cổ phiếu niêm yết.

 

Câu hỏi khó với HNX và UBCK

Ai cũng biết, đứng sau SQC là doanh nhân Đặng Thành Tâm, người rất tích cực trong các hoạt động đầu tư kinh doanh và hoạt động khác trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam, thường xuyên tháp tùng lãnh đạo cao cấp đi công tác ở nước ngoài, nhằm phát triển đầu tư, thương mại… Nhưng việc vận động của SQC và các DN chế biến sâu titan khác trong việc giảm thuế xuất khẩu xỉ titan 92% vẫn không được như ý, dù có sự ủng hộ của chính quyền địa phương.

Bộ Tài chính chỉ giảm thuế từ 18% xuống 15% khiến các DN chế biến xỉ titan sẽ lỗ ít nhất 5% giá trị xỉ và 50% giá trị titan thô. Sự chậm trễ trong điều chỉnh chính sách khiến nhiều DN trong ngành phải tạm ngừng sản xuất. Đây là câu hỏi đặt ra với Bộ Tài chính. Việc duy trì mức thuế xuất khẩu 15% xỉ titan chế biến là nhằm mục đích gì, dựa trên cơ sở nào?

Nếu chính sách thuế của Bộ Tài chính là bất hợp lý và việc sửa đổi là tất yếu thì câu chuyện của SQC lúc này sẽ sớm đi đến hồi kết. Và việc SQC rút niêm yết khỏi sàn Hà Nội (nếu các cổ đông lớn quyết định như thế) chỉ là một bước lùi tạm thời. Nhưng đó chỉ là nếu, còn thực tế vấn đề dư luận quan tâm nhất lúc này là cách mà HNX và UBCK sẽ “tư vấn” cách xử lý vấn đề cho SQC, trong bối cảnh nguyên nhân chính dẫn SQC rơi vào tình cảnh này lại là do chính sách thuế của… Bộ Tài chính.