Sáng cửa gọi vốn cho bất động sản từ thị trường chứng khoán

Sáng cửa gọi vốn cho bất động sản từ thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Với việc luồng vốn tín dụng chính từ các ngân hàng thương mại dễ “tổn thương”, việc chứng khoán hóa vốn bất động sản là giải pháp cần khai phá và đẩy mạnh trong tương lai gần.

Thông tin từ Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ F., một công ty quản lý quỹ lớn trên thị trường cho biết, Công ty đang tiến hành những bước cuối cùng để "đóng" thành công một quỹ đầu tư mới có quy mô lên tới 150 triệu USD, chủ yếu huy động từ các nhà đầu tư nước ngoài. Chưa chính thức công bố, nhưng theo chia sẻ của vị tổng giám đốc này, quỹ sẽ đầu tư chiến lược vào thị trường bất động sản, với mục tiêu đầu tư vào các doanh nghiệp tiềm năng (gồm cả niêm yết và OTC) đang sở hữu quỹ đất vàng và có chiến lược phát triển bài bản.

Với quy mô vốn khá lớn và có thể mở rộng thêm, đây sẽ là nguồn trợ lực đáng kể để phát triển các dự án bất động sản trong tương lai. Chưa kể, với thế mạnh công nghệ và kinh nghiệm từ các chuyên gia nước ngoài, quỹ sẽ hỗ trợ tối đa các nguồn lực cho các dự án phát triển. Trước mắt, quỹ này đã bắt đầu triển khai giải ngân đầu tư chiến lược vào một số doanh nghiệp đang có dự án triển khai tại quận Thanh Xuân (Hà Nội). Thời gian tới, quỹ sẽ rót vốn vào một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng và cho thuê tại Đà Nẵng, Nha Trang hoặc Phú Quốc.

Tương tự, Công ty Quản lý quỹ B.V cũng đang rục rịch ra mắt một quỹ mới với chiến lược đầu tư vào thị trường bất động sản. Đơn vị này không công bố cụ thể chi tiết về quy mô đầu tư của quỹ, nhưng cho biết, đang huy động vốn và quỹ cũng có quy mô tầm cỡ. Dự kiến, ngay trong năm nay, quỹ này sẽ tiến hành đóng quỹ và rót vốn vào các dự án bất động sản cho thuê, bất động sản nghỉ dưỡng.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, GS-TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực tế, tiềm lực tài chính của hầu hết doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn còn ở mức tương đối hạn chế. Nhiều chủ đầu tư khi phát triển dự án chỉ có vốn chủ sở hữu khoảng 20%, còn lại là huy động từ bên ngoài, trong đó khoảng 60% là vốn vay từ các ngân hàng. Có nhiều dự án, tỷ lệ vay từ ngân hàng lên tới 70 - 80% tổng vốn đầu tư, với thời hạn 10 - 15 năm.

Luồng vốn này về cơ bản không ổn định, phụ thuộc vào thăng trầm của thị trường tín dụng, khiến thị trường bất động sản cũng dễ mất cân đối mỗi khi chính sách tín dụng có sự thay đổi. Chưa kể, mức lãi suất hiện nay dù đã giảm rất nhiều, nhưng vẫn ở mức 8 - 10%/năm, là mức tương đối cao, gây nhiều áp lực chi phí cho doanh nghiệp.

Việc “thấp thỏm” mỗi khi ngân hàng “hắt hơi, sổ mũi” không thể coi là một giải pháp về vốn phát triển bất động sản bền vững trong trung và dài hạn. Vì vậy, việc tìm thêm vốn từ các nguồn khác là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, việc tìm kiếm nguồn vốn qua kênh chứng khoán là phương án khả thi. Tại nước ngoài, đây là nguồn vốn rất được các doanh nghiệp quan tâm do có sự ổn định trong dài hạn và có mức độ linh hoạt hơn rất nhiều so với vay vốn ngân hàng. Chưa kể, chi phí từ việc huy động vốn trực tiếp trên thị trường chứng khoán cũng rẻ hơn tương đối. Hiện nay, với xu hướng thị trường chứng khoán đang tăng trưởng trở lại, đây sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp bất động sản nếu biết tận dụng.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp như Vingroup, FLC, Vinaconex, Đất Xanh, Nhà Thủ Đức, Vạn Phát Hưng, Phát Đạt… đã huy động vốn thành công qua thị trường chứng khoán. Xu hướng niêm yết của nhóm doanh nghiệp này tiếp tục gia tăng với sự xuất hiện của Novaland, Viglacera... cuối năm 2016, sắp tới là Tập đoàn Mỹ Sơn và một số doanh nghiệp khác.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan