Sóng ngầm M&A công ty chứng khoán

Sóng ngầm M&A công ty chứng khoán

(ĐTCK) Không chỉ dừng lại ở những công ty chứng khoán (CTCK) đã công bố trở thành công ty 100% vốn ngoại như KIS, Mirae Asset, KBSV, Yuanta Việt Nam…, dòng vốn ngoại vẫn đang tiếp tục săn lùng nhiều CTCK khác để nhảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Tâm điểm là CTCK vốn nhỏ

Bên cạnh những CTCK đang trong quá trình đàm phán để bán một phần vốn cho đối tác ngoại, hoặc bán cổ phần ở tỷ lệ chi phối, nhiều ý kiến của những nhân sự đang làm việc trong ngành cho biết, dòng vốn này cũng vẫn đang len lỏi, tìm hiểu để “mua lại” những CTCK vốn nhỏ, làm ăn kém hiệu quả… với mục tiêu hướng đến vẫn là giấy phép hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo dữ liệu trên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trước đây, thị trường chứng khoán Việt Nam có hơn 100 CTCK, nhưng nay chỉ còn khoảng hơn 70 công ty, trong đó có nhiều CTCK thực hiện sáp nhập, có CTCK đã giải thể, có CTCK bị rút giấy phép.

Dĩ nhiên, không phải CTCK nào cũng làm ăn hiệu quả, thậm chí có những công ty thua lỗ, hoặc lãi ít “cầm hơi”. Con số thị phần môi giới cũng minh chứng rõ cho điều này, khi 70% thị phần môi giới rơi vào tay TOP 10, trong đó có những gương mặt rất mới đến từ những CTCK sau khi vì về tay đối tác ngoại, tăng vốn và có sức bật tốt về thị phần.

Ghi nhận trên thị trường, có khá nhiều lời mời chào mua CTCK từ các nhà đầu tư ngoại đến từ Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… với nhu cầu mua rất đa dạng.

Ở một số "deal" đang trong quá trình đàm phán, nguồn tin của phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán cho biết, đã cơ bản ở bước chốt đối tác, tỷ lệ…những công ty “mục tiêu” có hoạt động kinh doanh không tệ.

Theo đó, không loại trừ khả năng từ nay đến nửa đầu năm 2020, thị trường sẽ ghi nhận kết quả các thương vụ này.

Tạm bỏ qua những thương vụ giá trị tương đối lớn và dường như dự đoán trước kế hoạch như trên, dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục len lỏi ở nhóm phân khúc CTCK quy mô nhỏ hơn.

Nhiều nhà đầu tư vẫn đang trong quá trình thăm dò để tìm mua các CTCK phù hợp. Chia sẻ từ một số nhân vật âm thầm thường thực hiện những thương vụ môi giới kiểu này cho biết, có nhà đầu tư Trung Quốc muốn vào mua CTCK, chủ yếu là mua giấy phép, nên không quan tâm công ty có hệ thống khách hàng ra sao, đội ngũ như thế nào.

Cách định giá của họ cũng đơn giản, ra giá 1 triệu USD cho giấy phép, cộng thêm phần tiền mặt còn lại, là được con số cơ bản giá trị doanh nghiệp.

Còn với bên bán, tại một CTCK quy mô nhỏ khác, cũng có cổ đông lớn, nội bộ, nắm giữ cổ phần chi phối trên 51% muốn thoái vốn.

Chi tiết cho một trường hợp tại CTCK nội địa, cổ đông lớn nội bộ có nhu cầu bán tổng cộng khoảng 65% vốn, nhưng đối tác lại muốn mua ở mức cao hơn hoặc toàn bộ công ty. Vị này cho biết, cổ đông trên có thể “thuyết phục” và gom được tổng cộng khoảng 85%. Hiện thương vụ này vẫn chưa chốt.

Chuyển động sáng ở một số CTCK về tay chủ mới

Theo dữ liệu của FiinGroup, tính đến hết quý II/2019, có 17 CTCK có kết quả kinh doanh thua lỗ. Một vài công ty trong số này đang cho thấy sự hồi sinh khi có nhân tố mới vào doanh nghiệp như CTCK Vina (VNCS) - sau khi tăng vốn và đăng ký giao dịch trên UPCoM, VNCS lãi hơn 5 tỷ đồng trong năm 2018.

Năm 2019, hoạt động của VNCS cũng sôi động hơn khi mở thêm chi nhánh giao dịch, tuyển dụng và tung các gói ưu đãi, khuyến mãi với mức phí, lãi suất thấp.

Hay như CTCK HFT, 6 tháng lãi vỏn vẹn hơn trăm triệu đồng, nhưng điểm nhấn của HFT là trong tháng 5 vừa qua đã chính thức về tay ông chủ mới là Hanwha Investment & Securities của Hàn Quốc.

Theo DealStreetAsia, giá trị thương vụ khoảng 5 tỷ won (tương đương 4,3 triệu USD) cho 90,5% vốn HFT.

Theo nguồn tin của Báo Ðầu tư Chứng khoán, CTCK SJC (SJCS) cũng đã có nhà đầu tư Hàn Quốc muốn nhảy vào, tuy nhiên, giá bán và tỷ lệ chưa được tiết lộ.

Danh sách này chỉ là một trong những bộ lọc để dự đoán những CTCK có thể sẽ được hồi sinh nếu có thêm dòng tiền mới rót vào.

Nhu cầu mua CTCK để có giấy phép hoạt động được nhiều ý kiến đánh giá là có thực và ngày càng tăng. Việc có thêm các "tay chơi" mới sẽ giúp nâng chất lượng dịch vụ của ngành chứng khoán, cũng như cuộc đua cạnh tranh trở nên mạnh mẽ hơn.

Những CTCK bị thu hồi giấy phép, giải thể, sáp nhập

Trong khi hoạt động M&A khối CTCK khá sôi động, thì vẫn có nhiều công ty rơi vào tình trạng bị thu hồi giấy phép, giải thể. Có thể kể đến như Công ty TNHH Chứng khoán CIMB - VINASHIN, Chứng khoán Đại Tây Dương, Chứng khoán Việt Quốc, Chứng khoán Hà Nội đã bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động. 

Một số CTCK như Chứng khoán Trường Sơn, Golden Bridge Việt Nam, Chứng khoán Delta, Kim Long đã chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh được cấp phép để thực hiện thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động. 

Các CTCK đã giải thể là Âu Việt, Chợ Lớn và Sao Việt. Khối này đã rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán, đang làm thủ tục giải thể theo Luật Doanh nghiệp. 

CTCK SHB đã sáp nhập vào CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS);  Chứng khoán VIT cũng đã thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động sau hợp nhất vào Chứng khoán MB. 

CTCK Á Âu đang trong diện kiểm soát đặc biệt; đình chỉ hoạt động đối với CTCK Tràng An; CTCK SME bị rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tạm ngừng hoạt động. 

Tin bài liên quan