Chỉ số VN30 ngày 15/8 tăng vọt vào cuối phiên, đóng cửa tại ngưỡng cao nhất trong gần 3 tháng là 890 điểm (so với phiên 14/8, chỉ số tăng hơn 10 điểm, tương đương tăng 1,1%), trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ và không ít thị trường khác lao dốc.
Dữ liệu thị trường cho thấy, trước khi phiên giao dịch ngày 15/8 diễn ra thì phiên giao dịch gần nhất của thị trường Mỹ đóng cửa với mức giảm kỷ lục kể từ tháng 10/2018 (chỉ số Dow Jones -3,1%, S&P 500 -2,9%, Nasdaq -3%). Từ lâu, diễn biến của thị trường Mỹ có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam.
Do đó, không khó hiểu khi chỉ số VN-Index cũng như VN30 đầu phiên giảm điểm. Sau đó, chỉ số phục hồi dần theo nguyên lý “phục hồi kỹ thuật” và “lình xình” từ gần trưa cho đến cuối phiên chiều. Bất ngờ xảy ra ở đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa khi một số cổ phiếu lớn bật tăng, tạo động lực cho chỉ số tăng vọt.
Ngày 16/8, chỉ số VN30 tiếp tục biến động mạnh, mức thấp nhất trong phiên là 887 điểm, cao nhất là 900 điểm, đóng cửa tại 892 điểm, tăng nhẹ so với phiên trước đó. Trên thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số tăng nhẹ (ngày 15/8, vì chênh lệch múi giờ với Việt Nam).
Trên sàn phái sinh, hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 đáo hạn tháng 8 (VN30F1908) có ngày giao dịch cuối cùng là 15/8, nên điểm số của VN30 là căn cứ để thanh toán lãi - lỗ giữa các nhà đầu tư.
Theo đó, nhà đầu tư mở vị thế mua hợp đồng này ở cuối phiên 14/8 đạt mức lãi hơn 13 điểm, tương đương lãi trên 1,3 triệu đồng/hợp đồng so với vốn đầu tư khoảng 17 - 18 triệu đồng/hợp đồng. Với các nhà đầu tư mở vị thế mua trong phiên sáng 15/8 khi giá giảm, mức lãi đạt gấp đôi.
“Tôi mở vị thế mua chứng khoán phái sinh đáo hạn tháng 8 trong phiên chiều 14/8 nên sáng 15/8 rất lo lắng khi thấy thị trường Mỹ đỏ lửa, nhưng quyết định không cắt lỗ, bởi giá thấp hơn VN30. Kỳ vọng lỗ ít hơn nhưng tôi may mắn lãi vượt kỳ vọng khi phiên giao dịch kết thúc với sự bật tăng của chỉ số.
Gần đây, tôi kiềm chế việc mua bán theo cảm xúc thông thường khi thấy giá biến động nhanh và mạnh, tức không còn bán đuổi khi giá giảm và mua đuổi khi giá tăng. Ðây là kinh nghiệm sau không ít lần bị “úp sọt” trước đó”, một nhà đầu tư chia sẻ.
Nhà đầu tư trên cho rằng, đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa ngày 15/8 có dấu hiệu bị các nhà đầu tư lớn “đánh lên” trên thị trường cơ sở, qua đó kiếm lời trên sàn phái sinh. Bốn phiên trước đó, VN30 nhìn chung đi ngang, mức biến động trong phiên từ 5 - 7 điểm, mức tăng/giảm điểm mỗi phiên còn thấp hơn.
Tâm lý nhiều nhà đầu tư trở nên thận trọng khiến thanh khoản giảm, nhất là trên sàn phái sinh. Trong bối cảnh đó, đặt mua ở mức giá cao là hành động liều lĩnh, ngoại trừ các nhà đầu tư có mục đích “kích” chỉ số.
“15/8 là phiên giao dịch cuối cùng của hợp đồng tương lai đáo hạn tháng 8 nên giả sử có hoạt động đánh lên thì nhóm nhà đầu tư đó cũng không lo thua lỗ trong phiên sau, mà an tâm hưởng thành quả trong phiên”, nhà đầu tư nói.
Trao đổi với trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán, vị này cho biết, cuối phiên 15/8 có một số cổ phiếu lớn bật tăng, đạt mức cao nhất phiên, chẳng hạn VNM, VIC, EIB, nhiều khả năng là phục hồi kỹ thuật, vì giá trước đó có diễn biến giảm, nhưng cũng không loại trừ có yếu tố “làm giá”.
Không ít nhà đầu tư nghi ngờ, thị trường thỉnh thoảng có dấu hiệu bị “lái”. Khi nhận thấy tâm lý thị trường bi quan, hoặc lạc quan, hay diễn biến thị trường đi ngang, “đội lái” có thể từ từ tăng mua/bán các cổ phiếu có ảnh hưởng đến VN30 nhằm “đẩy, dìm” chỉ số theo ý muốn. Họ chấp nhận lỗ ở chứng khoán cơ sở, nhưng sẽ lãi nhiều ở chứng khoán phái sinh.
Ví dụ, trước khi đánh xuống, họ mở vị thế bán trên sàn phái sinh, sau đó mua lại với mức giá thấp hơn và hưởng chênh lệch. Do tỷ lệ đòn bẩy trên sàn phái sinh cao nên mức lãi trên sàn này gấp vài lần mức lỗ trên sàn cơ sở.
“Các nhà đầu tư khác gặp rủi ro cao khi đội lái hoạt động nếu họ đã mở vị thế giao dịch ngược với đội lái, còn mở trùng vị thế hay chưa mở vị thế thì sự biến động của thị trường do đội lái tạo ra đem lại cơ hội “ăn theo” cho những nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt”, vị trưởng phòng phân tích nói và cho rằng, ngoài đội lái thì thị trường biến động mạnh còn do rất nhiều yếu tố trong và ngoài nước tác động đến tâm lý nhà đầu tư, dẫn đến hiệu ứng đám đông, hay có các giao dịch tự động (robot) theo tín hiệu kỹ thuật.
Theo đó, giá thường tăng sau khi giảm mạnh, nhưng đôi khi chỉ phục hồi nhẹ rồi lại lao dốc. Ngược lại, giá đang tăng mạnh thì điều chỉnh, tưởng rằng giá sẽ còn giảm nhưng bất ngờ tiếp tục tăng cao. Diễn biến này trên sàn phái sinh nhanh hơn sàn cơ sở vì tâm lý tham lam hay sợ hãi của nhà đầu tư phái sinh mạnh hơn, bởi đặt lệnh nhanh hay chậm dù 1 giây cũng khiến giá trị tài khoản tăng/giảm không ít.
Chỉ có tỉnh táo và phân tích kỹ các yếu tố thì nhà đầu tư mới có cơ hội kiếm lời trên sàn phái sinh, nhưng nhiều khi còn phụ thuộc vào yếu tố may mắn, vì thị trường có thể biến động không theo quy luật thông thường.