Sốt ruột với lộ trình triển khai NVDR

Sốt ruột với lộ trình triển khai NVDR

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Qua nhiều năm chờ đợi, sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) đã chính thức được định danh trong Luật Doanh nghiệp, có hiệu lực từ 1/1/2021. 

Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể phải chờ thêm một vài năm mới có NVDR hiện hữu, bởi thị trường đang thiếu 2 điểm: pháp nhân phát hành NVDR (Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam) và khung pháp lý cụ thể cho NVDR vận hành.

Luật mở đường…

NVDR không phải là một sản phẩm phổ biến trên thế giới, nhưng được giao dịch khá hiệu quả tại một số thị trường lân cận như Thái Lan, Malaysia... TS. Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, tại Thái Lan, NVDR được hình thành theo một sáng kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vào năm 2000 sau một loạt nỗ lực tìm kiếm giải pháp thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Sản phẩm được đón nhận rất tốt sau 6 tháng đầu triển khai, góp phần giúp TTCK Thái Lan nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Giá trị giao dịch NVDR bình quân/ngày chiếm khoảng 21% tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tại Thái Lan.

TTCK Việt Nam đi sau, học cách làm NVDR của Thái Lan với hy vọng mở ra một cánh cổng mới đón vốn ngoại, bên cạnh cánh cổng hiện hữu là nới rộng tỷ lệ đầu tư (room) của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp Việt Nam.

Ưu điểm lớn nhất của NVDR là cho phép thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút thêm được dòng vốn ngoại ngay cả với các cổ phiếu đã không còn room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều năm nay, NVDR được coi là lựa chọn khả thi ở Việt Nam trong bối cảnh cả cơ quan quản lý lẫn đa số doanh nghiệp còn dè dặt trong việc nới room ngoại đến tối đa 100%.

Ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nhiều thành viên thị trường đang chờ đợi hướng dẫn chi tiết cho triển khai NVDR khi thời điểm Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực đang đến gần.

Bà Lê Thị Hồng Thái, Công ty cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital nhìn nhận, Luật Doanh nghiệp đã đưa ra quy định về phát hành NVDR, nhưng nội dung chi tiết cho triển khai giải pháp này hiện chưa có trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán do UBCK xây dựng.

Quan điểm chung của các thành viên thị trường là cơ quan quản lý cần đẩy nhanh tiến trình pháp lý, nhằm mở đường cho triển khai NVDR, do để sản phẩm vận hành, không chỉ cần nỗ lực ở phía nhà tạo chợ, mà còn cần sự chuẩn bị của các tổ chức tài chính trung gian, trong vai trò trực tiếp kết nối cung cầu đầu tư tài chính.

... Nhưng thiếu điều kiện đủ

Luật đã mở đường cho NVDR, nhưng để triển khai được sản phẩm này trên thực tế còn phải hội tụ các điều kiện về tổ chức và vận hành.

Về tổ chức, mô hình của Thái Lan là Sở GDCK lập ra một công ty con, thực hiện chức năng mua cổ phiếu như nhà đầu tư trong nước, hoán chuyển và phát hành NVDR cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại Việt Nam hiện nay, TTCK có 2 Sở GDCK cùng hoạt động, nhưng được tổ chức theo mô hình Công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và đang trong quá trình tái cấu trúc, hợp nhất thành Sở GDCK Việt Nam. Bản dự thảo Quyết định thành lập Sở GDCK Việt Nam hiện nay đã định ra không gian mở cho Sở thành lập và quản lý hoạt động của công ty con.

Theo đó, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Sở GDCK Việt Nam, dự thảo quy định, Sở thực hiện quản lý các công ty thành viên, các tổ chức trực thuộc Sở theo quy định pháp luật chứng khoán, pháp luật doanh nghiệp, pháp luật quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, điều lệ tổ chức và hoạt động... Tuy nhiên, dự thảo này vẫn chờ các bên thẩm định và quyết định ban hành của Thủ tướng Chính phủ.

Khoảng trống tiếp theo là quy định để vận hành sản phẩm NVDR. Nhiều thành viên thị trường bất ngờ khi các thông tư, nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán đang được lấy ý kiến thị trường chưa cụ thể hóa việc này.

Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, NVDR là giải pháp tối ưu cho sở hữu nước ngoài ở công ty niêm yết tại Việt Nam, nên Bộ Tài chính và UBCK cần xây dựng một chương riêng quy định về NVDR trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán mới đây, đại diện UBCK cho biết, trên cơ sở tập hợp ý kiến của các thành viên, cơ quan này sẽ cụ thể hóa quy định về NVDR trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán trước khi trình Chính phủ xem xét.

Thực tế, để sản phẩm triển khai được trong thực tế, cần sự đồng bộ của cả hệ thống, từ tổ chức, vận hành và sự sẵn sàng của các thành viên. Luật Doanh nghiệp đã mở đường, nhưng ông Hiếu cũng cho rằng, có thể cần 1 - 2 năm chuẩn bị nữa, sản phẩm NVDR mới chính thức được vận hành trên thị trường.

Maybank Kim Eng kiến nghị gỡ bỏ room 49% với Doanh nghiệp không quy định cụ thể về sở hữu khối ngoại

Cùng với giải pháp “nới room” gián tiếp thông qua triển khai NVDR, để cải thiện khả năng hút vốn ngoại cho thị trường chứng kể từ sau thời điểm áp dụng Luật Chứng khoán mới từ ngày 1/1/2021, ý kiến từ một công ty chứng khoán 100% vốn đầu tư nước ngoài là Maybank Kim Eng đề xuất, tại  dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán cần bãi bỏ quy định: đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh thuộc Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài hoặc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài hoặc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà chưa quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%...

Cũng liên quan đến room ngoại, do Nghị định 60/2015 hướng dẫn Luật Chứng khoán không mang lại kết quả như kỳ vọng khi có rất ít doanh nghiệp chủ động nới room lên 100%, nên trong lần xây nghị định mới, nhà quản lý dự định sẽ làm khác.

Theo đó, tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự kiến sẽ bãi bỏ cơ chế trao quyền cho doanh nghiệp được quyết định tỷ lệ room sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tin bài liên quan