Xuất khẩu gạo vẫn duy trì đà tăng trưởng từ đầu năm.

Xuất khẩu gạo vẫn duy trì đà tăng trưởng từ đầu năm.

Sáng sủa “bức tranh” xuất nhập khẩu tháng 7

(ĐTCK) Số liệu tháng 7 của Tổng cục Thống kê cho thấy, bức tranh xuất khẩu đã có dấu hiệu sáng sủa hơn với sự hồi phục và tăng trưởng của nhiều mặt hàng. Nhiều DN cũng cho biết đã chuẩn bị nguồn lực để tận dụng tốt cơ hội thị trường khởi sắc. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn liên miên, sụt giảm mạnh từ đầu năm do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Xuất khẩu gạo vẫn duy trì đà tăng trưởng từ đầu năm với gần 4,3 triệu tấn trong 7 tháng, thu về xấp xỉ 2 tỷ USD, tăng trên 46% về lượng và trên 4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Dệt may có kim ngạch vượt 5 tỷ USD, đặc biệt sản phẩm đá quý và kim loại quý đạt kim ngạch trên 2,6 tỷ USD... Tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 7 tháng đạt trên 32,3 tỷ USD, song vẫn giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 7, hoạt động nhập khẩu cũng sôi động, đẩy nhập siêu của tháng này lên 1,25 tỷ USD; tính chung cả 7 tháng, con số này là xấp xỉ 3,4 tỷ USD, chiếm 10,5% kim ngạch xuất khẩu.

Tín hiệu tích cực của xuất khẩu, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam đến từ cuối quý II. Cụ thể, từ giữa tháng 6, đơn hàng dệt may của các đối tác Mỹ và EU đang dần ổn định trở lại, nhiều DN đã ký được đơn hàng đến hết quý III/2009, thậm chí một số DN lớn đã có hợp đồng đến hết năm nay. Mới đây, Hiệp hội Thời trang châu Á đã chấp thuận cho Việt Nam trở thành thành viên thứ 6 của Hiệp hội (dự kiến kết nạp chính thức vào tháng 11/2009). Việc có mặt trong hiệp hội thời trang uy tín nhất châu Á sẽ giúp ngành thời trang Việt Nam hưởng những thuận lợi từ các hoạt động xúc tiến thương mại cho hàng thời trang xuất khẩu trên thị trường toàn cầu. Ngoài ra, ba nước xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu trong ASEAN là Việt Nam, Indonesia và Thái Lan có thể sẽ thành lập một liên minh vào cuối năm nay, giúp đẩy mạnh xuất khẩu của khu vực, cắt giảm chi phí sản xuất và liên kết các đơn đặt hàng.

Công ty Khảo sát thị trường quốc tế BMI (Business Monitor International) vừa đưa ra đánh giá, nếu các DN nỗ lực tốt, có khả năng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay đạt 10 tỷ USD (cao hơn 900 triệu USD so với năm 2008). Cũng theo BMI, trong 17 nhóm hàng trị giá hơn 10 triệu USD của dệt may Việt Nam xuất sang Nhật Bản, có đến 11 nhóm hàng đang trong xu hướng tăng... Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu năm 2009 sang Nhật sẽ tăng 20% so với năm 2008.

Với ngành thủy sản, Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận xét, 6 tháng đầu năm chịu tác động nặng nề từ khủng hoảng kinh tế, nhưng từ tháng 7, thị trường đã có nhiều dấu hiệu khả quan hơn.

Ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Dong Phuong Co.,Ltd cho biết, tháng 7, Công ty đã ký 3 hợp đồng xuất khẩu mực, bạch tuộc, cá hồi và bánh nướng với một số đối tác Nhật Bản. Dự kiến, từ nay đến tháng 11/2009, Công ty sẽ xuất khẩu 14 container sang thị trường này. Ở thời điểm này, chiến lược của Dong Phuong Co.,Ltd là đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu chứ không chỉ nhằm vào "đa dạng" khách hàng. Ông Quang cho biết thêm, Công ty đang nghiên cứu, tìm hiểu thị trường Mỹ để xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tinh chế, phối chế.

Theo ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc CTCP Thủy sản Minh Phú, do khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều thị trường chuyển sang tiêu thụ mặt hàng tôm cỡ nhỏ, giá bình dân hơn. Minh Phú do vậy đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu tôm chân trắng, thay vì đầu tư lớn vào mặt hàng tôm sú. Tính đến hết tháng 6, khối lượng xuất khẩu của Công ty bằng 116,05% về lượng, nhưng chỉ đạt 97,45% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Minh Phú đã xuất khẩu được 5.537 tấn tôm đông lạnh với tổng trị giá 58,3 triệu USD. Trong đó, Mỹ là bạn hàng lớn nhất của Công ty với khối lượng 2.786 tấn, giá trị 32,15 triệu USD, tiếp đó là Hàn Quốc (6,75 triệu USD), Canada (6,5 triệu USD), Nhật Bản (5,42 triệu USD)… "Để đẩy mạnh chế biến tôm chân trắng, Minh Phú  tiếp tục tuyển thêm hàng chục lao động mỗi ngày vào làm việc tại nhà máy, 6 tháng cuối năm mới là thời điểm làm ăn lớn của DN ngành tôm", ông Điệp chia sẻ.

Tuy vậy, không phải ngành hàng xuất khẩu nào cũng đã rõ rệt tín hiệu thuận lợi. Trước những biến động thất thường của thị trường cà phê thế giới, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) khuyến cáo các DN hết sức thận trọng trong việc ký hợp đồng xuất khẩu cà phê những tháng cuối năm.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết, để tránh trường hợp các nhà nhập khẩu "bắt tay" dìm giá cà phê, DN cần lưu ý, không nên bán hàng với thời gian giao hàng quá xa, chỉ nên bán hàng cách 3 tháng để có đủ thông tin đón bắt thị trường, chuẩn bị nguồn hàng. Đặc biệt, các DN cần liên kết với nhau để xác định trong tháng Việt Nam chỉ bán ra thị trường thế giới một lượng hàng nhất định, không nên bán ồ ạt sẽ kéo giá xuống. Hiệp hội kiến nghị, tất cả các hội viên khi bán hàng phải thông báo cho Hiệp hội biết để từ đó có sự chi phối về số lượng (chứ không chi phối về giá). Vicofa cũng kiến nghị, trong niên vụ kết thúc vào tháng 10/2009, Chính phủ hỗ trợ lãi suất 0% để mua khoảng 200.000 tấn cà phê, giúp nông dân có thể gửi cà phê vào kho của nhà xuất khẩu và không phải chịu lãi. Các nhà thu gom sẽ bán theo tình hình thị trường, bán được đến đâu thì trả lại tiền cho nông dân đến đó.