SKG: Cổ phiếu lao dốc không chỉ vì phạt thuế

SKG: Cổ phiếu lao dốc không chỉ vì phạt thuế

(ĐTCK) Cổ phiếu SKG của CTCP Tàu cao tốc Superdong Kiên Giang đã mất hơn 30% thị giá trong vòng 3 tháng khiến không ít nhà đầu tư ngậm ngùi tiếc nuối. Vì sao SKG lao dốc khi đây vốn được xem là một loại cổ phiếu có “câu chuyện” và luôn làm hài lòng nhà đầu tư với chính sách cổ tức đều đặn ở mức cao qua nhiều năm.

Giá cổ phiếu SKG từ đầu năm đến nay trong xu thế giảm, từ mức giá 71.000 đồng/cổ phiếu tại thời điểm chốt danh sách chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 40%, giá cổ phiếu SKG điều chỉnh về mức 50.400 đồng/cổ phiếu, đến nay SKG dao động ớ mức 32.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức giảm 36%. Chuỗi giảm giá mạnh của SKG bắt nguồn từ quyết định xử phạt hành chính về thuế của Chi cục Thuế Phú Quốc, khiến SKG phải chịu khoản phạt “khủng” hơn 57 tỷ đồng.

Quyết định được Chi cục thuế Huyện Phú Quốc đưa ra về việc truy thu thuế giai đoạn 2010-2015 với lý do các tàu Superdong III, IV, V, VI nằm trong diện mở rộng dự án và không được ưu đãi thuế theo luật định, cùng với đó là phạt tiền chậm nộp thuế.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian vụ việc xảy ra, lãnh đạo SKG đã không công bố thông tin mà chỉ cung cấp hồ sơ, thông tin cho đơn vị kiểm toán và được ghi nhận vào phần ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2017.

Sau gần 2 tháng kể từ khi cổ đông nội bộ SKG bán ra hàng loạt cổ phiếu SKG, Công ty này mới công bố quyết định của cơ quan thuế.

Xét về hoạt động kinh doanh, trên sàn chứng khoán, SKG một trong số ít doanh nghiệp sở hữu tỷ suất sinh lời đáng mơ ước. Trong vòng 3 năm trở lại đây, biên lợi nhuận gộp trên doanh thu đều ở mức cao từ 56 - 68%. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt lần lượt 46,1%, 57,2% và 59,7% từ năm 2014 đến 2016.

Những con số ấn tượng trên có được nhờ lợi thế độc quyền trong khai thác dịch vụ vận chuyển các tuyến tàu cao tốc, chủ yếu tại khu vực Phú Quốc, Kiên Giang. Trong thời gian gần đây, Phú Quốc được biết đến như một điểm du lịch thu hút nhiều du khách đến tham quan bởi sở hữu quần thể đảo đa dạng. Đó cũng là cơ hội để những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải hành khách như SKG “hái ra tiền”.

Tuy nhiên, khác với giai đoạn 2013-2015 tăng trưởng mạnh, năm 2016, tăng trưởng của SKG đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu chùn lại. Cụ thể, tăng trưởng qua doanh thu năm 2014, 2015 đạt trên 30% nhưng giảm xuống còn 16,7% trong năm 2016. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế trong 3 năm cũng cho thấy dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, đạt lần lượt 85,2%, 68,9% và 21,8% từ năm 2014 đến 2016.

Những con số phản ánh được bức tranh thực tế cạnh tranh đang ngày càng gay gắt và nhiều lo ngại về “thời kỳ hoàng kim” của SKG bắt đầu khép lại và mở ra một chặng đường mới mang tên “cạnh tranh”. Ngoài Superdong Kiên Giang, hiện đang cùng khai thác còn có hãng tàu cao tốc Ngọc Thành, Hồng Tâm và một số hãng khác, với sức chứa trung bình 300 khách/tàu.

Trước tình hình trên, SKG buộc phải tìm hướng đi cho mình để đảm bảo thị phần và tăng trưởng ổn định. Không khó để nhà đầu tư có thể nhận thấy những động thái gần đây khi SKG liên tục đầu tư thêm tàu và khai thác các tuyến mới ngoài Phú Quốc. Cụ thể, ngày 14/7, SKG đã đưa vào khai thác tuyến cau tốc Sóc Trăng - Côn Đảo.

Theo SKG, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của tuyến này từ ngày 1/8/2017 - 24/8/2017 lần lượt đạt 3,4 tỷ đồng và 1,8 tỷ đồng. Tạm tính, trung bình mỗi ngày, tuyến Sóc Trăng-Côn Đảo mang về 136 triệu đồng doanh thu, doanh thu ước tính mà tuyến này mang về cho SKG trong những tháng còn lại khoảng 16 tỷ đồng. Ngoài ra, SKG dự kiến sẽ đầu tư thêm tàu khai thác tuyến Phan Thiết - Phú Quý trong năm 2018.

Không những vậy, Ban lãnh đạo SKG còn mạnh dạn tham gia vào lĩnh vực đầu tư dự án xây dựng và khai thác tuyến phà Hà Tiên - Phú Quốc. Đây vốn không phải là lĩnh vực thế mạnh.

Lãnh đạo SKG cho biết, quyết định tham gia lĩnh vực mới của Công ty nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu đa dạng của hành khách cũng như hoàn thiện chuỗi giá trị trong ngành của mình. “Với uy tín và chất lượng ổn định từ việc vận chuyển hành khách bằng tàu cao tốc sẽ giúp Công ty thuận lợi trong việc tiếp cận khách hàng”, ông Puan Kwong Siing, Tổng giám đốc SKG chia sẻ. 

Nhìn vào đợt giảm sâu của giá cổ phiếu trên sàn vừa qua, có thể thấy nhà đầu tư đã có sự đánh giá lại đối với cổ phiếu SKG. Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, SKG đạt doanh thu 209 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 105 tỷ đồng, hoàn thành 46% kế hoạch năm, trong bối cảnh quý mùa vụ thường rơi vào quý II đã kết thúc.

Mặc dù không thuyết phục trước quyết định cơ quan thuế và Ban lãnh đạo SKG bày tỏ quan điểm sẽ tiếp tục khiếu nại về vấn đề này để đảm bảo quyền lợi cổ đông và Công ty, nhưng thực tế SKG vẫn phải thi hành quyết định xử phạt trước. Như vậy, lợi nhuận trong năm 2017 của SKG sẽ ảnh hưởng đáng kể.

Trong trường hợp Công ty hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu 439 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 230 tỷ đồng, giảm trừ khoản vi phạm thuế thì lợi nhuận mà SKG có thể đạt được 173 tỷ đồng, EPS dự phóng cho năm 2017 ở mức 3.600 đồng. Với mức thị giá 32.000 đồng cổ phiếu hiện nay, SKG giao dịch ở mức P/E dự phóng 2017 là 8,9 lần, mức tương đối thấp so với trung bình chung toàn thị trường (khoảng 16 lần).

Một số nhà đầu tư từng giữ cổ phiếu SKG nhiều năm chia sẻ, để trở lại mức giá như bao năm SKG đã từng đạt, Công ty cần có ít nhất 2 yếu tố. Thứ nhất là khả năng vượt qua cạnh tranh để trở lại vị trí kinh doanh vượt trội, với kết quả ổn định do đặc trưng ngành nghề.

Thứ hai, Ban lãnh đạo cần tạo thêm niềm tin cho công chúng về sự liêm chính và minh bạch, khi đúng - sai trong câu chuyện xử phạt thuế còn chờ cơ quan chức năng minh định, nhưng hành động một số lãnh đạo chủ chốt bán cổ phiếu trước khi thông tin bị xử phạt công bố thì rất rõ.

Lập luận của SKG cho rằng, Công ty không có quyền kiểm soát nhu cầu và khả năng giao dịch của cổ đông nội bộ. Cũng theo SKG, việc bán ra cổ phiếu của cán bộ chủ chốt là điều bình thường nhằm thu về lợi tức đầu tư, vì hằng năm Công ty đều chia thưởng cổ phiếu một lượng khá lớn.

Với các công nhân viên, do được mua theo chính sách ưu đãi, nên việc họ bán ra sau khi nhận thêm cổ phiếu mới cũng có thể đơn thuần thu về khoản ưu đãi được Công ty đãi ngộ. SKG cho biết, cổ đông lớn nhất hiện nay, đồng thời là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc SKG chưa bán ra một cổ phiếu nào trong 1 năm qua.

Nhà đầu tư có hài lòng với cách giải thích của lãnh đạo SKG không, vẫn là câu hỏi ngỏ. Nhưng rõ ràng, Công ty này đang rất cần những nỗ lực để vượt qua thách thức trong kinh doanh và khẳng định rõ sự minh bạch mới hy vọng cổ phiếu trở về với mức giá cao từng xác lập.

Tin bài liên quan