Sáp nhập SHS – SHBS: Giảm stress cho bầu Hiển

Sáp nhập SHS – SHBS: Giảm stress cho bầu Hiển

(ĐTCK) Hai CTCK khá nổi danh trên thị trường, mà  ở đó mang đậm dấu ấn của bầu Hiển là CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) và CTCK SHBS nhiều khả năng sẽ về một nhà.

Phép cộng này được kỳ vọng sẽ tạo ra giá trị win-win cho cả hai tổ chức và giảm bớt những cơn đau đầu với ông chủ lớn nhất của cả 2 công ty.

Một số nguồn tin thân cận với bầu Hiển cho biết, từ cuối năm 2015, lãnh đạo hai CTCK đã được lên dây cót về việc xây dựng phương án và chuẩn bị thực hiện các thủ tục sáp nhập SHBS vào SHS.

SHBS tiền thân là CTCK Ngân hàng Habubank. Khi Ngân hàng mẹ hợp nhất vào Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB), CTCK cũng trở thành công ty con của Ngân hàng khi định chế này sở hữu xấp xỉ 98% cổ phần. CTCK sau đó đã đổi tên thành CTCK SHBS, có vốn điều lệ 175 tỷ đồng. Thời điểm đó, bầu Hiển và Ban lãnh đạo SHBS đã kỳ vọng CTCK này sẽ phát triển mạnh, có lãi. Lộ trình tăng vốn, niêm yết cổ phiếu trên sàn, từ đó tạo cơ hội cho ngân hàng thoái vốn tại SHBS cũng đã được đặt ra. Tuy nhiên, thực tế lại không được như mong muốn của các ông chủ CTCK.

Việc tăng vốn cho SHBS gặp rất nhiều khó khăn do Ngân hàng Nhà nước không ủng hộ việc các ngân hàng rót vốn cho CTCK, các quy định sau này như Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước chặn vốn từ ngân hàng mẹ chảy vào CTCK con càng khiến DN khó khăn.

Từ cuối năm 2015, lãnh đạo hai CTCK đã được lên dây cót về việc xây dựng phương án và chuẩn bị thực hiện các thủ tục sáp nhập SHBS vào SHS.

Kết quả kinh doanh của SHBS đã phản ánh thực tế không mấy khả quan của Công ty mặc dù trong bản giải trình về kết quả kinh doanh quý IV/2015, SHBS cho biết, giai đoạn quý IV/2015, SHBS tích cực đẩy mạnh hoạt động tư vấn và hoạt động môi giới đồng thời tiết kiệm các khoản chi phí song do phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi từ thời trước sáp nhập nên dẫn đến kết quả kinh doanh giảm.

Cụ thể, quý IV/2015, Công ty đạt 12,8 tỷ đồng doanh thu, lũy kế cả năm đạt 61,1 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ môi giới 18,3 tỷ đồng, doanh thu từ tự doanh 3,6 tỷ đồng, tư vấn 18,5 tỷ đồng. Trừ doanh thu tư vấn tăng nhẹ so với năm trước, doanh thu tất cả các mảng đều giảm, trong khi chi phí của SHBS lại tăng mạnh hơn 10 tỷ đồng so với năm ngoái, dẫn đến Công ty lỗ hơn 2 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lãi 10 tỷ đồng.

Nhìn vào hoạt động của SHBS, có thể thấy, đây không hẳn là CTCK quá yếu, Công ty vẫn có dòng tiền, vẫn sáng đèn phục vụ nhà đầu tư và có khách hàng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại ở chỗ các mặt hoạt động đều giảm khá mạnh so với năm trước đó và xu hướng có thể tiếp tục giảm do sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường. Với một đại gia như bầu Hiển, vài chục tỷ đồng không phải là một khoản tiền đáng phải suy nghĩ, nhưng tương lai và định hướng phát triển của SHBS mới là quan trọng.

Quan trọng hơn, ông Hiển còn có một CTCK khác cũng cần quan tâm không kém: SHS.

Trong 2 năm trở lại đây, SHS đã chứng minh được chiến lược mà ông Hiển và các cộng sự đã vạch ra cho CTCK này là hiệu quả. SHS có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, tăng trưởng đều trong các mặt nghiệp vụ cốt lõi của CTCK. Cụ thể, trong cơ cấu doanh thu 2015, doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán đạt 115 tỷ đồng, tăng 21%; doanh thu hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn đạt 182 tỷ đồng, tăng 8,3%; doanh thu hoạt động tư vấn đạt 55 tỷ đồng, tăng 3,7%... Với lợi nhuận đạt hơn 118 tỷ đồng, SHS đã xóa được khoản lỗ lũy kế từ các năm trước để lại.

Nếu cần có một CTCK để hỗ trợ hoàn thiện chuỗi dịch vụ khép kín về tài chính, ông Hiển đã có SHS. Nếu không tự đứng vững được bằng chính đôi chân của mình, SHBS kéo dài hoạt động sẽ càng có nguy cơ tạo ra các khoản lỗ mới. Bởi nếu thận trọng thì mất khách, mà “bạo tay” quá lại gánh rủi ro. Bởi CTCK gắn với SHB (SHB đang nắm giữ 98,47% vốn SHBS), gắn với cá nhân ông Hiển nên ông không thể không bận tâm.  Sáp nhập có lẽ là bài toán thích hợp nhất.

Trong tài liệu ĐHCĐ của Ngân hàng SHB có nội dung ngân hàng này sẽ tiến hành tái cấu trúc SHBS. Theo SHB, với mức vốn điều lệ khá thấp nên SHBS có nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh, không thể mở rộng thêm các hoạt động nghiệp vụ... Trong khi đó, SHB cũng không có chủ trương đầu tư thêm vốn vào SHBS. SHB sẽ quyết định tái cấu trúc công ty này bằng hình thức sáp nhập, giải thể, thoái vốn bằng hình thức chuyển nhượng cổ phần... nhằm đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng.

Còn tại ĐHCĐ thường niên năm 2016 diễn ra tuần tới, HĐQT SHS cũng sẽ trình phương án sáp nhập/ hợp nhất với một CTCK khác. SHS sẽ phát hành tối đa 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông công ty mục tiêu để hoán đổi sáp nhập/hợp nhất. Tỷ lệ hoán đổi sẽ do HĐQT quyết định, dựa trên cơ sở tương quan giá trị cổ phiếu, các lợi thế của các bên tham gia sáp nhập/hợp nhất. Thời gian dự thực hiện trong năm 2016 - 2017.

Tin bài liên quan